AN TOÀN TRUYỀN MÁU VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN TRUYỀN MÁU Ở TRẺ EM

blank
Đánh giá nội dung:

AN TOÀN TRUYỀN MÁU VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN TRUYỀN MÁU

I. ĐẠI CƯƠNG

Phản ứng truyền máu bao gồm:

• Phản ứng cấp xảy ra trong lúc truyền máu hoặc vài giờ sau khi truyền.

- Nhà tài trợ nội dung -

• Phản ứng muộn xảy ra sau khi truyền máu vài ngày đến vài tuần.

Phản ứng truyền máu xảy ra 1 – 2% các ca truyền máu. Các phản ứng truyền máu có thể từ nhẹ (nổi mề đay) đến nặng (tán huyết cấp, sốc phản vệ…). Phản ứng nặng đe doạ tính mạng thường là phản ứng cấp. Vì thế, ngoài việc tuân thủ các qui định về an toàn truyền máu, các bác sĩ cần phải nắm vững các phản ứng truyền máu để phát hiện và xử trí kịp thời.

BẢNG KIỂM TRƯỚC KHI TRUYỀN MÁU

• Bệnh nhân có chỉ định truyền máu?

• Không có điều trị khác thay cho truyền máu?

• Tình trạng lâm sàng sẽ cải thiện sau khi truyền máu.

• Lợi ích truyền máu nhiều hơn là nguy cơ.

• Truyền hồng cầu lắng có tốt hơn là máu toàn phần?

• Tuân thủ quy địn an toàn truyền máu, liều lượng và tốc độ truyền.

• Biết xủ trí các tai biến do truyền máu.

Quy tắc truyền máu: khi truyền máu toàn phần, hồng cầu lắng, phải có sự phù hợp trong hệ ABO giữa hồng cầu túi máu và huyết tương người nhận và tốt nhất là máu cùng nhóm.

Nhóm máu bệnh nhân

Hồng cầu nhận tốt nhất

Hồng cầu có thể nhận

A

B

AB

O

A

B

AB

O

A,O (tốt nhất: A)

B, O (tốt nhất: B)

AB, A,B, O (tốt nhất AB)

O

• Trong trường hợp cấp cứu không có sẵn máu cùng nhóm tại bệnh viện:

– Báo ngân hàng máu để liên hệ các bệnh viện khác để có được máu cùng nhóm.

– Truyền hồng cầu lắng nhóm O.

– Truyền huyết tương đông lạnh nhóm AB.

– Truyền tiểu cầu nhóm O cho bệnh nhân nhóm máu A hoặc B, truyền tiểu
cầu nhóm A,B hoặc O cho bệnh nhân nhóm máu AB.

• Trường hợp truyền máu người thân vẫn phải đảm bảo các qui tắc an toàn
truyền máu.

II. QUI TRÌNH TRUYỀN MÁU

Khi có chỉ định truyền máu, bác sĩ sẽ lựa chọn máu và các sản phẩm của máu tùy theo tình trạng bệnh lý, thông báo thân nhân và ghi phiếu đăng ký máu.

1. Qui trình lĩnh máu

• Phiếu xin máu ghi rõ: họ tên người bệnh, chẩn đoán, nhóm máu ABO, số lượng và thành phần máu, ngày giờ xin máu.

• Xin máu mới < 1 tuần khi cần truyền máu khối lượng lớn, thay máu trẻ sơ sinh.

• Một ống máu bệnh nhân có chống đông EDTA 2 ml.

• Người lĩnh máu:

– Điều dưỡng để đối chiếu, kiểm tra kỹ túi máu về số lượng, chất lượng, nhóm máu, nhãn máu đúng với phiếu lĩnh máu mới ký nhận.

– Túi máu được đặt trong thùng trữ lạnh.

– Cần nhẹ nhàng khi di chuyển túi máu để tránh vỡ hồng cầu.

2. Qui trình phát máu

• Định lại nhóm máu bệnh nhân.

• Kiểm tra chất lượng túi máu:

– Làm phản ứng hòa hợp (phản ứng chéo crossmatch) băng phương pháp cơ điện hoặc phương pháp Gel card.

– Xét nghiệm quan trọng trước truyền máu.

– Kỹ thuật: trộn hồng cầu túi máu và huyết thanh người nhận. Trộn hồng cầu người nhận và huyết thanh túi máu:

+ Giai đoạn 1: môi trường NaCl 0,9% ở nhiệt độ phòng → phát hiện IgM. + Giai đoạn 2: môi trường kháng globulin người (AHG) ở 37oC, kết hợp thuốc thử LISS → phát hiện IgG.

Trong trường hợp truyền máu cấp cứu (cần có máu trong vòng 30 phút) chỉ làm phản ứng chéo giai đoạn 1(thời gian làm phản ứng hòa hợp 2giai đoạn trung bình là 1 giờ).

3. Qui trình truyền máu và các sản phẩm của máu

Sau khi lĩnh máu về:

3.1. Kiểm tra (điều dưỡng)

• Bệnh nhân: họ và tên, tuổi, giới, khoa, giừơng, nhóm máu ABO.

• Túi máu: mã số, nhóm máu, hạn dùng, số lượng, chất lượng (màu huyết tương, ranh giới giữa hồng cầu với huyết tương, màu hồng cầu, cục máu đông, dò rỉ, nguyên vẹn).

• Làm phản ứng an toàn tại giường trước khi bắt đầu truyền máu hoặc sản phẩm máu:

– Máu toàn phần và hồng cầu lắng: xác định nhóm máu ABO của bệnh nhân và của túi máu.

– Huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu:

+ Xác định nhóm máu ABO của bệnh nhân.

+ Trộn máu của bệnh nhân và sản phẩm máu (huyết tương, kết tủa lạnh, tiểu cầu).

Nhóm máu của bệnh nhân và của túi máu cùng nhóm ABO các phản ứng trên không có hiện tượng ngưng kết hồng cầu thì máu đó mới được truyền.

3.2. Thực hiện truyền máu

• Trước khi truyền máu, bác sĩ phải khám lại bệnh nhân, đánh giá tình trạng huyết động học để quyết định tốc độ truyền và kiểm tra lại thủ tục hành chánh để tránh nhầm lẫn.

• Tìm các dấu hiệu suy tim. Nếu có, cho Furosemid 1 mg/kg TMC trước khi truyền.

 

• Trong 15 phút đầu, nên truyền chậm, theo dõi sát để phát hiện sớm các dấu hiệu của tai biến truyền máu. Nếu không có tai biến, điều chỉnh tốc độ theo y lệnh đã cho.

• Truyền máu:

– Không cần làm ấm máu trước khi truyền ngoại trừ truyền máu nhanh,thay máu.

– Truyền HT tươi đông lạnh và kết tủa lạnh phải làm ấm ở nhiệt độ 30 – 37oC.

3.3. Theo dõi bệnh nhân trong và sau khi truyền

• Sinh hiệu trước và mỗi 30 phút trong khi truyền và mỗi giờ trong 4 giờ sau truyền.

• Kiểm tra tốc độ truyền.

• Phát hiện, xử trí kịp thời các tai biến truyền máu.

• Kiểm tra: Hct, Hb (truyền máu), TC (truyền TC).

– CN đông máu (truyền HT tươi đông lạnh hoặc kết tủa lạnh).

– Đánh giá lại tình trạng lâm sàng sau truyền máu.

3.4. Ghi vào hồ sơ bệnh án

• Loại, thể tích máu, tốc độ,nhóm máu, mã số túi máu đã truyền.

• Thời gian bắt đầu và kết thúc truyền của mỗi đơn vị.

• Phản ứng phụ nếu có.

III. TAI BIẾN TRUYỀN MÁU VÀ CÁC SẢN PHẨM CỦA MÁU

1. Tán huyết cấp

Do truyền lầm nhóm máu ABO, tán huyết xảy ra do hồng cầu túi máu truyền vào bị hủy ngay bởi kháng thể. Thường do sai sót thủ tục hành chính đặc biệt ở các trường hợp cấp cứu: lầm tên bệnh nhân, không làm phản ứng chéo. Ngoài ra còn có thể do truyền máu bị hư do bảo quản.

Xuất hiện rất sớm sau khi truyền 5 – 10 ml máu:

• Triệu chứng: sốt, run, đau lưng, nhịp nhanh, tụt huyết áp, sốc, khó thở, tiểu
hemoglobin, vô niệu, chảy máu do DIC.

• Xét nghiệm: huyết đồ (có mảnh vỡ hồng cầu), CN đông máu (DIC), Hb/niệu
(+), test Coomb trực tiếp và gián tiếp, Bilirubin máu (Bilirubin gián tiếp tăng),
ion đồ rối loạn, ure, creatinin tăng.

• Điều trị:

– Ngừng truyền máu ngay.

– Điều trị:

+ Oxy.

+ Bù dịch chống sốc.

+ Theo dõi suy thận cấp.

– Báo ngân hàng máu, ghi phiếu phản ứng phụ (ADR).

– Gởi mẫu máu mới của bệnh nhân, kèm túi máu đến ngân hàng máu để định lại nhóm máu, phản ứng chéo.

2. Phản ứng sốt không do tán huyết hoặc sốt run

Do kháng nguyên của bạch cầu có trong túi máu, thường xảy ra ở những bệnh nhân đã truyền máu nhiều lần trước đó. Xảy ra trong lúc truyền máu.

• Triệu chứng: sốt, run, huyết động học ổn định, không tán huyết.

• Điều trị:

– Ngừng truyền máu.

– Hạ nhiệt, kháng Histamin.

– Sau khi hết sốt, sẽ truyền lại túi máu đang truyền và theo dõi sát. Nếu có phản ứng lần 2 phải bỏ túi máu.

Cần chẩn đoán phân biệt với sốt do nhiễm khuẩn túi máu (cấy máu).

3. Mề đay

Do protein lạ có trong huyết tương túi máu, thường xuất hiện trong lúc truyền hoặc vài giờ sau khi truyền.

• Triệu chứng: nổi mẩn đỏ da, ngứa.

• Điều trị:

– Ngừng truyền máu.

– Kháng Histamin.

– Sau khi hết nổi mề đay có thể truyền lại túi máu đang truyền và theo dõi sát. Nếu có phản ứng lần 2 phải bỏ túi máu.

4. Sốc phản vệ

Do protein lạ có trong huyết tương túi máu, thường xuất hiện trong lúc truyền hoặc vài giờ sau khi truyền.

• Triệu chứng: tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ hoặc = 0, HA tụt, kẹp, = 0.

• Điều trị:

– Ngừng truyền máu ngay, bỏ túi máu.

– Epinephrin 1‰ 0,3 ml TDD.

– Hỗ trợ hô hấp.

– Kháng Histamin.

– Corticoid.

5. Quá tải

Do truyền nhanh, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim, suy thận, thiếu máu mạn, truyền máu khối lượng lớn.

Phòng ngừa bằng cách truyền hồng cầu lắng, tốc độ chậm.

Triệu chứng: ho, khó thở, tim nhanh, galop, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, ho bọt hồng.

• Điều trị:

– Ngừng truyền máu ngay.

– Nằm đầu cao.

– Thở oxy.

 

– Furosemid TM.

– Thuốc tăng sức co bóp cơ tim.

6 . Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển

Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển hoặc phù phổi cấp không do tim, không do quá tải. Thường liên hệ đến thể tích máu truyền vào nhiều, hoạt hóa các cytokine. Xảy ra vài giờ (1- 6 giờ) sau truyền máu.

Triệu chứng: khó thở, tim nhanh, CVP bình thường.

• X-quang phổi có hình ảnh thâm nhiễm phổi lan tỏa, phù phổi nhưng bóng tim không to.

• Điều trị:

– Ngừng truyền máu ngay.

– Nằm đầu cao.

– Thở oxy hoặc thở áp lực dương liên tục hoặc thở máy với PEEP cao.

– Corticoid.

7. Truyền máu khối lượng lớn

Khi truyền > 1 thể tích máu trong vòng 24 giờ.

Rối loạn

Xử trí

Toan máu

Tăng K máu

Giảm Ca máu

Giảm các yếu tố đông máu

Giảm tiểu cầu

Bicarbonate

Máu mới

Bù Calci mỗi 2 – 4 đơn vị máu

Truyền HT tươi đông lạnh

Truyền tiểu cầu

Để phòng ngừa các biến chứng trên, khi cần truyền máu khối lượng lớn nên truyền máu mới (máu < 7 ngày) hoặc dùng HC lắng kèm HT tươi đông lạnh.

8 . Tán huyết muộn

Do không phù hợp nhóm máu phụ. Xảy ra 7 – 10 ngày sau truyền máu:

• Triệu chứng: mệt, vàng da, tiểu sậm.

• Xét nghiệm: nhóm máu, test Coomb, Hb niệu.

• Điều trị: theo dõi lượng nước tiểu, cần làm phản ứng phù hợp nhóm máu Rh khi truyền máu lần sau.

9. Ứ đọng sắt

Thường gặp ở bệnh nhân truyền máu nhiều lần, gây ứ đọng sắt ở gan, tim.

Xử trí: thải sắt deferoxamine.

10. Lây nhiễm bệnh

Lây nhiễm sốt rét, giang mai, HIV, Viêm gan siêu vi B, C, CMV…

Phòng ngừa bằng cách tuyển chọn người cho máu và sàng lọc túi máu theo quy định an toàn truyền máu của Bộ y tế.

TÓM TẮT CÁC TAI BIẾN TRUYỀN MÁU VÀ XỬ TRÍ

Tai biến

Nguyên nhân

Triệu chứng

Xử trí

Tán huyết cấp

Truyền nhầm nhóm máu

Sớm sau 5 – 10ml: Sốt, run, khó thở, sốc

Tiểu Hb, DIC

Ngừng truyền Thở oxy, chống sốc Bỏ và gởi túi máu NHM

Sốc phản vệ

Protein lạ trong huyết tương

Trong hoặc vài giờ sau:

Tay chân lạnh, mạch nhẹ hoặc = 0, huyết áp = 0

Ngừng truyền Adrenalin 1%o Antihistamin Corticoid

Bỏ và gởi túi máu NHM.

Mề đay

Protein lạ trong huyết tương

Trong hoặc vài giờ sau:

Mẫn đỏ, ngứa

Ngừng truyền Antihistamin Truyền máu lại

Sốt

Truyền máu nhiều lần: Cytokin/bạch cầu túi máu

Trong truyền máu: Sốt

Mạch, huyết áp bình thường

Ngừng truyền Hạ nhiệt,

Antihistamin ± Corticoid Truyền máu lại

Quá tải

Truyền nhanh

Khó thở, ho, bọt hồng.

Ngừng truyền Nằm đầu cao Thở oxy. Lasix.

Vận mạch

Hội chứng suy hô hấp

Truyền máu khối lượng lớn cytokine

Khó thở đột ngột Không do quá tại

Ngừng truyền Nằm đầu cao Thở áp lực dương Corticoid

Tán huyết muộn

Không hợp nhóm máu phụ

7- 10 ngày sau:

Vàng da, tiểu sậm. Hct giảm

XN: Hb niệu Test de Coomb Theo dõi lượng nước tiểu

ứ đọng sắt

Truyền máu nhiều lần

Deferosamine

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com