SĂN SÓC HỆ THỐNG DẪN LƯU

blank
Đánh giá nội dung:

SĂN SÓC HỆ THỐNG DẪN LƯU

I. MỤC ĐÍCH DẪN LƯU

• Dẫn lưu (DL) là một vấn đề quan trọng trong xử lý các trường hợp vết thương, chấn thương, bệnh lý hoặc nhiễm trùng ngoại khoa. DL là để thoát lưu dịch từ những khoang đặc biệt của cơ thể.

• Chỉ định và cách đặt DL tùy thuộc vào từng trường hợp và phải chọn phương tiện DL thích hợp, dựa vào tính chất dịch (mủ, máu tụ hoặc dịch viêm chèn ép.).

- Nhà tài trợ nội dung -

• Dẫn lưu có 3 mục đích:

– Điều trị: là lấy hết “chất” hoặc dịch “mủ”: nếu không thoát hết thì diễn tiến sẽ trầm trọng hơn đe dọa hoặc dẫn đến tử vong. Thí dụ: tràn máu tràn khí hoặc tràn mủ màng phổi, áp xe ruột thừa.

– Dự phòng: ngăn ngừa tai biến có thể xảy ra, như chảy máu, chèn ép cấp gây tử vong (thường bị bỏ sót hoặc không thể phát hiện được trên lâm sàng đơn thuần). Chẳng hạn DL sau mổ bướu tân dịch, nếu có biến chứng chảy máu, máu sẽ thoát qua theo DL ra ngoài. Nếu không, máu ứ lại (khối máu tụ) sẽ gây chèn ép khí quản hoặc đẩy lệch trung thất, dễ tử vong.

– Theo dõi: qua DL, giúp ta theo dõi diễn tiến của thương tổn nơi chúng ta vừa can thiệp.

• Thí dụ: DL sau mổ tân dịch. Tương tự DL màng phổi sau phẫu thuật mở ngực. Theo dõi lượng và chất dịch mật mỗi ngày qua DL Kehr; DL Douglas hoặc DL dưới gan sau mổ nhiễm trùng ổ bụng, theo dõi hầu phát hiện sớm các trường hợp viêm phúc mạc tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, mục đích dự phòng và theo dõi thường hay kết hợp.

• Trong các chỉ định trên, DL nhằm mục đích điều trị là cần thiết nhất. Các mục đích khác, nếu chỉ định bừa bãi, có thể dẫn đến các biến chứng ngoài dự kiến. Theo Fischer và cs. năm 1999, thì có đến 11% các trường hợp dẫn lưu bị nhiễm trùng, so với chỉ có 5% nhiễm trùng trong các trường hợp không DL.

II. TIÊU CHUẨN ĐẶT DẪN LƯU

• Phải vô trùng tuyệt đối và đầu ống nên đặt ở phần thấp nhất theo trọng lực của cơ thể tùy theo tư thế bệnh nhân trong suốt thời gian DL, hoặc nơi dễ tụ dịch, đặc biệt với các loại DL thụ động. Thí dụ DL được đặt ở Douglas hoặc vùng dưới hoành (nơi dễ tụ dịch nhất, vì là nơi có áp lực hút do hoạt động lên xuống liên tục của cơ hoành).

• Không được đặt ra ngay vết mổ để tránh gây nhiễm trùng vết mổ, trừ “mở thông bàng quang” và các phẫu thuật vùng mặt cổ, vì lý do thẩm mỹ (nên DL bằng các lam cao su nhỏ và phải được rút sớm).

• Phải đưa ra da nơi gần nhất, tránh gập góc hoặc ngoằn ngoèo và nối vào một “ống dẫn” dài, có thể hút liên tục hoặc cách quãng. Tránh đặt ống quá ngắn, kiểu “ống khói” (dễ gây loét da tại chỗ cũng như dễ tuột vào trong).

• Không được đặt ở vùng mà diễn tiến cọ sát dễ gây loét khuyết, ”xơ hóa”, có thể làm tổn thương chức năng cấu trúc tại chỗ. Chẳng hạn, không được đặt gần các mạch máu, các cơ quan đặc, dây thần kinh, các gân (tendon) và khớp, nhất là đối với các ống DL cứng.

• Chỉ nên DL (mục đích điều trị) từ các ổ áp xe khu trú trong ổ bụng:

– Với phẫu thuật các cấu trúc của tụy, gan và đường mật, nên DL để giải thoát dịch thấm cũng như dịch tụy, mật.

– Sau mổ viêm phúc mạc toàn thể, DL không mang mục đích gì cả, trừ các trường hợp nặng, quá đặc biệt, và chỉ được đặt ở hai nơi như đã nói trên. Vì hãy luôn ghi nhớ rằng ống DL trong ổ bụng sẽ kích thích gây liệt ruột hoặc kích thích sự tạo dính là một trong những nguyên nhân gây tắc ruột sau này.

– Khi DL ổ bụng, không được đặt gần các miệng nối ruột vì vật lạ cọ sát, sẽ kích thích, gây phản ứng,làm gia tăng nguy cơ bục các mối nối.

• Với bệnh nhân phải đặt nhiều “ống” trên người khi ra khỏi phòng mổ, phẫu thuật viên nên có biên bản vẽ và mô tả kỹ bằng sơ đồ: “vị trí chỗ đặt ống, mục đích cũng như thời gian rút” để nhân viên phòng hậu phẫu săn sóc tốt, không bị nhầm lẫn và tránh lúng túng.

• Nếu có chỉ định DL trong các trường hợp có các mảnh ghép nhân tạo (protese) thì bắt buộc DL phải chủ động, hút liên tục và hút sớm hầu giảm đi nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra. DL hở là điều nên tránh trong các trường hợp này.

• Với DL nhằm mục đích theo dõi ở những vùng có “có khả năng tụ máu lan rộng” (những vùng tổ chức lỏng lẻo chứa nhiều mạng mạch máu cũng như các mao quản nhỏ), thì không được hút, nhất là vùng cổ. Riêng vùng cạnh cổ, máng cảnh, ngày nay các tác giả thích DL kiểu Redon, với áp lực nhẹ nhàng.

• Phải cố định kỹ không để tuột ống vào trong hoặc ra ngoài. Tránh lay động, ngay cả lúc thay băng, gây sang chấn dễ phù nề, viêm nhiễm, dẫn đến nhiễm trùng ngược dòng.

• Phải rút bỏ khi mục đích không còn ý nghĩa. Trên thực tế không có luật lệ cứng nhắc và chắc chắn qui định thời gian rút DL, mà phải tùy thuộc vào mục đích DL. Thí dụ: DL nhằm mục đích theo dõi sự chảy máu sau phẫu thuật mở ngực hoặc dùng để thoát dịch hoặc máu thấm dò ra, thì không để quá 24 – 48 giờ. Trong các trường hợp viêm phúc mạc nặng, DL được để sau 3 ngày, nhưng với DL ổ áp xe khu trú, áp xe ruột thừa chẳng hạn, phải để lâu hơn. Trong phẫu thuật cắt túi mật, thám sát đường mật chính, nên DL ở hố túi mật, và không để quá 3 ngày, nhưng nếu dịch mật vẫn còn ra thì không nên rút sớm… cho đến khi ngừng rỉ mật hoặc còn rất ít, không đáng kể. DL Kehr, nếu không bị tắc nghẽn, có thể rút đi sau 2-6 tuần. Và DL cạnh mỏm cắt tá tràng khó, xơ chai trong phẫu thuật cắt dạ dày, không rút trước 9 ngày, cũng không để lâu quá 13 ngày v.v.

• Không cần phải dùng kháng sinh dự phòng trong thời gian DL.

III. BIẾN CHỨNG CỦA DẪN LƯU

• Chảy máu nơi chân ống hoặc gây tổn thương cơ quan bên trong.

• Nhiễm trùng ngược dòng.

• Ống dẫn lưu bị đứt, rách hoặc tuột ống vào trong.

IV. CHỈ ĐỊNH RÚT DẪN LƯU

• Dẫn lưu nên rút càng sớm càng tốt, trên nguyên tắc, DL nên rút khi mục đích đã được giải quyết hoặc DL không còn tác dụng.

• Hầu hết các “ống DL” nên rút nếu dịch ra từ 20 – 50ml/24 giờ hoặc ống DL không còn hoạt động.

V. VÀI KỸ THUẬT TRONG KHI RÚT DL

Với DL để lâu quá 72 giờ, nhất là DL ổ bụng: trước khi rút 10 – 15 phút, nên tiêm bắp 1 ống Valium 10mg hoặc 1 ống thuốc giảm đau thích hợp, hầu tránh trường hợp sốc do nhạy cảm đau.

Nếu rút ống mà cảm giác nặng tay khi rút, thì nên làm thêm thủ thuật sau: xoay vặn ống tối đa về một hướng. và sau đó xoay vặn tối đa về một hướng ngược lại hầu có thể tách dính các thành phần bên dưới, nhất là mạc nối. Với DL dạng ống, nếu là mục đích dự phòng và theo dõi thì nên rút trong 1 thì duy nhất. Nhưng nếu nhằm mục đích điều trị, phải đặt lâu quá 3 ngày thì sau vài ngày nên xoay vặn ống một lần và rút ra vài cm kèm theo cắt giảm ống. để cuối cùng thay bằng ống nhỏ hơn và rút dần sau đó.

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com