HỒI SỨC BỆNH NHÂN SAU MỔ TIM HỞ Ở TRẺ EM
I. NHẬN BỆNH TỪ PHÒNG MỔ
1. Đánh giá nhanh tình trạng bệnh nhân
Kiểm tra ABC và xử trí ngay nếu cần.
a. Đường thở (Airway):
– Lồng ngực nhô đều và nghe phế âm 2 bên đều nhau khi bóp bóng.
– Nghe những âm thở bất thường: thoát khí, ran rít.
b. Tình trạng thở (Breathing):
– Gắn vào máy thở theo các thông số đã được báo trước bởi êkíp gây mê.
– Kiểm tra sơ bộ giá trị của các thông số có đạt yêu cầu không:
+ Điều chỉnh Pi sao cho Vt 6 – 8 ml/kg.
+ PEEP 4 – 6 cmH2O.
+ FiO2 như của phòng mổ hoặc FiO2 = 60%.
+ Tần số (kiểm tra các thông số có khớp với các giá trị đã được báo trước không, và điều chỉnh ngay nếu cần, việc chỉnh máy sẽ tiến hành kỹ hơn sau đó).
– Kiểm tra bệnh nhân có hồng không và xem giá trị SpO2.
c. Tình trạng tuần hoàn (Circulation):
– Nhịp tim.
– Huyết áp:
+ Những xáo trộn các dấu hiệu sinh tồn trong giai đoạn này nếu có, sẽ được bác sĩ gây mê chịu trách nhiệm điều chỉnh, và bác sĩ Khoa Hồi sức ngoại hỗ trợ, cho đến khi bàn giao bệnh xong.
+ Thao tác thực hiện tháo lắp các đường truyền và ống dẫn lưu của điều dưỡng theo thứ tự ưu tiên: (1) monitor ECG, (2) HA xâm lấn, (3) SpO2, (4) hút dẫn lưu ngực.
2. Giao nhận bệnh
Những thông tin cần bàn giao:
• Loại bệnh cần phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật.
• Thông tin về những chi tiết trong cuộc mổ:
– Thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, thời gian kẹp động mạch chủ.
– Số lần cho cardioplegia.
– Tim đập lại tự nhiên hay sốc điện hoặc dùng thuốc Lidocain.
– Các thuốc vận mạch đang sử dụng, liều truyền.
– Có rối loạn nhịp không, có sử dụng pacemaker không.
– Có lọc máu trong khi chạy tuần hoàn ngoài cơ thể không.
– Những sản phẩm của máu và lượng máu truyền trong cuộc mổ.
– Những bất thường khác trong cuộc mổ nếu có.
• Tình trạng bệnh nhân ngay sau cuộc mổ: Các kết quả xét nghiệm cuối: (bắt buộc phải có) khí/máu, ion đồ, Hct, đông máu, ACT, tiểu cầu đếm.
II. KHÁM LÂM SÀNG
1. Khám bệnh nhân
• Dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, SpO2, CVP.
• Tổng quát:
– Phù, hồng hay tím, thức tỉnh hay mê.
– Các ống dẫn lưu trên cơ thể, các đường truyền trung tâm.
• Phổi: phế âm đều 2 bên, ran phổi, thoát khí.
• Lồng ngực:
– Hở xương ức.
– Số lượng ống dẫn lưu, số lượng và tính chất dịch ra.
– Dây điện cực để gắn máy tạo nhịp.
– Chảy máu vết mổ.
• Tim: nhịp tim đều hay không, âm thổi, tiếng tim, các âm khác của tim.
• Bụng:
– Kích thước gan.
– Chướng bụng.
• Chi:
– Tưới máu chi (ấm hay lạnh).
– Mạch tứ chi, tím, phù.
– Số lượng đường truyền ngoại biên.
2. Kiểm tra kỹ các đường dẫn từ bệnh nhân
• Tạo nhịp:
– Tất cả bệnh nhân đều phải để máy tạo nhịp ở chế độ stand-by.
– Phải kiểm tra ngưỡng, độ nhạy, độ dẫn của dây và điện cực dẫn.
• Đường truyền:
– Kiểm tra các đường truyền thuốc vận mạch, dãn mạch, hạ áp, tốc độ truyền.
– Kiểm tra các đường truyền còn thông, không nghẹt.
• Monitor: kiểm tra mức zero và cài đặt các giới hạn báo động.
• Ống dẫn lưu: số lượng, màu sắc, tính chất dịch ra.
• Bộ hút dẫn lưu áp lực âm: sự hoạt động, áp lực hút (chiều cao cột nước).
•Thông tiểu: lượng nước tiểu.
III. XỬ TRÍ
Cho các y lệnh về dịch và thuốc và thở máy:
1. Thở máy
• Máy thở giữ các thông số duy trì như từ khi êkíp gây mê giao lại, các thông số sẽ được điều chỉnh tuỳ theo kết quả khí máu động mạch.
• Nguyên tắc:
– Thông thường: thở chế độ kiểm soát áp lực (A/C pressure control).
+ Điều chỉnh Pi sao cho Vt = 6 – 8 ml/kg.
+ PEEP = 4 – 6 cmH2O.
+ Tần số theo lứa tuổi.
– Không cao áp phổi:
+ Mục tiêu: PaO2 > 100 mmHg, SpO2 > 96%, PaCO2 = 35 – 40 mmHg.
+ Cách điều chỉnh: giảm FiO2 mỗi lần 5 – 10% tới khi FiO2 35 – 40%, chuyển sang SIMV giảm tần số thở mỗi 4 nhịp/phút cho tới khi cai máy được.
– Cao áp phổi nặng:
+ Mục tiêu: PaO2 120 – 150 mmHg, SpO2 = 100%, PaCO2 = 30 – 35 mmHg hoặc nếu cần < 30 mmHg, pH > 7,45 – 7,5.
+ Cách điều chỉnh: giảm FiO2 chậm mỗi lần 5%, ± an thần/dãn cơ.
2. Cài đặt máy tạo nhịp
• BN không rối loạn nhịp: luôn đặt ở chế độ stand-by trong 24 giờ đầu hậu phẫu.
– Thông thường dây điện cực đặt ở thất phải cài mode VVI.
• BN có rối loạn nhịp: cài đặt theo phác đồ rối loạn nhịp.
3. Dịch truyền
• Nhu cầu dịch:
– Hạn chế dịch 1/2 – 2/3 nhu cầu: 1 – 2 ml/kg/giờ.
+ < 20 kg: thể tích dịch.
Ngày mổ: 500ml x diện tích da.
Hậu phẫu ngày 1: 750 ml x diện tích da.
Hậu phẫu ngày 2: 1000 ml x diện tích da.
Hậu phẫu ngày 3: 1250 ml x diện tích da.
Hậu phẫu ngày 4: 1500 ml x diện tích da.
+ ≥ 20 kg: 1 ml/kg/giờ.
– Bệnh nhân có thể ăn uống đường miệng lại sau khi rút NKQ > 6giờ nếu hô hấp tốt.
• Loại dịch:
– Trẻ ≤ 5 kg: Dextrose 10% 1/4NS (500 ml Dextrose 10% + 12 ml Natri clorua 10%).
– Trẻ > 5 kg: Dextrose 5% 1/4NS (500 ml Dextrose 5% + 12 ml Natri clorua 10%)
• Sau đó, sẽ pha điện giải vào dịch tùy thuộc kết quả ion đồ:
– Na+ cao hoặc bình thường: không pha thêm.
– Na+ thấp: bù Na+ theo phác đồ.
• Kali:
– K+ bình thường: không pha kali trong 24giờ đầu hậu phẫu, sau 24 giờ cho K+ theo nhu cầu (2 – 3 mEq/100 ml dịch nhu cầu).
– Bù kali khi kali/máu giảm sớm hơn và tích cực hơn:
+ Nguyên tắc: duy trì kali > 3,5 mEq/L để tránh nguy cơ rối loạn nhịp và duy trì kali > 4 mEq/L khi có rối loạn nhịp.
+ Khi Kali = 3,5 – 4 mEq/L và không rối loạn nhịp: pha kali clorua trong dịch pha với nồng độ 40 mEq/L truyền theo tốc độ dịch pha.
+ Kali = 3 – 3,5 mEq/L và không có rối loạn nhịp: pha kali clorua với dextrose 5% với nồng độ 80 mEq/L truyền tốc độ 0,3 mEq/kg/giờ trong 2 – 4 giờ. Kiểm tra kali máu sau khi truyền để có hướng bù tiếp.
+ Hạ kali/máu nặng (< 3 mEq/L) hoặc kali/máu > 3 mEq/L nhưng kèm rối loạn nhịp: pha kali clorua với dextrose 5% với nồng độ 80 mEq/L truyền tốc độ 0,5 mEq/kg/giờ trong 2 – 4 giờ. Kiểm tra kali máu sau khi truyền để có hướng bù tiếp.
• Calci: Nếu Ca++ < 1 mmol/L và huyết áp thấp dù đã dùng vận mạch đủ: calci gluconate 0,5 ml/kg TM hoặc calci clorua 0,2 ml/kg TM. Pha loãng với 5 – 10 ml Glucose 5% TM chậm.
• Magnê:
– Duy trì: Mg++ > 0,8 mmol/L.
– Nếu Mg++ < 0,8 mmol/L: Magnê sulfate (MgSO4) 15% 0,2ml/kg TM hoặc Magnê clorua (MgCl2) 10% 0,2 – 0,3 ml/kg TM. (pha loãng với Dextrose 5% tỉ lệ 1:3 TMC 30 – 60 phút).
4. Thuốc
• Kháng sinh dự phòng:
– Cefazolin 30 mg/kg mỗi 8 giờ, trong 48 giờ.
– Bệnh nhân hở xương ức: kháng sinh dự phòng vẫn là Cefazolin và dùng thêm 1 liều Vancomycin 10 mg/kg 1 giờ trước đóng xương ức.
– Nếu tiền sử dị ứng beta-lactam hoặc đã nằm viện lâu trước mổ hay vừa sử dụng kháng sinh phổ rộng trước mổ: Vancomycin 20mg/kg TM lúc dẫn đầu gây mê và tiếp tục sử dụng cefazolin ở hồi sức 30mg/kg/liều mỗi 8 giờ sau đó.
• Giảm đau:
– Hở xương ức và/hoặc cao áp phổi nặng:
+ Phối hợp Fentanyl + Midazolam TTM:
❖Fentanyl 3 μg/kggiờ.
❖Midazolam 2 μg/kgphút.
+ Vecuronium 0,1 mg/kg x 4 TM khi bệnh nhân cử động nhiều.
+ Có thể dùng vecuronium TTM 0,05 – 0,1 mg/kg/giờ nếu không giữ được BN nằm yên với vecuronium chích TM.
– Bolus ngay trước hút đờm hoặc ngay trước khi làm một động tác kích thích dự phòng cơn cao áp phổi nặng: Fentanyl 2-4 μg/kg/liều.
– Không hở xương ức và không cao áp phổi nặng:
+ Cần thở máy qua đêm: cao áp phổi trung bình – nặng, < 5kg, suy tim nặng.
❖Morphin + Midazolam TTM.
❖Morphin 20 – 40 μg/kggiờ.
❖Midazolam 2 μg/kgphút.
+ Không cần thở máy qua đêm:
❖Morphin 10 – 20 μg/kggiờ.
❖BN có gây tê cùng (Morphin sulfat ngoài màng cứng): có thể không truyền Morphin trong vài giờ đầu hậu phẫu để rút nội khí quản sớm. Đánh giá mức độ đau của bệnh nhân để dùng Morphin lại nếu cần.
– Chuyển an thần giảm đau dãn cơ từ mức (1) sang (2) sau khi đóng xương ức.
– Morphin 0,05 mg/kg TM 1 liều khi rút ống dẫn lưu ngực.
– Ngừng Morphin TTM sau khi rút tất cả ống dẫn lưu ngực.
– Acetaminophen uống 10 – 15 mg/kg/lần x 3 – 4 lần/ngày bắt đầu khi có thể gavage được.
• Thuốc khác:
– Ranitidin: 1-2 mg/kg/lần x 3 lần/ngày.
– Thường ngừng Ranitidin sau rút được NKQ.
• Thuốc vận mạch:
điều chỉnh theo huyết động (xem phần xử trí đảm bảo cung lượng tim).
5. Các đường truyền
• Đường động mạch: Natri clorua 0,9% pha Heparin 1 UI/ml BTTĐ 1 – 2 ml/giờ
• Đường tĩnh mạch trung tâm: Natri clorua 0,9% pha Heparin 1 UI/ml BTTĐ 1ml/giờ.
• Cho tất cả trẻ < 5kg hoặc có BT shunt hoặc central shunt:
– Natri clorua 0,9% pha Heparin truyền TM 10 UI/kg/giờ khi ngừng chảy máu.
– Ngừng khi đã rút các catheter.
6. Xử trí một số trường hợp thường gặp hậu phẫu nếu có
a. Hội chứng giảm cung lượng tim
• Các nguyên nhân có thể:
– Hạ calci máu.
– Hội chứng giảm cung lượng tim cấp (do thiếu thể tích tuần hoàn, suy chức năng bơm của tim, chèn ép tim cấp).
– Rối loạn nhịp và dẫn truyền, trục trặc của máy tạo nhịp.
– Cơn tăng áp động mạch phổi.
– Vấn đề thở máy và hô hấp.
– Những tổn thương giải phẫu còn sót lại hoặc không chẩn đoán được.
• Các xử trí thông thường:
– Hạ calci máu:
+ Chẩn đoán: Ca++ < 1,2 mmol/L + lâm sàng giảm cung lượng tim, hạ HA, loạn nhịp tim, QT dài, ST, T đảo, co cơ, cơn tetany, co giật, ngừng thở, co thắt phế quản, co thắt thanh quản.
+ Xử trí: Calci gluconate 10% 50 mg/kg (0,5 ml/kg) TM chậm, hoặc calci clorua 10% 20 mg/kg (0.2 ml/kg) TM chậm, đánh giá lại huyết động và ion đồ.
– Thiếu thể tích tuần hoàn:
+ Đánh giá: dựa vào huyết áp thấp, CVP thấp, nghe tim, siêu âm tim và Hct > 30%.
+ Xử trí: Gelatin TTM 5 – 10 ml/kg/giờ hoặc Albumin 5% TTM 5 – 20 ml/ kg/giờ (ở trẻ nhỏ < 10kg, suy dinh dưỡng, bệnh nặng.
+ Sau 30 phút – 1 giờ đánh giá lại: Nếu tim đã được đổ đầy (CVP > 10 mmHg, PAWP > 10 mmHg (nếu có), siêu âm tim thấy đủ dịch trong buồng tim) mà huyết áp vẫn không cải thiện hoặc siêu âm tim thấy tim co bóp yếu: sử dụng thêm thuốc tăng co bóp cơ tim (inotrope). Nếu có tràn dịch màng tim gây chèn ép tim cấp (tamponade) thì xử trí chèn ép tim (xem bài sau).
– Nếu thiếu thể tích tuần hoàn và Hct ≤ 30%:
+ Xem xét truyền máu và các chế phẩm của máu tùy chỉ định.
+ Có thể truyền lại máu bơm từ tuần hoàn ngoài cơ thể 3ml/kg/giờ nhưng phải lưu ý trung hoà heparin trong túi máu (cứ 25 ml máu bơm trung hoà tương ứng 1mg protamin sulfate TM).
– Nếu rối loạn nhịp thì xử trí RLN theo phác đồ.
b. Run
• Nguyên nhân: do hạ thân nhiệt, quá trình hồi tỉnh.
• Xử trí:
– Giữ ấm cho bằng mền, đèn sưởi.
– Nếu cần: thuốc an thần.
– Nếu không đáp ứng: Clonidin (catapressan): 1-1,5μg/kg TM. Dùng tốt nhất khi có cao HA.
– Nếu không đáp ứng: thuốc dãn cơ.
c. Tăng HA
• Tăng HA hậu phẫu gây tăng nguy cơ chảy máu do tăng áp lực lên các chỗ khâu, và gây tăng hậu tải thất trái.
• Xử trí nguyên nhân:
– Đau: giảm đau.
– Run: xử trí run.
– Thông khí không đủ: tăng thông khí.
– Căng bàng quang, chướng dạ dày: kiểm tra sonde tiểu, hút dịch dạ dày…
– Stress lúc hồi tỉnh: an thần, dãn cơ.
• Nếu vẫn còn tăng HA dù đã can thiệp nguyên nhân tích cực: dùng thuốc hạ áp glyceryl trinitrat, nitroprussid, nicardipine.
d. Chảy máu sau mổ:
theo dõi lượng máu/dịch từ các ống dẫn lưu (màng phổi, màng tim, trung thất.).
• Ống dẫn lưu phải ra < 1ml/kg/giờ.
• Nếu ống dẫn lưu ra ≥ 3ml/kg/giờ:
– Hội chẩn ngoại.
– XN: ĐMTB, TC đếm, Hct, đăng ký máu.
– Điều chỉnh ngay các rối loạn:
+ Protamin sulfate 0,5-1 mg/kg TM.
+ 10 phút sau kiểm tra ACT lại, nếu > 100 giây thêm 0,5 mg/kg protamin TM và cho thử lại ĐMTB, TC đếm, ACT.
+ Nếu còn chảy máu: trancenamic acid (Exacyl) 15-20 mg/kg TM cho trẻ ≥ 3 tuổi), hoặc Aportinin.
+ Truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, TC khi có chỉ định + TC < 80 000/mm3: truyền TC đậm đặc.
• Nếu ống dẫn lưu ra > 10ml/kg bất cứ thời điểm nào: xem xét mổ lại ngay.
e. Cơn tăng áp phổi
• Yếu tố khởi phát: kích thích, stress, đau.
• Nguyên nhân: do shunt lớn trước mổ, có tăng áp phổi nặng trước mổ.
• Triệu chứng:
– Tím tái.
– Giảm cung lượng tim, tụt HA, lạnh chi.
– Tăng CVP
– Tăng áp lực động mạch phổi (nếu có đặt PA line).
• Xử trí:
– FiO2 tăng 100%, bóp bóng tăng thông khí bằng tay nhẹ nhàng.
– Hút đờm nếu có đờm. Lưu ý khi hút đờm sẽ làm kích thích tăng thêm cơn tăng áp động mạch phổi. Do đó phải cho thuốc an thần thật tốt trước hút đờm và hút đờm nhẹ nhàng.
– Cho ngủ sâu, an thần và giảm đau thật tốt:
+ Morphin: 0,1mg/kg TM, sau đó TTM 20 – 40 mcrg/kg/giờ.
+ Midazolam: 0,1mg/kg TM, sau đó TTM 2 mcrg/kg/giờ.
+ Fentanyl: 2-5 μg/kg TM, sau đó TTM 2 – 3 μg/kggiờ.
+ Có thể pha chung các thuốc trên lại với nhau trong cùng 1 bơm tiêm tự động.
– Nếu cần sẽ cho dãn cơ: vecuronium 0,1 mg/kg TM, hoặc TTM 0,05 – 0,1 mg/kg/giờ.
– Chỉnh hô hấp thật tốt:
+ Cho FiO2 cao, tạo kiềm hô hấp.
+ Mục tiêu: PaO2 120 – 150 mmHg, SpO2 100%, PaCO2 = 30-35 mmHg (nếu cần: PaCO2 < 30 mmHg), pH > 7,45-7,5
– Dùng thuốc dãn mạch:
+ Thuốc TTM: chọn lựa 1 trong các thuốc:
❖ Milrinon nếu muốn tăng co bóp cơ tim.
❖ Soldium Nitroprussid nếu cần giảm hậu tải nhiều.
❖ Illoprost TTM.
+ Thuốc phun khí dung: Illoprost (prostacyclin).
+ Sildenafil uống 0,3 mg/kg/liều mỗi 3 đến 6 giờ, tăng dần đến khi đạt hiệu
quả hoặc xảy ra hạ huyết áp hệ thống, thường tối đa 2-3 mg/kg/liều.
+ Các thuốc dãn mạch khác: Isosorbid dinitrat, ức chế men chuyển.
f. Suy thận
• Nếu nước tiểu < 1 ml/kg/giờ: bắt đầu liệu pháp lợi tiểu (vẫn dùng khi huyết động ổn định ngay cả khi có đang dùng vận mạch): Furosemid 1-2mg/kg TM x 2-3 lần/ngày hoặc 0,1- 0,4mg/kg/giờ TTM.
• Nếu nước tiểu < 1 ml/kg/giờ trong 3 giờ liên tiếp không đáp ứng liệu pháp lợi tiểu và thuốc vận mạch, dịch truyền: thực hiện lọc màng bụng hoặc lọc máu liên tục.
IV. THEO DÕI
1. Monitor liên tục
• HA động mạch xâm lấn.
• CVP
• ECG.
• SpO2
2 Nhịp tim.
Nhịp thở.
Thân nhiệt.
PA line, LA line nếu cần.
2. Ghi nhận mỗi giờ
• Các trị số monitor liên tục nêu trên.
• Lượng và tính chất nước tiểu (xem phần suy thận).
• Ống dẫn lưu:
– Theo dõi lượng máu/dịch từ các ống dẫn lưu (màng phổi, màng tim, trung thất.). Xem phần xử trí chảy máu sau mổ.
– Rút ống dẫn lưu khi:
+ Nhũ nhi (< 10kg) không ra dịch trong 3 giờ liên tiếp.
+ Trẻ lớn ≤ 2 ml/giờ trong 3 giờ liên tiếp.
+ An thần giảm đau nhẹ trước rút ống dẫn lưu.
+ X-quang ngực kiểm tra sau rút ống dẫn lưu 1 giờ.
– Tính cân bằng xuất nhập mỗi giờ và mỗi 24 giờ.
3. Theo dõi và chuẩn bị rút NKQ
•Tiêu chuẩn rút NKQ:
– Thần kinh: BN tỉnh táo, hợp tác, hết tác dụng của thuốc liệt cơ (ngừng thuốc an thần dãn cơ ≥ 4 giờ, thuốc an thần đang dùng liều thấp: Morphin ≤ 10 μg/kggiờ, midazolam ≤ 1 μg/kgphút).
– Tự thở tốt, có trigger máy thở. Phản xạ ho đủ mạnh.
– Tim mạch: huyết động ổn định với liều thuốc tăng co bóp vừa phải, không có rối loạn nhịp nặng hoặc ổn định với máy tạo nhịp.
– Phổi: không có phù phổi hay xẹp phổi vùng lớn, không tràn dịch màng phổi hay tràn khí màng phổi, PaO2 > 70 mmHg với FiO2 < 40%, PS ≤ 10cmH2O, không gắng sức, BN không quá tăng tiết đờm nhớt.
– Chảy máu < 1ml/kg/giờ.
– Thân nhiệt: >36oC.
• Tập thở:
– Tập thở bằng mode SIMV hoặc PS trên máy thở, giảm dần áp lực hỗ trợ và tần số thơ, cho đến khi tần số SIMV < 10, PS <10 cmH2O.
– Sau tập thở khoảng 20 phút, đánh giá lại bệnh nhân: sự co kéo cơ hô hấp, da niêm, mạch, nhịp thở, khí máu. Tiến hành rút nội khí quản nếu:
+ Da niêm hồng.
+ Tay chân ấm, mạch rõ, không nhanh.
+ Thở êm, không gắng sức hay co kéo cơ hô hấp phụ, tần số thở bình thường theo tuổi.
+ Khí máu: PaO2 > 70 mmHg với FiO2 < 40%, PaCO2 < 45 mmHg.
+ Tần số hỗ trợ cua máy SIMV < 10 l/min, PS < 10 cm H2O, PEEP < 5 cmH2O.
– Sau rút nội khí quản, thở oxy canuyn hoặc NCPAP tuỳ tình trạng bệnh nhân.
• Lưu ý:
– BN rút NKQ phải có kế hoạch từ hôm trước.
– Nhịn ăn đường miệng ngày rút NKQ, cho ăn đường miệng lại 6 giờ sau rút NKQ.
– Cho dexamethaxon nếu cần.
V. XÉT NGHIỆM
1. Trong 24 giờ đầu
• Ngay khi bệnh nhân đến Khoa Hồi sức ngoại:
– KMĐM, ion đồ (bắt buộc phải có đủ natri, kali, calci, magnê), dextrostix, Hct/mỗi 4-6 giờ, XQ ngực thẳng, ECG, ure, creatinin, lactate máu.
• Mỗi 4 giờ: KMĐM, ion đồ, đường huyết, Hct.
2. Sau mổ 24 giờ
• KMĐM, ion đồ, đường huyết, Hct mỗi 6 – 24 giờ, tùy tình trạng bệnh nhân.
• XQ ngực thẳng, ECG, công thức máu, urea, creatinin.
• ĐMTB, TC đếm khi cần.
3. Sau 24 -48 giờ
Chỉ định xét nghiệm tùy tình trạng bệnh.
VI. TIÊU CHUẨN XUẤT KHOA
• Tim mạch: huyết động ổn định không cần đến các thuốc tăng co bóp đường TM, không có rối loạn nhịp nguy hiểm. Nếu BN có nhịp chậm, các dây điện cực tạm thời phải dẫn tốt.
• Hô hấp: BN tự thở tốt, có SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời đối với tật tiêm sửa chữa hoàn toàn theo 2 thất, SpO2 80-85% đối với tật tim sửa chữa tạm thời, không tràn khí màng phổi, không tràn dịch màng phổi lượng nhiều.
• Các tiêu chuẩn khác: hết chảy máu, lượng nước tiểu > 1ml/kg/giờ, không có nhiễm trùng nặng.
Vấn đề | Mức độ chứng cớ |
Milrinon được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân sau mổ chuyển gốc động mạch để phòng ngừa tình trạng giảm cung lượng tim trong 24 giờ đầu sau mổ. Khuyến cáo dựa trên chứng cứ: Cung lượng tim giảm trong 6-18 giờ sau tuần hoàn ngoài cơ thể (Wernovsky 1995 [A]) và ức chế phosphodiesterase có hiệu quả cải thiện cung lượng tim sau tuần hoàn ngoài cơ thể. (Hamada 1999 [B], Laitinen 1999 [B], Hoffman 2003 [B], Berner 1990 [C], Lynn 1993 [C], Bailey 1997 [C], Kikura 1998 [C]).
|
1
Cincinnati Children’s. 2006
|
Khuyến cáo truyền Fentanyl cho tất cả bệnh nhân sau mổ chuyển gốc động mạch. Khuyến cáo dựa trên chứng cứ: Fentanyl liều cao làm giảm đáp ứng stress sinh lý xảy ra do hậu quả của phẫu thuật tim (Anand 1992 [B], Anand 1990 [D]). | Cincinnati Children’s. 2006 |
Khuyến cáo sử dụng Milrinon ở bệnh nhân sau phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn tứ chứng Fallot để ngăn ngừa hiện tượng giảm cung lượng tim sau mổ do rối loạn chức năng tâm trương thất phải.
Không có bằng chứng trực tiếp gợi ý sử dụng Milrinon thường qui sau mổ sửa chữa hoàn toàn tứ chứng Fallot làm cải thiện kết quả, nhưng khuyến cáo dựa trên bằng chứng cho thấy sinh lý thất phải hạn chế liên quan đến việc tăng tỉ lệ biến chứng sau sửa chữa hoàn toàn tứ chứng Fallot và ức chế phosphodiesterase cải thiện chức năng tâm trương của thất trái. (Hoffman 2003 [A], Hoffman 2002 [A], Norgard 1996 [C], Chang 1995 [C], Cullen 1995 [C], Berner 1990 [C], Werner 1995 [F], Pagel 1993 [F] |
Cincinnati Children’s. 2006
|
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.