PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ VIÊM CẦU THẬN CẤP HẬU NHIỄM LIÊN CẦU Ở TRẺ EM
I. ĐỊNH NGHĨA
Viêm cầu thận cấp (VCTC) là một hội chứng bao gồm: khởi phát cấp tính của tiểu máu, tiểu ít, phù, cao huyết áp và giảm chức năng thận. Nguyên nhân thường do hậu nhiễm liên cầu trùng nhóm A.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh
• Triệu chứng phù: khởi phát, tính chất, lần đầu hay lặp lại.
• Tiểu ít, tiểu đỏ: kéo dài bao lâu, lần đầu hay lặp lại?
• Triệu chứng: mệt, khó thở, nhức đầu, nôn ói, co giật.
• Nhiễm trùng da, sốt đau họng trước đó?
• Dùng thuốc, bệnh thận hay bệnh toàn thân ảnh hưởng đến thận.
b. Khám lâm sàng
• Đánh giá: tri giác, mạch, huyết áp, nhịp thở, cân nặng, lượng và màu sắc nước tiểu.
• Tìm dấu hiệu phù.
• Khám tim mạch: tìm dấu hiệu suy tim, cao huyết áp, phù phổi.
• Khám bụng: tìm thận to, gan to của suy tim, bụng báng.
• Khám thần kinh: tìm dấu hiệu bệnh não do cao huyết áp.
• Khám tìm dấu hiệu nhiễm trùng da, viêm họng.
c. Đề nghị cận lâm sàng
• CTM, ion đồ, urê, creatinin.
• ASO máu
• C3, C4 máu.
• Tổng phân tích nước tiểu.
• Cấy phết họng hay sang thương da tìm liên cầu khuẩn nhóm A.
2. Chẩn đoán xác định
• Lâm sàng: phù, tiểu ít, tiểu máu, cao huyết áp khởi phát cấp tính.
• Xét nghiệm: tiểu hồng cầu, tiểu đạm ít, ASO tăng, C3 giảm, C4 bình thường.
3. Chẩn đoán phân biệt
a. Hội chứng thận hư: phù, tiểu đạm nhiều, giảm Albumin máu, tăng Cholesterol và Triglycerid máu.
b. Bệnh cầu thận IgA: thường tiểu đỏ đại thể liền sau nhiễm trùng hô hấp, không phù và không cao huyết áp.
c. Nhiễm trùng tiểu: không phù, tiểu gắt, tiểu nhiều lần, tiểu máu, tiểu bạch cầu, cấy nước tiểu có vi trùng.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc
• Điều trị nhiễm trùng do Streptococcus.
• Điều trị triệu chứng.
• Điều trị biến chứng.
2. Điều trị nhiễm trùng do Streptococcus
Penicillin V 100.000 đv/kg/ngày x 10 ngày. Nếu dị ứng Penicillin V, dùng Erythromycin 30 – 50 mg/kg/ngày x 10 ngày.
3. Điều trị biến chứng
• Cao huyết áp: xem bài cao huyết áp.
• Suy tim: xem bài suy tim.
• Phù phổi cấp: xem bài phù phổi cấp.
• Suy thận cấp: xem bài suy thận cấp.
4. Điều trị triệu chứng
• Nghỉ ngơi, hạn chế vận động khi có biến chứng.
• Ăn lạt cho đến khi hết phù.
• Lợi tiểu nếu có phù.
5. Chỉ định sinh thiết thận
• Suy thận (chức năng thận giảm < 50% bình thường).
• C3 giảm trên 3 tháng.
• Tiểu đạm trên 6 tháng.
• Tiểu máu tái phát.
• Tiểu máu đại thể trên 3 tuần.
• Tiểu máu vi thể trên 12 tháng.
6. Theo dõi và tái khám
• Theo dõi: mạch, huyết áp, cân nặng, nước tiểu, xuất nhập ít nhất 1 lần/ngày.
Trong những trường hợp có biến chứng cần theo dõi sát hơn tùy bệnh lý.
• Thử nước tiểu, chức năng thận mỗi 3 – 5 ngày.
• Tái khám: sau xuất viện tháng 1, tháng 2, tháng 4, tháng 6, tháng 12.
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.