ĐIỀU TRỊ ĐIỀU TRỊ CƠN TÍM Ở TRẺ EM

blank
Đánh giá nội dung:

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ ĐIỀU TRỊ CƠN TÍM Ở TRẺ EM

I. ĐỊNH NGHĨA

Cơn tím là hiện tượng khó thở dữ dội và tím tái nặng thường xảy ra ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ bị tứ chứng Fallot hoặc tật tim bẩm sinh phức tạp có thông liên thất kèm hẹp động mạch phổi. Cơn tím ít gặp ở trẻ dưới 2 tháng và trẻ lớn, là tình trạng nặng có thể dẫn đến tử vong.

Nội dung trang:

- Nhà tài trợ nội dung -

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi

• Thời gian xuất hiện cơn tím: sáng sớm (sau một giấc ngủ dài), sau gắng sức (khóc, đi tiêu…), khi sốt, ói, tiêu chảy.

• Đặc điểm cơn: mức độ tím, tư thế, phương pháp làm giảm cơn tím (tư thế gối ngực, ngồi xổm), kéo dài của cơn.

b. Khám

• Tím tăng nhiều, SaO2 giảm.

• Thở nhanh, sâu.

• Khám tim: nhịp tim thường không tăng, âm thổi tâm thu dạng phụt của hẹp ĐMP giảm hoặc biến mất.

• Kích thích, vật vã, lơ mơ, có thể co giật do giảm ôxy não.

c. Đề nghị xét nghiệm

• Công thức máu (lấy máu TM). Chú ý tình trạng cô đặc máu và giảm tiểu cầu.

• ECG: khi tình trạng tạm ổn (hết cơn tím).

• X-quang tim phổi thẳng: phổi sáng, tuần hoàn phổi giảm.

• Siêu âm tim: nếu trước đó bệnh nhân chưa thực hiện để xác định tật tim bẩm sinh.

2. Chẩn đoán xác định

• Lâm sàng: tím tăng nhiều đột ngột, thở nhanh sâu, vật vã kích thích, SaO2 giảm.

• X-quang tim phổi: tuần hoàn phổi giảm.

• Siêu âm tim: tật tim bẩm sinh có hẹp đường thoát thất phải + thông liên thất.

3. Chẩn đoán phân biệt: tim bẩm sinh tím có suy tim

Cơn tím

Suy tim

– Nhịp thở:

Nhanh sâu

Nhanh nông, co lõm ngực

– Nhịp tim:

Bình thường

Tăng ± gallop

– Da niêm:

Tím đậm

Tím, ẩm, vã mồ hôi.

– Phế âm:

Thô, không ran

Thường có ran ẩm

– Gan:

Không to

To

– Xq ngực:

Tuần hoàn phổi giảm

Tuần hoàn phổi tăng

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị

• Tăng oxy ở máu động mạch.

• Tăng lượng máu lên phổi.

• Giảm kích thích (giảm thở nhanh sâu, giảm tiêu thụ oxy).

2. Điều trị cấp cứu

Theo từng bước sau:

• Giữ trẻ ở tư thế gối-ngực. Giữ trẻ nằm yên không bị kích thích.

• Thở oxy qua mask có túi dự trữ với lưu lượng 6-10 lít/phút.

• Morphin 0,1 mg/kg tiêm bắp hoặc tiêm dưới da hoặc Diazepam 0,1-0,4mg/kg tiêm mạch chậm.

• Truyền dịch điện giải khi Hct > 60%.

• Bicarbonate natri 0,5-1 mEq/kg tiêm mạch khi tím tái nặng kéo dài.

• Propranolol chỉ định khi thất bại với các biện pháp trên, 0,05-0,1mg/kg tiêm mạch chậm (tổng liều không > 1mg). Tổng liều được pha trong 10 ml dịch và

> 50% bolus tiêm mạch. Liều còn lại tiêm mạch chậm trong vòng 5 đến 10 phút nếu liều đầu chưa hiệu quả.

3. Điều trị dự phòng

• Bổ sung sắt nguyên tố 10 mg mỗi ngày để làm tăng nồng độ hemoglobine trung bình của hồng cầu (MCHC), tăng khả năng chuyên chở ôxy của hồng cầu.

• Propranolol 1-4mg/kg/ngày, chia 2 – 3 lần, uống (không hiệu quả trong trường hợp không lỗ van động mạch phổi).

• Giữ ống động mạch mở bằng prostaglandin E1 (0,05-0,2|jg/kg/phút) ở thời kỳ sơ sinh cho đến lúc phẫu thuật.

• Chăm sóc răng miệng, điều trị các ổ nhiễm trùng (nếu có).

4. Điều trị phẫu thuật

• Triệt để: khi đúng chỉ định và nếu có thể.

• Tạm thời: tạo shunt chủ – phổi trong trường hợp không hoặc chưa cho phép làm phẫu thuật triệt để ngay.

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com