BỆNH NHA CHU
Đặc điểm mô nha chu bình thường:
– Nướu có màu hồng nhạt, bề mặt lấm tấm da cam.
– Bờ viền nướu sắc nét, ôm sát cổ răng.
– Dai, săn chắc.
– Không chảy máu khi thăm khám.
– X-quang: đỉnh xương ổ nhọn, không có hiện tượng tiêu xương, màng nha chu bình thường, Lamina dura nhìn thấy rõ.
1. ĐẠI CƯƠNG BỆNH NHA CHU
1.1. Định nghĩa: Bệnh nha chu là tình trạng bệnh lý của mô nha chu bao gồm viêm nướu và viêm nha chu, là tình trạng nhiễm trùng bắt đầu từ nướu lan dần xuống các cấu trúc của mô nha chu bên dưới, làm nướu mất bám dính vào răng, xương ổ răng bị tiêu hủy, hình thành túi nha chu.
1.2. Nguyên nhân:
1.2.1 Nguyên nhân tại chỗ:
– Vi khuẩn trong mảng bám, vôi răng.
– Răng lệch lạc, xáo trộn khớp cắn, chấn thương khớp cắn…
– Miếng trám dư, răng giả không đúng.
1.2.2 Nguyên nhân tổng quát:
– Cơ địa: tình trạng đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
– Thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, thai nghén và cho con bú.
– Bệnh toàn thân như bệnh về máu, tiểu đường,… và các bệnh khác dẫn đến sự giảm sức đề kháng của cơ thể.
– Phản ứng miễn dịch của cơ thể là nguyên nhân tổng quát quan trọng nhất.
Nguyên nhân tại chỗ là chủ yếu và có tính cách quyết định, nguyên nhân tổng quát chỉ có vai trò hỗ trợ và chỉ có tác dụng khi có sẵn nguyên nhân tại chỗ.
1.3 Phân loại:
1.3.1 Bệnh viêm nướu:
-Viêm nướu mạn tính.
-Viêm nướu cấp.
– Viêm nướu kết hợp với những rối loạn nội tiết.
– Sưng nướu do thuốc (không do viêm).
1.3.2. Viêm nha chu
– Viêm nha chu mạn ở người trưởng thành.
– Viêm nha chu thanh thiếu niên (Bệnh suy nha chu – Periodontosis).
– Viêm nha chu tiến triển nhanh.
2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN
2.1. Bệnh sử:
– Tình trạng vệ sinh răng miệng của bệnh nhân.
– Miếng trám dư hay phục hình sai.
– Bệnh toàn thân như bệnh về máu, tiểu đường,… và các bệnh khác dẫn đến sự giảm sức đề kháng của cơ thể.
2.2. Lâm sàng:
– Nướu: thay đổi về màu sắc, hình dạng, vị trí và cấu trúc bề mặt.
– Chảy máu, phù nề nướu.
– Vôi răng, mảng bám.
– Túi nha chu.
– Răng lung lay và di chuyển.
– Hôi miệng.
2.3. Cận lâm sàng:
– X-quang (quanh chóp, Panorex..CT Scanner: hình ảnh tiêu xương theo chiều ngang hoặc chiều dọc.
– Xét nghiệm sinh hóa.
– Cấy tìm vi khuẩn đặc hiệu.
3. CHẨN ĐOÁN BỆNH NHA CHU:
3.1. Tiêu chuẩn xác định:
– Hiện tượng viêm chỉ khu trú ở nướu hay đã phá hủy các thành phần khác như xương ổ răng, dây chằng nha chu và cement.
– Sự mất bám dính của biểu mô bám dính.
– Xương ổ răng bị tiêu hủy.
– Có túi nha chu.
3.2. Chẩn đoán xác định:
3.2.1. Bệnh viêm nướu:
Hiện tượng viêm chỉ khu trú ở nướu, các thành phần khác không hoặc ít chịu ảnh hưởng.
3.2.1.1. Viêm nướu mạn tính:
– Thường không có dấu chứng chủ quan.
– Nướu chuyển từ hồng sang đỏ, rồi đỏ thẫm hay xanh xám (bắt đầu từ viền nướu và gai nướu, rồi đến cả nướu dính).
– Nướu mềm bở, bề mặt nướu trở nên trơn láng, mất lấm tám da cam, viền nướu tròn bóng, gai nướu căng phồng.
– Nướu bị sưng và phù nề tạo thành túi giả (túi nướu).
– Dễ chảy máu khi thăm khám, chải răng, nặng hơn có thể chảy máu tự phát.
3.2.1.2. Viêm nướu cấp (viêm nướu Vincent – viêm nướu hoại tử lở loét cấp):
– Hoại tử và lở loét bắt đầu ở gai nướu, tiến tới bờ viền nướu, tạo thành các sang thương lõm hình chén hay hình miệng núi lửa.
– Bề mặt sang thương có một lớp màng giả màu trắng đục hay vàng nhạt, khó tróc, nếu tróc gây chảy máu.
– Chảy máu nướu khi thăm khám hoặc tự phát.
– Miệng hôi thối dữ dội, hơi thở và vị giác có mùi kim loại.
– Đường viền ban đỏ.
– Bệnh nhân đau rát không ăn uống được nhất là ăn thức ăn nóng có gia vị và cứng.
– Thường có sưng hạch và sốt cao.
– Nếu nặng hơn nữa có thể hoại tử cả vùng nướu dính và mô nha chu sâu bên dưới gây lộ chân răng, tiêu và biến dạng xương ổ răng. Có thể bị nhiễm trùng huyết.
3.2.1.3. Viêm nướu kết hợp với những rối loạn nội tiết:
– Bệnh cảnh giống tình trạng một viêm nướu thông thường.
Trường hợp đặc biệt có hình thức viêm nướu tạo u do thai nghén (u nướu thai nghén). Nguyên nhân: Rối loạn các hócmôn stéroit do dùng thuốc stéroit hay lượng estrogen, progestérone tăng trong quá trình mang thai hoặc sử dụng thuốc ngừa thai … làm bùng nổ bệnh viêm nướu có sẵn.
3.2.1.4. Sưng nướu do thuốc (không do viêm):
Lâm sàng: Nướu sưng to do quá sản, sờ chắc, không chảy máu chỉ tăng thể tích.
Nguyên nhân: Sử dụng thuốc: thuốc chống động kinh (Phenytoin hay Di-hydan), thuốc điều hòa ức chế miễn dịch (Cyclosporine A).
3.2.2. Viêm nha chu:
– Ngoài những đặc điểm của viêm nướu, bệnh lý nha chu còn phá hủy ba thành phần khác là: xương ổ răng, dây chằng nha chu và cement.
– Đặc trưng của bệnh là sự mất bám dính của biểu mô bám dính, xương ổ răng bị tiêu hủy và hình thành túi nha chu (túi thật) có mủ.
3.2.2.1. Viêm nha chu mạn ở người trưởng thành:
– Thường gặp ở tuổi trung niên trở lên (> 35 tuổi).
– Hội tụ tất cả những dấu chứng của viêm nướu mạn.
– Sự phá hủy mô kéo dài nhiều năm thậm chí hàng chục năm kèm theo hiện tượng mất bám dính hay có sự di chuyển của biểu mô bám dính về phía chóp gốc răng.
– Tiêu xương ổ (X-quang thấy tiêu theo chiều ngang, đỉnh xương ổ không nhọn), mất dây chằng nha chu, cement gốc răng bị hoại tử và tạo nên túi nha chu.
– Răng có thể lung lay và di chuyển bất thường.
3.2.2.2. Viêm nha chu thanh thiếu niên (Bệnh suy nha chu – Periodontosis):
Lâm sàng:
– Xảy ra ở người trẻ (< 25 tuổi).
– Khu trú: bệnh xảy ra ở một răng hay một nhóm răng.
– X-quang: có sự tiêu xương sớm ở các răng chìa khóa: răng cối lớn thứ nhất, răng cửa giữa. Xương ổ răng bị phá hủy theo chiều dọc.
– Cao răng thường ít.
– Nướu viêm ít hoặc trung bình nhưng độ mất bám dính khá nhanh.
Nguyên nhân:
– Trong bệnh này người ta thấy có sự hiện diện của vi khuẩn Actinobacinus actinomycetemcomitans (Aa).
– Sự mất bám dính có liên quan trực tiếp với các kháng thể kháng Aa.
Ngoài ra còn có vai trò của yếu tố di truyền, chủng tộc và một số bệnh lý toàn thân như tiểu đường, bệnh lý về máu, hội chứng Down…
3.2.2.3. Viêm nha chu tiến triển nhanh:
– Thường thấy ở người trẻ nhỏ hơn 35 tuổi.
– Tình trạng vệ sinh răng miệng tương đối, ít màng bám và cao răng.
– Giai đoạn đầu nhẹ ít triệu chứng, mất bám dính nhẹ túi nha chu nông kéo dài vài tháng hay vài năm.
– Giai đoạn sau nặng, rầm rộ, mất bám dính trầm trọng, sxương ổ răng bị tiêu hủy rõ theo chiều ngang lẫn chiều dọc (dạng góc).
– Bệnh nhân đau đớn, nướu chảy máu tự phát, răng lung lay và có thể rụng.
– Nguyên nhân: Có thể là yếu tố di truyền hoặc rối loạn hócmôn, bạch cầu trung tính giảm hóa hướng động…
4. ĐIỀU TRỊ BỆNH NHA CHU:
4.1 Nguyên tắc điều trị:
– Xử lý nguyên nhân tại chỗ.
– Phẫu thuật nha chu, ghép nướu.
– Ngưng các thuốc gây sưng nướu.
– Thuốc: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, dung dịch súc miệng.
– Hướng dẫn vệ sinh răng miệng.
4.2 Điều trị cụ thể:
4.2.1 Xử lý nguyên nhân tại chỗ:
– Cạo vôi răng.
– Gây tê tại chỗ bằng lidocain 2%.
– Nạo túi nha chu loại bỏ mô hạt viêm, xử lý mặt gốc răng.
– Tái tạo viền nướu (giảm độ sâu túi).
– Bơm rửa với dung dịch nước muối sinh lý NaCl 9 %0.
– Đắp Spongel (nếu có chảy máu).
– Đắp gel Arthrodont hoặc khâu chỉ Silk 3.0/ 4.0 (nếu cần).
– Đánh bóng.
– Phẫu thuật nha chu.
– Phẫu thuật ghép mô liên kết (tự thân).
4.2.2 Sử dụng thuốc:
– Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
4.2.3 Hướng dẫn vệ sinh răng miệng
– Cách chải răng, hướng dẫn chải răng .
– Tại chỗ:
+ Dung dịch Iodine 5%, Chlorhexidine 0,12%, Hexetidine 0,1%.
+ Gel Metronidazole, Minocycline.
+ Súc miệng với nước muối ấm loãng.
5. Tái khám
– Dự phòng:
– Dự phòng cấp 1:
+ Đừng để bệnh xảy ra.
+ Vệ sinh răng miệng đúng cách.
+ Khám răng miệng định kỳ 6 tháng một lần.
– Dự phòng cấp 2:
+ Điều trị sớm viêm nướu đừng để tiến triển sang nha chu viêm.
– Dự phòng cấp 3:
+ Điều trị viêm nha chu đừng để chuyển sang biến chứng mất răng.
LƯU ĐỒ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Thị Bảo Đan (2013). “Nha chu học”. Nhà xuất bản Y học.
2. Trịnh Đình Hải (2013). “Bệnh lý học quanh răng”. Nhà xuất bản Giáo dục Việt.
3. Hoàng Tử Hùng (2003). “Giải Phẫu Răng”. Nhà xuất bản Y học.
4. Phác đồ điều trị Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.Hồ Chí Minh năm 2013.
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.