Hướng dẫn gây tê tủy sống trong phẫu thuật lấy thai

blank
Đánh giá nội dung:

Hướng dẫn gây tê tủy sống trong phẫu thuật lấy thai

(Bệnh viện Hùng Vương)

1. GIỚI THIỆU

Trong mổ lấy thai ở thai phụ khỏe mạnh, gây tê tủy sống là lựa chọn hàng đầu vì kỹ thuật đơn giản, cho phép xác định chính xác vị trí kim, thời gian khởi tê nhanh, chất lượng vô cảm tốt với một lượng nhỏ thuốc tê đủ để phong bế chức năng thần kinh do đó giảm nguy cơ ngộ độc thuốc và giảm thấp nhất lượng thuốc qua thai. Vì những ưu điểm đó mà gây tê tủy sống là kĩ thuật thông dụng nhất trong mổ lấy thai.

- Nhà tài trợ nội dung -

2. ĐỐI TƯỢNG

Các bệnh nhân có chỉ định mổ lấy thai được gây tê tủy sống ngoại trừ các chống chỉ định sau: Bệnh nhân từ chối hay không hợp tác, rối loạn đông máu hay dùng thuốc chống đông như Heparin hoặc Aspirin, bệnh nhân nhiễm trùng da lưng vùng gây tê, nhiễm trùng toàn thân, bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ, bệnh nhân có dị tật bất thường cột sống, gù vẹo, xẹp đốt sống đã mổ cắt bản sống, giảm thể tích mẹ chưa điển hình, người làm không đủ chuyên môn và kinh nghiệm trong thao tác, các trường hợp cấp cứu sản khoa (tim thai suy, sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non), suy tim mất bù, đảo shunt P-T.

3. KĨ THUẬT GÂY TÊ TỦY SỐNG

3.1 Chuẩn bị công cụ

– Thuốc gây mê, hồi sức cấp cứu (Ephedrin 30 mg/ml, Atropin, Propofol 10 mg/1 ml , dãn cơ, giảm đau…), monitor theo dõi ECG, nhịp tim, huyết áp không xâm lấn, SpO2. Máy gây mê, máy hút, nguồn Oxy, bộ dụng cụ cấp cứu: ống NKQ, mask thanh quản, đèn đặt ống NKQ trong tư thế sẵn sàng.

– Dụng cụ gây tê: Kim gây tê kiểu Quincke 25. Bơm tiêm 3 ml, kềm sát khuẩn, lọ đựng dung dịch sát khuẩn, găng tay vô trùng, gạc băng dán.

– Thuốc gây tê: Bupivacain Spinal Heavy 0.5% 5 mg/ml, ống 4 ml. Fentanyl 50 mcg/ml, ống 2 ml. Morphine Sunfas Spinal 1 mg/ml, ống 2 ml. Dịch truyền Ringer Lactate, Natri Chlorua 0,9%.

3.2 Chuẩn bị bệnh nhân gây tê tủy sống

– Bệnh nhân được kiểm tra hồ sơ bệnh án, xem xét các xét nghiệm, giấy cam đoan phẫu thuật.

Khám bệnh nhân trước mổ: nghe tim phổi, kiểm tra vùng gây tê trước khi làm thủ thuật.

– Giải thích cho bệnh nhân rõ về phương pháp vô cảm sẽ thực hiện. Lập đường truyền tĩnh mạch với kim luồn 18G, truyền Ringer lactate 300-500 ml trước khi gây tê.

3.3 Kỹ thuật tiến hành gây tê tủy sống

– Ghi nhận mạch, HA, nhịp thở, SpO2 trước khi gây tê.

– Tư thế bệnh nhân: Nằm nghiêng, Hướng dẫn bệnh nhân nằm cúi gập người, cong thắt lưng ra sau, đầu nằm trên gối mềm.

– Liều thuốc tê:

+ Phác đồ 1: Bupivacain Spinal Heavy 0,5% (7-8,5 mg) + Fentanyl 25 mcg

+ Phác đồ 2: Bupivacain Spinal Heavy 0,5% (7-8,5 mg) + Fentanyl 15 mcg + Morphini Sulfas Spinal 0,1 mg.

– Bác sĩ gây mê hồi sức: Rửa tay, mang găng phẫu thuật, sát trùng da vùng chích bằng cồn và Povidine.

– Chọc kim ở khoảng gian đốt sống TL3 – TL4, mặt vát kim hướng lên trên, khi chọc đúng khoang dưới nhện sẽ có dịch não tủy chảy ra ở chuôi kim.

– Bơm thuốc, sau khi bơm hết thuốc tê, đặt bệnh nhân tư thế nằm ngữa, kê đầu trên một gối nhỏ.

– Cho bệnh nhân thở Oxy 3 lít/phút qua mặt nạ.

– Sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân mất vận động, mất cảm giác đau từ mức T10 (ngang rốn) trở lên thì có thể tiến hành phẫu thuật.

4. XỬ TRÍ CÁC TÁC DỤNG PHỤ SAU GÂY TÊ

– Bệnh nhân sau gây tê được theo dõi huyết áp 2 phút/ lần trong 10 phút đầu và 5 phút/ lần sau đó cho đến khi kết thúc cuộc mổ.

– Khi có hạ HA 30% hoặc giảm dưới 100 mmHg so với HA ghi nhận trước khi gây tê tủy sống bệnh nhân được xử trí 6 mg Ephedrin tiêm tĩnh mạch để nâng HA (pha 1ống Ephedrin 30 mg/ml với 9 ml nước cất thành 30 mg/10 ml tương đương 3 mg/1 ml).

– Bệnh nhân được ghi nhận là chậm nhịp tim, khi nhịp tim giảm dưới 50 nhịp/phút. Khi nhịp tim chậm xảy ra Atropine 0,5 mg được dùng để nâng nhịp tim.

– Các tác dụng phụ: buồn nôn và nôn (Primperan 10 mg/ ống tiêm tĩnh mạch), lạnh run (điều trị bằng sưởi ấm hoặc Pethidine 25 mg tiêm tĩnh mạch chậm).

5. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Chừng (2011). “Gây tê tủy sống”. Gây Mê Hồi Sức Cơ Bản, tr. 137-156.

2. Nguyễn Đức Lam, Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Quốc Tuấn (2010). “So sánh hiệu quả và các tác dụng phụ của gây tê tủy sống với gây mê nội khí quản để mổ lấy thai ở bệnh nhân tiền sản giật nặng”. Y học thực hành số 744, tr 101-105.

3. Cynthia A, Naveen N (2009). “Spinal, epidural, and caudal anesthesia: anatomy, physiology, and technique”. Chestnut’ s Obstetric Anesthesia: Principles and practice, 12, pp.227 – 242.

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com