Hướng dẫn Gây tê tủy sống kết hợp gây tê ngoài màng cứng
(CSE) trong giảm đau sản khoa
(Bệnh viện Hùng Vương)
1. ĐỊNH NGHĨA
CSE là phương pháp gây tê tủy sống (TS) kết hợp với gây tê ngoài màng cứng (NMC).
2. MỤC ĐÍCH
– Khởi đầu tác dụng giảm đau nhanh nhằm tạo sự thoải mái và hài lòng cho sản phụ khi đau, giúp sản phụ nghỉ ngơi, tiếp xúc với gia đình tốt hơn.
– Giảm liều thuốc tê, giảm tai biến và tác dụng phụ của thuốc.
– Không làm giảm chức năng vận động, sản phụ sẽ hợp tác tốt hơn với bác sĩ khi sanh thủ thuật.
3. ĐỐI TƯỢNG
– Các sản phụ vào chuyển dạ khi cổ tử cung mở lớn hơn 3 cm có yêu cầu giảm đau và không có chống chỉ định gây tê vùng.
– Chống chỉ định:
+ Bệnh nhân từ chối không hợp tác.
+ Bệnh lý cột sống: sốt bại liệt, biến dạng cột sống, gù vẹo cột sống, dị tật cột sống.
+ Bệnh lý về đông máu và đang sử dụng thuốc kháng đông.
+ Thiếu máu nặng hay thiếu thể tích tuần hoàn chưa bồi hoàn.
+ Nhiễm trùng toàn thân hay tại nơi làm thủ thuật.
+ Bệnh lý van tim nặng.
4. CHUẨN BỊ BỆNH NHÂN
– Khám tiền mê, nghe tim phổi, xem các xét nghiệm thường quy.
– Truyền Lactat Ringer hay NaCl 0.9%, tốc độ XL giọt/phút.
– Monitor theo dõi mạch huyết áp, nhịp thở, SpO2.
– Đánh giá vùng tê trước khi làm phẫu thuật.
5. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
– Cách thực hiện:
+ Tư thế bệnh nhân nằm nghiêng, hai tay ôm hai đầu gối sát lên bụng, cằm cúi xuống ngực.
+ Sát trùng vị trí tê.
+ Trải khăn lỗ vô trùng.
+ Xác định vị trí chọc tiêm: khoang L3-L4 hoặc L4-L5.
+ Gây tê tại chỗ bằng Lidocaine 2% 1 ml.
+ Sử dụng bộ kim CSE.
+ Xác định khoang ngoài màng cứng bằng phương pháp mất sức cản không khí (dùng kim Tuohy).
+ Dùng kim tê TS G27 xuyên qua lòng kim Tuohy để chích vào khoang dưới nhện
+ Rút nòng kim TS ra thấy có dịch não tủy chảy ra thì tiến hành bơm vào TS Bupivacain 0,0625% (1,25 mg) 2 ml + Fentanyl 20 mcg.
+ Sau đó rút kim tê TS ra.
+ Luồn catheter vào khoang NMC, lưu catheter khoảng 3 cm.
+ Rút kim Tuohy ra.
+ Cố định catheter bằng băng dán vô trùng.
+ Đặt bệnh nhân nằm ngửa và theo dõi mạch huyết áp, nhịp thở, SpO2.
+ Liều duy trì bơm tiêm điện qua catheter ngoài màng cứng ngay sau liều tê tủy sống 10 ml/h: Bupivacain 0,0625% + Fentanyl 2 mcg/ml.
+ Liều sổ thai + khâu tầng sinh môn: Bupivacain 0,125% 5 ml tiêmvào catheter ngoài màng cứng khi chuẩn bị sổ thai.
6. XỬ TRÍ CÁC TÁC DỤNG PHỤ SAU KHI GÂY TÊ
– Hạ huyết áp: Huyết áp tâm thu giảm 20% so với lúc chưa gây tê hoặc nhỏ hơn 90 mmHg, truyền dịch nhanh và dùng Ephedrine 5 mg/lần cho đến khi huyết áp đạt giá trị ban đầu thì ngưng.
– Mạch chậm: Nhỏ hơn 50 lần/phút dùng Atropin 0.5 mg tiêm tĩnh mạch. Liều Atropin tốiđa là 1mg.
– Nôn ói: Primperan 10 mg pha loãng tiêm tĩnh mạch chậm.
– Lạnh run: Pethidin 25 mg tiêm tĩnh mạch kèm đắp ấm cho bệnh nhân.
7. THEO DÕI SAU GÂY TÊ
– Bệnh nhân được theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, SpO2 bằng monitor mỗi 30 phút trong 1 giờ đầu, mỗi giờ trong 3 giờ sau, mỗi 2 giờ trong những giờ tiếp theo.
– Đánh giá đau: dựa theo thang điểm VAS (Visual Analogue Scales)
Thang điểm đau VAS tiện lợi nhất là một thước trượt gồm 2 mặt: Một mặt dành cho bệnh nhân có ghi “không đau”, “đau dữ dội không thể tưởng”, một mặt dành cho người đánh giá mức độ đau:
+ 0-2: không đau
+ 2-4: đau nhẹ
+ 4-6: đau vừa
+ 6-8: đau nhiều
+ 8-10: đau dữ dội
Khi bệnh nhân có VAS >3, tăng liều thuốc tê lên 2 ml/lần mỗi giờ, tối đa 12 ml/giờ. Nếu bệnh nhân còn đau thì bolus 10ml Bupivacain 0,1% + 25 mcg Fentanyl. Nếu vẫn còn đau thì xem xét lại kỹ thuật gây tê, có thể tiến hành gây tê lại.
– Đánh giá sự ức chế vận động theo thang điểm Bromage cải tiến.
+ Độ 1: Ức chế hoàn toàn (không vận động khớp gối và chân).
+ Độ 2: Ức chế gần như hoàn toàn (chỉ cử động được bàn chân).
+ Độ 3: Ức chế một phần (có thể cử động khớp gối).
+ Độ 4: Không thể vận động được khớp háng (gập khớp gối).
+ Độ 5: Có thể cử động được khớp háng khi nằm ngửa.
+ Độ 6: Có thể duỗi khớp gối.
Nếu bệnh nhân có yếu, liệt chi giảm tốc độ liều thuốc truyền cho bệnh nhân mỗi 3ml cho đến khi bệnh nhân hết yếu liệt chi và sau đó duy trì ở tốc độ truyền thấp hơn.
– Thăm khám bệnh nhân để phát hiện các biến chứng như bí tiểu, đau lưng, nhức đầu, các biểu hiện thần kinh thoáng qua do chọc dò kim.
– Rút catheter ngoài màng cứng khi bệnh nhân chuyển hậu sản.
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.