CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ UNG THƯ SÀNG HÀM

blank
Đánh giá nội dung:

UNG THƯ SÀNG HÀM

– Ung thư vùng sàng hàm tương đối hiếm gặp. Chiếm khoảng 1% ung thư toàn thân và 3% ung thư đường hô hấp trên. Tỉ lệ nam/ nữ là 2/1. Tuổi trung bình 50 – 70.

– Nhiều yếu tố môi trường gây ung thư sàng hàm: hóa chất (Nickel, chất thuộc da…), khói bụi (thuốc lá, bụi gỗ.), độc tố nấm mốc (Aflatoxin…).

– Dự hậu xấu vì thường được chẩn đoán muộn. Ung thư xoang sàng, xoang bướm có dự hậu nặng vì xâm lấn nhanh vào nền sọ, ổ mắt.

- Nhà tài trợ nội dung -

– Vị trí khối u đóng vai trò quan trọng vì nó chi phối triệu chứng lâm sàng biểu hiện và quyết định tiên lượng.

CHẨN ĐOÁN UNG THƯ SÀNG HÀM

1. Triệu chứng cơ năng:

– Là các triệu chứng mượn của bệnh viêm mũi xoang: đau đầu, nghẹt mũi, chảy đàm mủ, hơi thở hôi.

– Các triệu chứng đặc hiệu: Tùy theo vị trí và mức độ xâm lấn của u: Chảy máu mũi, đau vùng mặt, biến dạng, tê một vùng mặt.

– Ù tai, giảm thính lực (dấu hiệu này quan trọng vì cho thấy u đã xâm lấn vòm mũi họng).

– Hạch cổ.

2. Triệu chứng thực thể:

Ung thư sàng hàm thường tiến triển thầm lặng, chỉ bộc lộ dấu hiệu thực thể khi đã chèn ép dây thần kinh, hủy xương hay gây bít tắc các lỗ thông xoang. Các dấu hiệu thường gặp nhất gồm:

– Khối u trong mũi gây tắc nghẽn mũi

– U khẩu cái cứng gây biến dạng mặt, phá thành trước xương hàm.v.v.

– Lồi mắt, sụp mi, liệt vận nhãn.v.v.

3. Cận lâm sàng:

– Chụp CT Scan, MRI: rất quan trọng giúp chẩn đoán và đánh giá tiên lượng.

– Sinh thiết, GPBL: chẩn đoán xác định tế bào học.

PHÂN LOẠI UNG THƯ SÀNG HÀM

1. Theo vị trí:

Rất có giá trị để đánh giá dự hậu của khối u. Có nhiều quan điểm phân chia khác nhau:

❖ Sébileau chia xương hàm trên và các xoang cạnh mũi thành 3 vùng:

– Hạ tầng: Gồm mâm răng và sàn xoang hàm.

– Trung tầng: Từ sàn xoang hàm đến sàn ổ mắt.

– Thượng tầng: Từ sàn ổ mắt đến sàn sọ.

❖ Oehngren xác định 1 mặt phẳng chéo từ trước ra sau và từ trên xuống dưới, đi ngang qua góc ngoài mắt và góc hàm: U nằm ở phía dưới mặt phang này có dự hậu tốt hơn (70% sống thêm quá 3 năm) là u nằm phía trên (30% sống qua 3 năm).

2. Theo phân loại của AJCC (American Joint Committee on Cancer):

– T0: Không có bằng chứng về sự hiện diện của u.

– TIS: Carcinoma in situ.

– T1: U còn nằm trong niêm mạc của xoang hàm vùng hạ tầng, không ăn mòn

xương hay hủy xương.

– T2: U niêm mạc của vùng thượng tầng, chưa hủy xương; hay u ở hạ tầng và có

hủy xương ở thành trong và thành dưới xoang hàm.

– T3: U xâm lấn rộng hơn đến da vùng má, vào ổ mắt, xoang sàng trước hay các

cơ chân bướm.

– T4: U lớn xâm lấn vào mảnh sàng, xoang sàng sau, xoang bướm, vòm mũi

họng, xương chân bướm hay nền sọ.

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ SÀNG HÀM

Bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Có thể phối hợp cả 3 phương pháp này.

Một số điểm cần lưu ý:

– Vì u của xương hàm trên có xương bao bọc và rất gần những cấu trúc sinh tồn như mắt, não.. .nên xạ trị không phải là phương pháp điều trị ưu tiên hàng đầu.

– Phẫu thuật là phương pháp điều trị chọn lựa, nên mổ lấy trọn khối u. Thường kết hợp với xạ trị, nhất là đối với u lớn, đã xâm lấn nền sọ, ổ mắt.

– Xạ trị và hóa trị được dành cho những u quá khả năng phẫu thuật.

– Mổ nội soi chỉ dùng rất hạn chế cho những trường hợp u nhỏ, có cuống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phác đồ điều trị nội trú bệnh tai mũi họng năm 2013 trang 120, bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh.

2. Lê Hành, “U ác tính vùng hàm sàng” sách Tai mũi họng nhập môn, trang 225, đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com