Thuốc Zitromax: Công dụng; liều dùng; chỉ định và chống chỉ định

blank
Đánh giá nội dung:

Zitromax là thuốc gì? Công dụng; liều dùng; chỉ định; chống chỉ định bacsidanang.com

Tên hoạt chất: azithromycin dihydrat 52.10mg tương đương với azithromycin base 500mg (viên nén bao phim), azithromycin dihydrate 209,64mg/5ml, tương đương 200mg/5ml azithromycin base (chai).

Tên biệt dược: Zitromax

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Zitromax là gì?

Azithromycin trong Zitromax được chỉ định để điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm trong:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản và viêm phổi
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bao gồm viêm xoang, viêm hầu họng (viêm amidan)
  • Nhiễm khuẩn răng miệng
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm
  • Viêm tai giữa cấp tính
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam và nữ
  • Bệnh hạ cam mềm do Haemophilus ducreyi
  • Nhiễm khuẩn đường sinh dục không biến chứng do chủng Neisseria gonorrhoeae không đa kháng gây ra

Có thể dùng đơn độc azithromycin hoặc phối hợp với rifabutin để dự phòng nhiễm Mycobacterium avium-intracellulare complex (MAC) – nhiễm khuẩn cơ hội thường gặp ở người mắc HIV/AIDS giai đoạn tiến triển. Ngoài ra, azithromycin còn có thể dùng phối hợp với ethambutol để điều trị nhiễm MAC lan truyền (DMAC) trên những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn tiến triển.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ. 

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Zitromax cho người lớn như thế nào?

Để điều trị những bệnh lây truyền qua đường tình dục do Chlamydia trachomatis và Haemophilus ducreyi gây ra, uống một liều duy nhất 1.000mg. Đối với chủng Neisseria gonorrhoeae nhạy cảm, liều khuyến cáo là liều đơn 1.000mg hoặc 2.000mg azithromycin kết hợp với 250mg hoặc 500mg ceftriaxon tùy theo các hướng dẫn điều trị lâm sàng. Đối với người dị ứng penicillin hoặc cephalosporin, bác sĩ kê đơn cần tham khảo các hướng dẫn điều trị tại địa phương.

Để dự phòng nhiễm MAC trên bệnh nhân HIV, dùng liều 1.200mg/lần/tuần. Theo hướng dẫn điều trị, nên tiếp tục sử dụng thuốc cho đến khi miễn dịch tế bào được khôi phục (tổng số lượng CD4 được duy trì liên tục hơn 100 tế bào/microL).

Để điều trị DMAC trên bệnh nhân HIV giai đoạn tiến triển, liều khuyến nghị là 600mg/lần/ngày. Nên dùng phối hợp azithromycin với các chất kháng mycobacterium khác có hoạt tính kháng MAC trên in vitro như ethambutol với liều đã được phê duyệt. Nên tiếp tục liệu trình điều trị cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm và hết vi khuẩn.

Với các chỉ định khác mà có thể dùng thuốc đường uống, dùng liều tổng cộng là 1.500mg trong 3 ngày, mỗi ngày 500mg. Có thể thay thế bằng cách dùng tổng liều như vậy nhưng trong 5 ngày, 500mg trong ngày đầu tiên và sau đó là 250mg/ngày từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5.

Đối với người cao tuổi, dùng liều giống như người lớn. Bệnh nhân cao tuổi có thể dễ bị xoắn đỉnh hơn so với những bệnh nhân trẻ, dễ có nguy cơ ngừng tim.

Đối với bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến trung bình (mức lọc cầu thận – GFR 10 – 80ml/phút), không cần điều chỉnh liều. Thận trọng khi dùng azithromycin cho bệnh nhân suy thận nặng (GFR dưới 10 ml/phút).

Bệnh nhân suy gan từ mức độ nhẹ đến trung bình được sử dụng liều giống như đối với bệnh nhân có chức năng gan bình thường.

Liều dùng thuốc Zitromax cho trẻ em như thế nào?

Tổng liều tối đa được khuyến nghị cho bất kỳ điều trị nào trên trẻ em là 1.500mg. Nhìn chung, tổng liều ở trẻ em là 30mg/kg, trừ điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn cần xác định khác nhau.

Tổng liều 30mg/kg nên được dùng dưới dạng một liều 10mg/kg duy nhất mỗi ngày trong 3 ngày, hoặc dùng trong 5 ngày với liều là 10mg/kg duy nhất vào ngày đầu tiên, sau đó 5mg/kg mỗi ngày từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5.

Nếu điều trị cho trẻ bị viêm tai giữa cấp tính có thể được thay thế bằng một liều 30mg/kg duy nhất. Đối với viêm hầu họng do liên cầu khuẩn ở trẻ, dùng azithromycin ở dạng liều duy nhất 10mg/kg hoặc 20mg/kg trong 3 ngày đã cho thấy có hiệu quả tuy nhiên không được vượt quá liều 500mg/ngày.

Dạng viên nén 500mg không phù hợp với trẻ em có cân nặng dưới 45kg. Độ an toàn và tính hiệu quả trong phòng ngừa hoặc điều trị MAC ở trẻ em chưa được thiết lập. Dựa trên dữ liệu dược động học ở trẻ em, liều 20mg/kg sẽ tương tự như liều 1.200mg ở người lớn nhưng với nồng độ đỉnh Cmax cao hơn.

Cách dùng 

Bạn nên dùng thuốc Zitromax như thế nào?

Người bệnh dùng Zitromax đường uống một liều duy nhất trong ngày. Có thể uống cùng hoặc không cùng với thức ăn.

Đối với dạng bột pha hỗn dịch uống lọ 600mg, khi dùng cần đập nhẹ lọ thuốc cho bột tơi ra. Mở nắp, thêm 9ml nước vào lọ, lắc kỹ cho đến khi bột phân tán đều trong nước, thu được 15ml hỗn dịch, mỗi ml hỗn dịch chứa 40mg azithromycin. Lắc lại lọ thuốc trước mỗi lần sử dụng. Với trẻ em nặng dưới 15kg phải đong hỗn dịch càng chính xác càng tốt. Với trẻ em nặng từ 15kg trở lên, nên đong hỗn dịch bằng dụng cụ phân liều thích hợp.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Các tác dụng không mong muốn khi dùng với liều cao hơn liều khuyến nghị cũng tương tự như khi dùng với liều bình thường nhưng trong trường hợp khẩn cấp cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Zitromax?

Azithromycin được dung nạp tốt với tỷ lệ gặp tác dụng không mong muốn thấp.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, các tác dụng không mong muốn sau đây đã được báo cáo:

  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết. Thỉnh thoảng quan sát thấy đợt giảm bạch cầu trung tính nhẹ thoáng qua trong các thử nghiêm lâm sàng.
  • Rối loạn thính lực và tai trong. Giảm thính lực (bao gồm mất khả năng nghe như điếc hoặc ù tai) đã được báo cáo ở một vài bệnh nhân dùng azithromycin. Nhiều trường hợp có liên quan đến việc sử dụng dài ngày liều cao azithromycin. Ở các trường hợp có thể theo dõi được thông tin, phần lớn các tác dụng này có hồi phục.
  • Rối loạn hệ tiêu hóa. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đi phân lỏng, bụng khó chịu (đau, co thắt) và đầy hơi.
  • Rối loạn hệ gan mật. Có ghi nhận bất thường chức năng gan.
  • Rối loạn da và mô dưới da. Xuất hiện các phản ứng dị ứng bao gồm phát ban và phù mạch.

Các tác dụng phụ thường gặp nhất (>5% ở bất kỳ nhóm điều trị nào) ờ các bệnh nhân nhiễm HIV sử dụng azithromycin để dự phòng nhiễm DMAC là tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, phân lỏng, đầy hơi, nôn, khó tiêu, phát ban, ngứa, đau đầu và đau khớp. Khi azithromycin 600mg được dùng hàng ngày để điều trị nhiễm DMAC trong thời gian dài, các tác dụng phụ liên quan đến điều trị được báo cáo thường xuyên nhất là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy hơi, đau đầu, tầm nhìn bất thường và suy giảm thính lực.

Sau khi thuốc được đưa ra thị trường, các tác dụng phụ khác đã được bổ sung như:

  • Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm nấm Candida, viêm âm đạo
  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Chứng giảm tiểu cầu
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng phản vệ (hiếm khi tử vong)
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Chán ăn
  • Rối loạn tâm thần: Trạng thái hung hăng, căng thẳng, quá khích và lo âu
  • Rối loạn hệ thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, co giật, nhức đầu, tăng vận động, giảm cảm giác, dị cảm, ngủ gà và ngất. Hiếm có báo cáo về sự thay đổi hoặc mất thị giác/khứu giác.
  • Rối loạn thính lực và tai trong: Điếc, ù tai, giảm khả năng nghe và cảm giác mất thăng bằng
  • Rối loạn hệ tim mạch: Đánh trống ngực và loạn nhịp tim
  • Rối loạn mạch máu: Hạ huyết áp, viêm đại tràng giả mạc, viêm tụy, các báo cáo hiếm gặp về thay đổi màu sắc lưỡi
  • Rối loạn hệ gan mật: Viêm gan và vàng da do tắc mật, hiếm hơn là hoại tử gan và suy gan (có thể dẫn đến tử vong)
  • Rối loạn da và mô dưới da: Các phản ứng dị ứng bao gồm ngứa, phát ban, nhạy cảm với ánh nắng, phù, mề đay và phù mạch. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm gặp trên da bao gồm hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell (ly thượng bì hoại tử nhiễm độc) và hôi chứng DRESS.
  • Rối loạn hệ tiết niệu: Viêm mô kẽ thận và suy thập cấp
  • Rối loạn toàn thân: Suy nhược, mệt mỏi, yếu người

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Zitromax, bạn nên lưu ý những gì?

Thuốc chống chỉ định với những bệnh nhân quá mẫn với azithromycin, erythromycin, với bất kỳ một kháng sinh nào thuộc họ macrolid hay ketolid.

Quá mẫn

Cũng như với erythromycin và các macrolid khác, người dùng thuốc có thể gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng (hiếm khi xảy ra) bao gồm phù mạch và phản ứng phản vệ  và các phản ứng trên da bao gồm hội chứng Stevens Johnson và Lyell (hiếm khi gây tử vong). Một vài phản ứng với azithromycin đã gây ra những triệu chứng tái phát và đòi hỏi phải được theo dõi và điều trị lâu hơn. Nếu bị phản ứng dị ứng, cần ngừng ngay thuốc và dùng liệu pháp điều trị phù hợp.

Nhiễm độc gan

Vì gan là đường thải trừ chính của azithromycin nên việc sử dụng azithromycin cho người mắc bệnh gan cần phải thật thận trọng. Đã có báo cáo về chức năng gan bất thường, viêm gan, vàng da do tắc mật, hoại tử gan và suy gan, một số trường hợp đã gây tử vong. Khi thấy có các dấu hiệu và triệu chứng này phải ngưng dùng azithromycin ngay lập tức.

Dùng thuốc có nguồn gốc cựa lõa mạch

Trên những bệnh nhân đang dùng thuốc có nguồn gốc cựa lõa mạch (thuốc chứa dẫn chất của Ergot), khả năng ngộ độc ergotin sẽ tăng lên khi dùng phối hợp với các kháng sinh họ macrolid. Không có dữ liệu về khả năng tương tác giữa cựa lõa mạch và azithromycin. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, ngộ độc ergotin có thể xảy ra, do đó không nên dùng phối hợp các thuốc có nguồn gốc cựa lõa mạch với azithromycin.

Bội nhiễm

Cũng như với bất kỳ một kháng sinh nào, cần phải theo dõi các biểu hiện bội nhiễm của vi sinh vật không nhạy cảm bao gồm cả nấm.

Tiêu chảy liên quan đến Clostridium difficile

Tiêu chảy liên quan đến Clostridium difficile (Nhiễm trùng ruột do C-Difficile) đã được báo cáo khi dùng thuốc Zitromax. Độ nghiêm trọng có thể từ tiêu chảy nhẹ đến viêm ruột kết dẫn đến tử vong. Điều trị bằng các chất kháng khuẩn sẽ làm thay đổi quần thể vi sinh tự nhiên của ruột dẫn tới sự phát triển quá mức của C-Difficile.

Suy thận

Trên những bệnh nhân suy thận nặng (mức lọc cầu thận < 10ml/phút) quan sát thấy sự tăng 33% nồng độ trong huyết tương của azithromycin.

Tiểu đường

Do trong thành phần thuốc có chứa sucrose (3,87g/5ml hỗn dịch đã pha) nên không dùng thuốc cho bệnh nhân không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose – galactose hoặc thiếu hụt men sacharase – isomaltase.

Kéo dài khoảng QT

Thuốc có thể kéo dài thời gian rối loạn tái phân cực tim và kéo dài khoảng QT, gây nguy cơ loạn nhịp tim và xoắn đỉnh. Do đó, người kê đơn cần xem xét nguy cơ kéo dài QT có thể gây tử vong khi cân nhắc nguy cơ và lợi ích của azithromycin cho các đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:

  • Bệnh nhân bị kéo dài khoảng QT bẩm sinh hoặc có tiền sử mắc phải
  • Bệnh nhân hiện đang dùng các thuốc có tác dụng kéo dài khoảng QT như các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA và nhóm III, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị trầm cảm và fluoroquinolone.
  • Bệnh nhân bị rối loạn điện giải, đặc biệt trong các trường hợp giảm kali và magiê trong máu.
  • Bệnh nhân bị nhịp tim chậm, loạn nhịp tim hoặc suy tim.
  • Người cao tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng kèm theo của thuốc trên khoảng QT.

Nhược cơ

Các triệu chứng nhược cơ toàn thân cấp và khởi phát hội chứng nhược cơ đã được báo cáo ở các bệnh nhân điều trị với azithromycin.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Zitromax trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Thời kỳ mang thai

Những nghiên cứu về sinh sản trên súc vật đã được tiến hành ở các liều gần với nồng độ có độc tính nhẹ với sự sinh sản. Trong các nghiên cứu này, không thấy có bằng chứng về sự gây hại cho phôi thai của azithromycin. Tuy nhiên, nghiên cứu trên phụ nữ có thai vẫn chưa đầy đủ nên chỉ dùng azithromycin trong thời kỳ mang thai nếu thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Azithromcyin được báo cáo là bài tiết qua sữa mẹ nhưng chưa có nghiên cứu lâm sàng đầy đủ trên phụ nữ cho con bú về đặc tính dược động học của việc bài tiết azithromycin qua sữa mẹ.

Tương tác thuốc

Thuốc Zitromax có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Zitromax có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Mặc dù một số loại thuốc không nên được sử dụng với nhau, nhưng trong một số trường hợp bạn có thể sử dụng hai loại thuốc cùng nhau ngay cả khi xảy ra tương tác. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng hoặc biện pháp phòng ngừa khác nếu cần thiết. Bác sĩ cần biết nếu bạn đang dùng bất cứ loại thuốc nào được liệt kê dưới đây. Những tương tác thuốc sau được lựa chọn dựa trên mức độ thường gặp và không bao gồm tất cả.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Zitromax bao gồm

  • Thuốc kháng axit. Với những bệnh nhân phải sử dụng cả azithromycin và thuốc kháng axit thì không nên dùng cùng một lúc cả hai thuốc này.
  • Digoxin. Dùng đồng thời kháng sinh họ macrolid (bao gồm azithromycin) với chất nền P-glycoprotein (như digoxin) được báo cáo là làm tăng nồng độ chất nền P-glycoprotein trong huyết thanh. Do đó, nếu azithromycin và chất nền P-gp như digoxin được dùng đồng thời, cần xem xét đến khả năng tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh. Cần theo dõi các dấu hiệu lâm sàng, nồng độ digoxin huyết thanh trong suốt điều trị với azithromycin và sau khi ngừng thuốc.
  • Thuốc có nguồn gốc cựa lõa mạch (ergot). Về mặt lý thuyết, có thể xảy ra tương tác giữa azithromycin và các thuốc có nguồn gốc cựa lõa mạch (ergot).
  • Zidovudine. Azithromycin làm tăng nồng độ của zidovudine phosphorylate – chất chuyển hóa có hoạt tính lâm sàng trong các tế bào bạch cầu đơn nhân ở máu ngoại vi.
  • Atorvastatin. Dùng đồng thời atorvastatin (10mg, mỗi ngày) và azithromycin (500mg, mỗi ngày) không làm thay đổi nồng độ trong huyết tương của atorvastatin (dựa trên định lượng mức độ ức chế men khử HMG CoA). Tuy nhiên, đã có báo cáo hậu mãi về các trường hợp bị tiêu cơ vân trên bệnh nhân dùng đồng thời atorvastatin và nhóm statin.
  • Thuốc chống đông máu đường uống kiểu coumarin. Trong nghiên cứu dược động học tương tác thuốc trên người tình nguyện khỏe mạnh, azithromycin không làm thay đổi hiệu quả chống đông của liều duy nhất 15mg warfarin. Sau khi lưu hành thuốc trên thị trường cũng đã nhận được thông báo về tác dụng chống đông bị tăng lên sau khi dùng đồng thời azithromycin và thuốc chống đông máu đường uống kiểu coumarin. Mặc dù chưa có đầy đủ cơ sở nhưng cần phải theo dõi thường kỳ thời gian prothrombin khi sử dụng đồng thời azithromycin và các thuốc chống đông máu đường uống kiểu coumarin.
  • Cyclosporine. Cần thận trọng trước khi xem xét dùng phối hợp với azithromycin. Nếu cần thiết phải dùng phối hợp thì nồng độ của cyclosporine cần được giám sát và điều chỉnh liều.
  • Nelfinavir. Dùng đồng thời azithromycin (1200mg) và nelfinavir ở trạng thái nồng độ hằng định trong huyết tương (750mg, 3 lần mỗi ngày) dẫn tới tăng nồng độ azithromycin. Không quan sát thấy những tác dụng phụ có ý nghĩa lâm sàng rõ rệt, do đó không cần thiết phải điều chỉnh liều dùng.
  • Rifabutin. Đã phát hiện ra sự giảm bạch cầu trung tính trên những người điều trị đồng thời azithromycin và rifabutin. Mặc dù sự giảm bạch cầu trung tính có liên quan đến việc sử dụng rifabutin, nhưng vẫn chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.

Thuốc Zitromax có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Zitromax?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Zitromax như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng (dưới 30°C), tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Dạng bào chế

Thuốc Zitromax có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc Zitromax có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nén: Được đóng trong vỉ PVC đúc. Hộp 1 vỉ x 3 viên nén bao phim.
  • Bột pha hỗn dịch uống: Được bào chế dưới dạng bột khô, khi hòa với nước tạo thành hỗn dịch màu từ trắng ngà đến vàng nâu, có chứa lượng tương đương 200mg azithromycin/5ml.

bacsidanang.com không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa. 

Các bài viết của Bacsidanang.com Group chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

 

Bacsidanang.com – Trang web cung cấp những thông tin chính thống về sức khỏe và địa chỉ khám bệnh tin cậy ở Đà Nẵng. Email:bacsidanang@gmail.com.”

Group: bacsidanang.com