Khi bệnh nhân có những vấn đề về ở cơ quan sinh dục nam hay đường tiết niệu khi đến khám chuyên khoa nam khoa, kỹ thuật khám cơ quan sinh dục đóng vai trò rất quan trọng. Việc thăm khám có hệ thống giúp bác sĩ lâm sàng nhận định chính xác được các vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải, nhanh chóng đưa ra những chẩn đoán sơ bộ, chỉ định cận lâm sàng phù hợp, có kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh đúng đắn.
Khám cơ quan sinh dục bao gồm khám: bìu và các cơ quan trong bìu, khám dương vật và các đặc tính sinh dục thứ phát.
1. Khám bìu và các bộ phận trong bìu
a. Bìu:
quan sát màu sắc, độ chun giãn của da bìu, các vết loét, búi giãn tĩnh mạch…
b. Tinh hoàn:
Cách khám: Dùng 3 ngón (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) khám sờ nắn tinh hoàn một cách nhẹ nhàng, trường hợp không tìm thấy tinh hoàn, nhẹ nhàng sờ dọc theo ống bẹn. Nếu có tinh hoàn thì tinh hoàn sẽ chạy xuống bìu hoặc sờ được khối nằm tại ống bẹn. Khám bề mặt tinh hoàn để tìm bất thường, thông thường bề mặt tinh hoàn trơn láng, mật độ chắc và đàn hồi như cao su, ấn tức nhẹ. Trường hợp tinh hoàn bị teo nhỏ sẽ mật độ mềm hơn tinh hoàn bình thường. Bất thường trên bề mặt, bên trong hoặc sự khác biệt về sự đàn hồi giữa hai tinh hoàn gợi ý một khối u tinh hoàn.
Thể tích tinh hoàn thường đánh giá bằng thước đo tinh hoàn Orchidometer Prader. Đây là một chuỗi hạt bằng gỗ hoặc nhựa có kích cỡ từ nhỏ 01ml đến lớn 35ml. Hiện tại sử dụng siêu âm vùng bìu đo thể tích tinh hoàn cũng rất phổ biến.
Thể tích tinh hoàn bình thường: Trẻ em <3ml, Thiếu niên: 4-14ml, Người lớn: 15-35ml.
Thông thường, tinh hoàn hai bên không cân xứng và trường hợp hai bên chênh lệch không quá 2/3 thì không có ý nghĩa lâm sàng. Giảm thể tích tinh hoàn sau một chấn thương vùng bìu và thường gợi ý quá trình sinh tinh bị thương tổn. Trong giai đoạn dậy thì mà có tinh hoàn nhỏ (<4ml), mật độ chắc là đặc điểm của hội chứng Klinefelter.
c. Mào tinh hoàn:
Nằm ở mặt sau tinh hoàn, phủ trên tinh hoàn. Mào tinh mềm, chạm không đau. Mào tinh căng to, khám đau có thể nguyên nhân bế tắc: thắt ống dẫn tinh, nhiễm trùng, vô sinh bế tắc. Nang mào tinh khá thường gặp nếu kích thước nhỏ, không có triệu chứng thì không cần điều trị, thỉnh thoảng nhầm lẫn với u tinh hoàn.
d. Ống dẫn tinh:
Ống dẫn tinh là ống có đường kính 2-3mm, mật độ chắc, nếu sờ thấy mấu nhỏ hoặc mảng xơ xung quanh ống dẫn tinh có thể bệnh nhân đã thắt ống dẫn tinh. Cần phân biệt với mạch máu và thần kinh cạnh bên trong thừng tinh. Không sờ thấy ống dẫn tinh là tình trạng liên quan tới thể tích tinh dịch ít và không có tinh trùng trong tinh dịch.
e. Giãn tĩnh mạch thừng tinh (tiếng anh: Varicocele):
Thăm khám khi bệnh nhân đứng, cho bệnh ho hoặc thực hiện nghiệm pháp Valsalva nhằm bộc lộ giãn tĩnh mạch thừng tinh thể nhẹ. Tĩnh mạch tinh giãn thường nằm phía trên tinh hoàn, dễ phát hiện và sờ nắn dễ dàng, thường gặp ở bên trái nhiều hơn và có liên quan đến vô sinh hiếm muộn.
2. Khám dương vật
Thăm khám dương vật có thể phát hiện các tình trạng bệnh lý thường gặp ở dương vật như:
a. Hẹp bao quy đầu
Lỗ bao quy đầu hẹp, bao quy đầu ôm chặt lấy quy đầu, bao quy đầu không tuột xuống được gọi là bệnh lý hẹp bao quy đầu. Ở trẻ sơ sinh mà có hiện tượng này gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý, có thể tự hết khi trẻ lớn lên, trường hợp bao quy đầu bị viêm nhiễm khiến bao quy đầu co rút, xơ sẹo gây nên tình trạng hẹp bao quy đầu bệnh lý.
b. Thắt nghẹt bao quy đầu
Hay còn gọi là bán hẹp bao quy đầu (paraphimosis) là tình trạng khi nam giới tụt bao quy đầu xuống nhưng không thể kéo ngược lại về vị trí cũ, dẫn đến bao quy đầu bị sưng và thắt nghẹt, có thể ngăn chặn sự lưu thông của máu đến đầu dương vật. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
c. Vùi dương vật
Vùi dương vật (Burried penis) là tình trạng dương vật bình thường về hình dạng nhưng bị chôn vùi vào mô dưới da trước xương mu, thường kèm theo hẹp bao quy đầu, gây khó khăn khi tiểu tiện. Nếu không được điều trị, dị tật này sẽ gây ra những ảnh hưởng về tiết niệu như nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm quy đầu xơ và bít tắc.
Vùi dương vật được chia làm 3 mức độ (theo Cromie W.J,1998):
- Nhẹ: không nhìn thấy dương vật; sờ được dương vật trong ống da dương vật.
- Trung bình: sờ không có dương vật trong ống da; kéo ống da dương vật xuống xương mu thấy được một phần thân dương vật.
- Nặng: ống da dương vật nhỏ, ngắn; dương vật chìm sâu trong lớp mỡ trước xương mu.
Các nguyên nhân gây vùi dương vật: Bẩm sinh: bất thường trong cố định da, cân Dartos với cân Buck khiến dương vật bị trượt ra sau; thiếu da bao thân dương vật. Mắc phải do béo phì.
d. Dương vật màng
Dương vật màng (Webbed Penis) là tình trạng da bìu dính cao bất thường ở mặt dưới của thân dương vật, tình trạng này có thể xuất hiện khi mới sinh (bệnh lý bẩm sinh) hoặc biến chứng của sau phẫu thuật cắt bao quy đầu (bệnh lý mắc phải) hoặc cắt quá nhiều da bao quy đầu. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, bệnh lý còn gây nên các rối loạn khi nam giới trưởng thành như tự ti về hình dạng dương vật, cong dương vật, khó khăn trong quan hệ tình dục.
Phẫu thuật tạo hình là cần thiết để tái tạo hình dạng bình thường cho dương vật và bìu, phẫu thuật thường được trì hoãn cho đến khi trẻ biết đi hoặc khi trưởng thành.
e. Cong dương vật
Cong dương vật có 2 loại: Cong dương vật bẩm sinh và cong dương vật mắc phải.
Cong dương vật bẩm sinh: là do sự phát triển bất cân xứng của bao trắng của một hay cả hai thể hang gây ra dương vật cong khi ở trạng thái cương cứng. Cong dương vật mắc phải (bệnh Peyronie): sinh ra do hình thành mảng xơ ở bao trắng thể hang, các mảng xơ gây cản trở sự giãn nở của bao trắng khi cương và dẫn đến cong và biến dạng dương vật
Thường được chỉ định phẫu thuật khi độ cong dương vật >= 30 độ hoặc khi dương vật cong khiến bệnh nhân không thể giao hợp được.
f. Ngắn dây hãm
Dây hãm dương vật hay còn gọi là dây thắng là dải da có hình chữ Y ngược, nằm ở mặt dưới quy đầu nối liền quy đầu và lớp trong bao da quy đầu. Dây hãm ngắn gây kéo căng quy đầu dương vật bị cong xuống dưới, kèm theo đau khi dương vật cương, thường gặp kèm với hẹp bao quy đầu, đứt dây hãm dương vật là hậu quả của ngắn dây hãm không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi quan hệ vùng dây hãm bị căng quá mức dẫn tới bị đứt và chảy máu và bệnh nhân thường tới khám vì lí do này.
g. Lỗ tiểu đóng thấp
Lỗ tiểu thấp là một dị tật bẩm sinh tại lỗ tiểu của bé trai, khi mà lỗ tiểu nằm thấp hơn vị trí bình thường ở đỉnh quy đầu. Vị trí lỗ tiểu càng xa đỉnh quy đầu thì bệnh càng nặng, điều trị càng khó khăn.
Khám lỗ tiểu cũng phát hiện các bệnh lý viêm niệu đạo như: sưng đỏ hay chảy dịch bất thường ở lỗ tiểu.
h. Cương dương vật kéo dài
Hầu hết các trường hợp cương dương vật kéo dài liên quan đến sự trục trặc cơ chế gây xìu dương vật và phổ biến nhất là do suy giảm dòng máu tĩnh mạch từ dương vật trở về (ví dụ, cương đau dương vật kéo dài lưu lượng thấp),cũng được biết đến như là sự thiếu máu cục bộ trong cương dương vật kéo dài Đau nhiều do thiếu máu cục bộ xảy ra sau 4 giờ. Cơn đau dữ dội do thiếu máu cục bộ xuất hiện sau 4 giờ.
Nếu kéo dài > 4 giờ, cương dương vật kéo dài có thể dẫn đến xơ hóa vật hang và tiếp đến là rối loạn cương dương hoặc thậm chí hoại tử và hoại thư.
Bs Đặng Phước Đạt – BV Family Đà Nẵng