Hỗ trợ phôi thoát màng trong thụ tinh trong ống nghiệm (Assisted hatching)

blank
Đánh giá nội dung:

Hiện tượng thoát màng là gì?

Hiện tượng làm tổ được khởi phát khi phôi tiếp xúc với niêm mạc tử cung. Bình thường, phôi được bảo vệ trong một cấu trúc màng trong suốt, vững chắc (ZP-zona pellucida). Để xảy ra sự tiếp xúc và làm tổ trong niêm mạc tử cung, trước tiên phôi cần phải thoát ra khỏi màng trong suốt. Quá trình này được gọi là sự thoát màng của phôi. Trong điều kiện sinh lý bình thường, phôi thoát màng vào ngày 5-6 sau khi noãn được thụ tinh. Đối với phôi được thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), quá trình thoát màng của phôi thường được quan sát trên đĩa nuôi cấy nhờ hệ thống camera theo dõi liên tục.

Hỗ trợ phôi thoát màng là gì?

Hỗ trợ phôi thoát màng

Phôi có thể không thoát màng được do nhiều nguyên nhân. Các giả thuyết cho thấy có sự thay đổi độ cứng của màng trong suốt trong quá trình nuôi cấy và đông lạnh phôi, mặc dù vậy vẫn còn nhiều tranh luận. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy khả năng thoát màng của phôi thấp hơn ở phụ nữ lớn tuổi và thất bại TTTON nhiều lần. Để khắc phục tình trạng này, có thể sử dụng các phương pháp hỗ trợ thoát màng (AH- Assisted hatching) cho phôi.

Kỹ thuật thực hiện để hỗ trợ phôi thoát màng

Hỗ trợ thoát màng cho phôi được thực hiện bằng cách tạo lỗ trên màng trong suốt, làm mỏng một phần, làm mỏng toàn bộ hoặc loại bỏ toàn bộ ZP. Các phương pháp được áp dụng bao gồm: hoá học, cơ học và laser.

- Nhà tài trợ nội dung -

Phương pháp hoá học được thực hiện bằng cách dùng acid Tyrode (pH 2.2-2.8) hoặc pronase. Hoá chất được bơm ra bằng vi kim đến khi làm mỏng được 1/3 ZP hoặc tạo một độ rộng 20-40 mm để làm thủng ZP. Acid hoặc enzyme còn được dùng trong một vi giọt có chứa phôi để làm mỏng toàn chu vi phôi hoặc cho tiếp xúc với phôi đến khi ZP được loại bỏ. Phương pháp này được thực hiện rộng rãi hơn một thập kỷ trước và không còn phổ biến hiện nay cho đến khi laser được áp dụng.

Phương pháp cơ học chủ yếu dựa trên hệ thống vi thao tác, trong đó một kim vi tiêm được dùng để làm mất một phần ZP (partial zona dissection-PZD). Các dữ liệu về kỹ thuật này hầu hết được công bố hơn 10 năm về trước và không còn được áp dụng hiện nay.

Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser được sử dụng đầu tiên bởi Tadir và Palanker vào năm 1991. Cho đến nay, AH dùng tia laser được áp dụng rộng rãi tại hầu hết các labo HTSS nhằm tạo lỗ/làm mỏng ZP để quá trình thoát màng diễn ra dễ dàng hơn.

Áp dụng hỗ trợ thoát màng cho phôi trong Labo TTTON

Kỹ thuật AH lần đầu tiên được thực hiện bởi Cohen vào năm 1988 và và xu hướng thực hiện AH ngày càng phổ biến hơn trong những năm gần đây. Hiệu quả của AH phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến đối tượng bệnh nhân được chỉ định, tay nghề của người thực hiện và phương pháp hỗ trợ thoát màng. Do đặc điểm lịch sử, hệ thống nuôi cấy phôi ở mỗi thời điểm thực hiện các kỹ thuật AH cũng thay đổi nên khó có thể so sánh phương pháp nào là hiệu quả nhất. AH nên được thực hiện tại một labo với thiết bị hiện đại và chuyên viên phôi học có kinh nghiệm.

ThS. Nguyễn Thị Liên Thi – IVFMD FAMILY, Bệnh viện Gia Đình