Hiếm muộn được định nghĩa khi một cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục đều đặn trong vòng một năm nhưng không có con, ảnh hưởng đến khoảng 8% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở Việt Nam. Mặc dù có sự liên quan giữa chế độ dinh dưỡng và khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, tuy nhiên vẫn chưa có những hướng dẫn chính xác cho những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Bài viết tổng quan này sẽ cung cấp những bằng chứng y văn về chế độ đinh dưỡng và vô sinh, cũng như đề ra các hướng dẫn lâm sàng dựa trên y học thực chứng.
Dinh dưỡng vi lượng
Việc bổ sung các chất chống oxy hóa không mang lại lợi ích trong điều trị hiếm muộn ở nữ. Một tổng quan đa của Cochrane 2013 đã chỉ ra rằng, sự bổ sung chất chống oxy hóa không làm tăng tỉ lệ đậu thai cũng như tỉ lệ trẻ sống trong điều trị vô sinh. Tuy nhiên, sự bổ sung chất chống oxy hóa ở nam giới phần nào đem lại lợi ích trong chu kì điều trị hiếm muộn.
Bên cạnh tác dụng phòng ngừa dị tật ống thần kinh của acid folic (vitamin B9), thì những chứng cứ gần đây cũng phần nào cho thấy acid folic làm giảm thời gian vô sinh, giảm nguy cơ thai lưu và gia tăng tỉ lệ thành công trong điều trị vô sinh
Acid béo: Acid béo có vai trò quan trọng giai đoạn đầu của sinh sản, bao gồm sự trưởng thành của noãn và làm tổ của phôi. Việc sử dụng acid béo không bão hòa đa nối đôi (PUFAs) như omega 3 chuỗi dài, cũng như hạn chế acid béo dạng trans ( như có trong đồ ăn nhanh) sẽ làm cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản
Thịt, cá, rau xanh và trái cây
Hiện tại, với những bằng chứng y học, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu…) mang đến nhiều nguy cơ hiếm muộn cũng như ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của phôi thai. Còn đối với thực phẩm là cá thì có vẻ phức tạp hơn, trong cá chứa nhiều nguồn protein cũng như acid béo tốt cho sức khỏe sinh sản, tuy nhiên do bởi tình trạng ô nhiễm môi trường có những tác động qua lại đến lợi ích của cá đối với sức khỏe sinh sản. Do đó, việc tránh tiêu thụ cá đến từ nguồn nước bị ô nhiễm cũng như nồng độ thủy ngân cao sẽ cải thiện khả năng có thai.
Vitamin D: Mặc dù có nhiều bằng chứng thuyết phục trên mô hình động vật, việc bổ sung vitamin D vẫn chưa có những lợi ích thiết thực trong việc cải thiện thụ thai ở những cặp vợ chồng thiết hụt vitamin D
Việc tiêu thụ đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành đã được chứng minh không ảnh hưởng đến tình trạng có thai trên mô hình động vật. Hơn thế nữa, đậu nành có một số ảnh hưởng tích cực đến khả năng có thai, mặc dù mức độ chứng cứ còn thấp.
Rau xanh và trái cây chứa nhiều vitamin, cùng các chất chống oxy hóa nên là một lựa chọn trong khẩu phẩn ăn để nâng cao tỉ lệ có thai ở những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản
Rượu và cafein
Việc tiêu thụ rượu gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe sinh sản. Rượu không những làm gia tăng tỉ lệ vô sinh mà còn gây ra những hậu quả nặng nề cho thai nhi nếu tiếp xúc với rượu trong thời kì bào thai.
Việc tiêu thụ thực phẩm chứa cafein liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản hay không, hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ có đưa ra những bằng chứng về sự ảnh hưởng tiêu cực của cafein đến tình trạng có thai, tuy nhiên các yếu tố nhiễu, cũng như mức độ chứng cứ còn yếu, cho nên cần có những nghiên cứu tiếp theo để làm rõ vấn đề này.
Tóm lại
Một chế độ ăn giàu hải sản, thịt trắng (thịt gia cầm), tinh bột nguyên hạt, rau xanh và trái cây sẽ là tốt hơn đối với sức khỏe sinh sản so với chế độ ăn giàu thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, và rượu. Những bằng chứng y văn gần đây cho thấy việc bổ sung aid folic, cũng như chế độ ăn chứa thịt, cá, rau xanh và trái cây cải thiện tỉ lệ có thai. Tuy nhiên, việc bổ sung các chất chống oxy hóa ở phụ nữ, cũng như vitamin D hiện tại vẫn chưa chứng minh được lợi ích trong việc cải thiện tình trạng hiếm muộn. Bên cạnh đó, thức uống có cồn đã được chứng minh có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản.
Tài liệu tham khảo chính :
Audrey J. Gaskins, Jorge E. Chavarro. Diet and fertility: A review. American Journal of Obstetrics and Gynecology 2017
Bs Võ Văn Cường, IVFMD-FAMILY