Mũi là trung tâm của khuôn mặt vì vậy việc chỉnh sửa hình dạng mũi ảnh hưởng rất lớn đến sắc diện chung của một người.
Năm 3000 BC ca phẫu thuật tạo hình mũi đầu tiên đã được ghi nhận nhưng chưa sử dụng chất liệu cấy ghép mà chỉ dùng gạc đè ép để điều trị vết thương. (theo Edwin Smith Surgical Papyrus)
Năm 600 BC, trường hợp phẫu thuật tạo hình mũi đầu tiên có sử dụng chất liệu cấy ghép là vạt mô mềm tự thân vùng má được thực hiện bởi các thầy thuốc Ấn Độ như mô tả trong kinh Sushruta Veda.
Từ đó đến thời Trung cổ, rồi thời Phục hưng và cho đến năm 1794, các thầy thuốc vẫn chỉ sử dụng các vạt mô mềm tự thân như vạt trán, vạt má, vạt cánh tay… trong tạo hình mũi.
Sang thế kỷ 19, các thầy thuốc Đức Pháp mà người tiên phong là Friedrich Dieffenbach đã rất thành công trong việc sử dụng nhiều loại vạt tổ chức tự thân để tạo hình mũi.
Quá trình sử dụng vạt mô mềm gặp một thất bại phổ biến là vạt không thể giữ được một hình thể ổn định cho tháp mũi, thậm chí gây hẹp lỗ mũi, bít tắc đường thở và hầu hết đều thất bại về mặt thẩm mỹ. Thực tế đó đặt ra một đòi hỏi về việc tìm một giải pháp tạo cho tháp mũi một bộ khung. Các vật liệu kim loại đã được đề xuất.
Delpech dùng ống kim loại để giữ thông lỗ mũi. Ollier sử dụng kim loại và bóng hơi để chống đỡ cánh mũi và giữ thông đường thở. Từ năm 1876, những chiếc mũi bạc (silver nose) được thực hiện cho các chiến binh Thổ nhĩ kỳ. Cùng với các kim loại như vàng, bạc, aluminum, platinum… nhiều vật liệu khác như cao su, sợi celluloid… cũng được sử dụng để tạo khung đỡ cho câu trúc mũi. Các chất liệu tự thân như màng xương, xương… được sử dụng cùng với các vạt tổ chức hoặc lấy vạt cùng với cả xương làm lõi cứng cho vạt.
Sụn sườn được Mangoldt sử dụng làm sống mũi lần đầu tiên năm 1900. Từ đó sụn tự thân được coi là một chất liệu tốt để tạo khung trụ cho mũi.
Ngoài các chất liệu tạo khung, các chất liệu sử dụng cho mục đích bù đắp khối lượng mô tổn khuyết cũng được tìm tòi sử dụng. Vaseline lần đầu tiên được Gersuny dùng để tiêm vào mũi, Paraffin được Ecktein dùng năm 1904. Nhưng các chất liệu này sau một thơi gian đã bị loại bỏ do mang lại kết quả không như mong muốn mà lại gây nhiều biến chứng như phản ứng tại chỗ, thuyên tắc mạch và nhất là thuyên tắc mạch phổi gây tử vong (pulmonary emboli)
Ngoài các chất liệu tự thân và đồng loại (homogenous) như mô đông khô từ sụn và da người chết, các chất liệu dị loại (heterogeneous) như sụn bò, sụn sườn vịt, ngà voi… cũng được nghiên cứu sử dụng.
Chất liệu tổng hợp polymer polyethylene bắt đầu được sử dụng cho mũi năm 1948 theo báo cáo của Rubin, Robertson và Shapiro. Chất liệu composit được Brown và Canon sử dụng năm 1946. Từ 1940’, Silicone được ứng dụng trong y học và sau đó 20 năm đã trở thành chất liệu quan trọng lĩnh vực phẫu thuật tạo hình nói chung và tạo hình mũi nói riêng (Andre Colas & Jim Curtis, Down Corning Corporation, Silicon Biometrials : History and Chemistry). Phổ biến cho mục đích thẩm mỹ là 2 dạng phổ biến là silicone lỏng (silicone oil) và silicone rắn (silicone rubber). Các chất liệu tổng hợp polymer polyethylene và polymer silicone là những chất liệu chủ yếu trong tạo hình mũi và vẫn được dùng phổ biến cho đến ngày nay.
“Do đặc tính bẩm sinh người châu Á có tháp mũi rất khiêm tốn, thấp, nhỏ vì vậy mục đích thẩm mỹ là làm cho mũi cao lên và to ra.
Viện thẩm mỹ Dr. Harvard
- Chất liệu sử dùng trong tạo hình mũi có nguồn gốc tự thân hay nhân tạo được sử dụng để cấy ghép vào cấu trúc mũi trong quá trình phẫu thuật tạo hình nhằm làm thay đổi cấu trúc và kích thước từng phần hay toàn bộ mũi vì mục đích điều trị hoặc thẩm mỹ.
- Có thể sử dụng các vật liệu tự thân như: Sụn sườn, sụn vành tai, xương sọ đính, xương mào chậu, các loại cân mạc, bì của da…
- Hay dùng các vật liệu tương tự từ đồng loại (từ người khác) hoặc dị loại (từ sinh vật khác loài (sụn bò, da heo…) các vật liệu này được chế biến theo một quy trình khắc nghiệt để loại trừ tính gây kháng thể.
- Hay dùng các vật liệu tương hợp sinh học: silicone dẽo, Gore-Tex, Porex, san hô…
- Dĩ nhiên dùng vật liệu tự thân là an toàn nhất, tuy nhiên cần phẫu thuật lấy mô ghép lớn hơn, nhiều nguy cơ hơn, hậu phẫu dài hơn và đau kéo dài hơn.
Các vật liệu sử dụng trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mũi
Dùng vật liệu tương hợp sinh học: Silicone dẽo (Silicone rubber, silicone elastomer
Ưu điểm:
- Với cấu trúc hoá học ổn định, silicone gần như không gây ra phản ứng mô.
- Dễ đẽo gọt, khối lượng không giới hạn và có nhiều sản phẩm sản xuất sẵn, đa dạng, thuận tiện cho việc sử dụng.
- Thao tác đặt thanh độn dễ dàng.
Hạn chế:
- Mô xung quanh không mọc vào trong silicone được nên thanh độn có khả năng bị di lệch.
- Nếu để da trên sống mũi bị căng quá, sẻ mỏng dần, sống mũi bị lộ dưới da, thậm chí thủng da, lòi sống.
- Bao xơ co thắt quanh thanh độn làm cong sống mũi.
Các loại thanh độn bằng silicone:
- Silicone dạng khối: bác sĩ phải tự đẽo gọt
- Silicone tạo hình sẵn: với nhiều kích thước và độ dày mỏng khác nhau, tiện dụng.
Dùng vật liệu tự thân
Nâng sống mũi bằng sụn vách ngăn
Ưu điểm:
- Thủ thuật lấy sụn vách ngăn cũng giúp cải thiện chức năng hít thở.
- Phẫu thuật thuận lợi vì vùng cho và nhận cùng một trường mổ.
- Hình dáng suôn thẳng và độ cứng giống nhau nên dễ đẻo gọt.
- Có thể lấy cùng lúc với một phần xương lưỡi cày và mảnh đứng xương sàng.
- Tỷ lệ bị hấp thu thấp và ít khả năng bị cong vệnh.
Hạn chế:
- Để lấy sụn, phải thao tác quen, có kinh nghiệm.
- Màng ghép nhỏ, không dùng có những ca cần nhiều vật liệu ghép.
- Nếu vách sụn bị lệch nhiều, hoặc có các bệnh lý khác thì số lượng sụn thu được sẻ còn ít hơn.
- Biến chứng mũi hình yên ngựa nếu lấy luôn phần sụn nâng đỡ sống mũi ở phía trước.
Nâng sống mũi bằng sụn vành tai
Ưu điểm:
- Có thể thu hoạch được số lượng nhiều hơn sụn vách ngăn, có thể lấy ở cả 2 tai.
- Với hình dạng hơi cong, loại sụn này đặc biệt thích hợp cho các phẫu thuật chỉnh hình đỉnh và cánh mũi.
- Có thể sử dụng như một loại cấy ghép phức hợp (ghép da và ghép sụn cùng lúc)
Nhược điểm:
- Với hình dạng cong tự nhiên, sụn vành tai không thích hợp cho những vị trí cấy ghép ở dạng thẳng, ví dụ như sống mũi.
- Vành tai có thể bị biến dạng, teo nhỏ, méo mó nếu lấy sụn quá nhiều. Tai cũng có thể mất cảm giác ở vùng lấy sụn.
- Ứng dụng: Vì có hình dạng cong nên sụn vành tai ít được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh hình nâng cao sống mũi. Tuy nhiên nó được sử dụng rất tốt trong phẫu thuật chỉnh hình cánh mũi, đỉnh mũi hoặc hỗ trợ các loại cấy ghép khác…ưu điểm lớn nhất là có thể lấy được cả phần da và sụn còn dính với nhau.
Nâng sống mũi bằng sụn sườn
Ưu điểm:
- Có thể lấy được số lượng lớn và dễ dàng tạo thành nhiều hình dạng.
- Tỷ lệ sống cao, đề kháng cao, tỷ lệ hấp thu thấp.
- Được dùng cho những ca nhiễm trùng hoặc da mũi co cứng do sử dụng vật liệu cấy nhân tạo trong những lần phẫu thuật trước.
- An toàn hơn những vật liệu cấy nhân tạo nhất là khi dùng với một số lượng lớn.
Nhược điểm:
- Sống mũi có thể bị cong sau phẫu thuật
- Sụn sườn cũng bị hấp thu sau 1 thời gian.
- Vết mổ ngực đau lâu và để lại sẹo.
- Thêm một phẫu thuật lớn, thời gian phẫu thuật kéo dài.
- Bệnh nhân cần được gây mê khi lấy sụn.
Những lưu ý:
- Lấy sụn sườn không phải là một phẫu thuật dễ, tai biến: tràn khí màng phổi, chảy máu màng phổi, các phẫu thuật viên cần có nhiều kinh nghiệm.
Nâng mũi không phẫu thuật
Nâng mũi không phẫu thuật bao gồm 3 phương pháp: Nâng mũi bằng chỉ, nâng mũi bằng tiêm filler, nâng mũi bằng tiêm mỡ tự thân.
Nâng mũi bằng chỉ
Phương pháp nâng mũi bằng chỉ là phương pháp nâng độn sống mũi bằng kỹ thuật đưa các bó chỉ y khoa hoặc sợi chỉ collagen bằng đường kim tiêm vào sâu dưới da sau đó cố định vào phần mô và cơ để nâng cao sống mũi.
Phương pháp này hoàn toàn chỉ tác động vào phần sống mũi, giúp sống mũi cao lên đáng kể. Phương pháp phù hợp với các bạn đã có dáng mũi sẵn, đầu mũi khá cao và không bị to, sống mũi gãy.Phương pháp nâng mũi chỉ giúp khách hàng giữ được dáng mũi từ 1-2 năm.
Ưu điểm của phương pháp nâng mũi bằng chỉ:
– Thời gian thực hiện nhanh chóng, đẹp ngay chỉ sau 30 phút
– Không đau, không cần nghỉ dưỡng, không để lại Sẹo.
Nhược điểm của phương pháp nâng mũi bằng chỉ:
– Không duy trì được lâu, tường chỉ được khoảng từ 8-10 tháng.
– Không cải thiện được nhiều khuyết điểm của mũi. Với khách hàng có cánh mũi rộng, đầu mũi to, thô, mũi hếch… thì gần như không có tác dụng nhiều.
Nâng mũi bằng Filler
Tiêm Fillers nâng mũi hay tiêm filler mũi (tiêm chất làm đầy) là một phương pháp nâng mũi không phẫu thuật. Trong đó, bác sĩ sẽ tiêm chất làm đầy (filler) nhằm điều chỉnh hình dáng sống mũi.
Phương pháp nâng mũi bằng fillers sử dụng filler là một chất làm đầy sinh học được sử dụng rất nhiều trong thẩm mỹ với thành phần chính là nước và hợp chất có cấu tạo từ axit hyaluronic tương tự một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể người. Bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm chuyên dụng tiêm một lượng vừa đủ giúp nâng cao phần sống mũi cho khách hàng, nâng cao một phần đầu mũi.
Một số loại filler thường được sử dụng: Radies, Aquamid, Juvederm, Resylane…Tiêm filler nâng mũi có thể giữ được 1-2 năm. Sau đó filler sẽ được đào thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể.
Ưu điểm của nâng mũi bằng filler:
– Thời gian thực hiện nhanh chóng chỉ 20 phút,
– Không phải sử dụng dao kéo, không cần nghỉ ngơi, có mũi đẹp ngay sau thực hiện.
– An toàn với sức khỏe, chi phí thực hiện không quá cao
Nhược điểm của nâng mũi bằng filler:
– Không khắc phục được các dáng mũi xấu quá, đầu mũi to, cánh mũi rộng…
– Thời gian duy trì ngắn so với các phương pháp nâng mũi phẫu thuật.
– Sử dụng filler giả, kém chất lượng có thể gây nhiều biến chứng.
Nâng mũi bằng mỡ tự thân
Nâng mũi bằng mỡ tự thân cũng là phương pháp mũi không phẫu thuật, sử dụng cách tiêm. Tương tự filler, bác sĩ sẽ tiêm một lượng vừa đủ mỡ tự thân vào khu vực sống mũi của khách hàng làm thay đổi dáng mũi. Thời gian duy trì phương pháp nâng mũi bằng mỡ tự thân từ 8-12 tháng.
Ưu điểm của nâng mũi bằng mỡ tự thân:
- Thời gian thực hiện nhanh chóng chỉ 20 phút,
- Không phải sử dụng dao kéo, không cần nghỉ ngơi, có mũi đẹp ngay sau thực hiện.
- An toàn với sức khỏe, chi phí thực hiện không quá cao
Nhược điểm của nâng mũi bằng mỡ tự thân:
- Không khắc phục được các dáng mũi xấu quá, đầu mũi to, cánh mũi rộng…
- Thời gian duy trì ngắn so với các phương pháp nâng mũi phẫu thuật.
Các đường mổ tạo hình mũi
Phẫu thuật nâng mũi
Phẫu thuật mũi hở
- Đường rạch: Đường rạch ngang trụ mũi bao gồm hai đường ngang và một đường rạch chữ V đảo ngược. Đường rạch biên hai bên sẽ được nối với đường rạch ngang trụ mũi.
- Tạo vạt da vòm mũi: Dùng dao mũi nhọn để xé da vùng mũi sụn nhẹ nhàng. Mô mỡ vòm mũi vẫn phải dính với vạt da để đảm bảo độ dày vạt da.
- Tạo khoang: Tiếp tục bóc tách vùng sụn mũi bên cho tới xương mũi bằng kéo mũi nhọn. Dùng cây bóc tách vạt màng xương Jop- seph để tách màng xương khỏi xương mũi. Tạo một khoang rộng tới đường khớp nối mũi- trán. Tiếp đó, tạo một khoang giữa hai trụ trong. Khoang sẽ chạm tới phần trước khẩu cái của xương hàm trên. Khoang này giúp nâng trụ mũi và chóp mũi mà không gây kéo căng da vùng trụ mũi.
Phẫu thuật đường tiền đình mũi
- Đường rạch: Tạo lối vào sống mũi và vòm cánh qua đường rạch vùng rìa (là một vết rạch dọc theo bờ dưới của sụn mũi dưới) kéo dài tới nửa trên của trụ mũi.
- Tạo khoang vùng sống mũi: Phẫu thuật tạo khoang dưới da ngay đường giữa được khởi đầu bằng đường phẫu thuật đi qua mặt trụ mũi của vết rạch. Sụn mũi dưới được tách khỏi da vùng vòm cánh, nhưng sẽ không được điều chỉnh gì hơn, vì thanh độn sẽ yên vị ở mặt trước của nó. Tạo khoang vừa đủ trong vòm cánh mũi, khoang nên có dạng găng ở vùng sống mũi và đủ lớn để tránh lực căng.
- Phẫu thuật vùng trụ mũi: Sau khi da vùng thùy và sống mũi được xử lý, đầu kéo sẽ hướng vào trụ mũi, nơi mà một khoang sẽ liên tiếp với khoang sống mũi được cắt giữa trụ mũi trong. Điều này cho phép phần phụ của mô giả được cố định.
- Phẫu thuật vùng màng xương: Sau khi tạo 1 khoang dưới da, phần màng xương xương mũi được cắt xén bởi đầu kéo phẫu thuật mũi cùn để kích thích sự phát triển của màng quanh vật liệu ghép, giúp cố định vật liệu ghép.
Đường phẫu thuật dưới môi
- Đường rạch: Bắt đầu với việc cắt hãm môi trên bằng kéo. Đầu kéo sẽ chèn vào và hướng đến gai mũi trước. Tách mô rộng. một khi đường cắt chạm đến màng xương của phần trước xương khẩu cái, đầu kéo sẽ xoay hướng lên theo góc 90 độ, hướng đến nền trụ mũi và giữa hai trụ trong của sụn mũi dưới.
- Cắt rạch trụ mũi: Dùng kĩ thuật chuyển động kiểu nhấn và xén. Cắt rạch hoàn toàn từng phần trước khi chuyển đến phần tiếp theo. Khoang phải đủ rộng để tạo đường đi dễ dàng cho thanh độn, cũng như tránh di lệch thanh độn do phần mô chưa cắt rạch. Chú ý phần trụ mũi là phần chít hẹp nhất.
- Cắt chóp mũi: Cắt rạch giữa hai vòm sụn. Quá trình cắt rạch cũng đi bắc cầu qua da vòm cánh mũi do không xâm phạm lớp mô dày bên dưới da. Lớp mô dày này bảo vệ da mũi khỏi sức ép và sự hủy hoại bởi lực đẩy lên của thanh độn trụ mũi.
- Cắt rạch sống mũi dưới: Thực hiện cắt rạch sống mũi dưới trên mặt phẳng mô ngay phía trên sụn mũi trên và sụn vách ngăn. Cố gắng bảo tồn phần mô mềm sống mũi. Lớp mô dày này cung cấp một lớp phủ thích hợp cho thanh độn. Khoang nên rộng và không bị nghẽn tắc.
- Cắt rạch trên xương mũi: cắt rạch dưới màng xương. Mặt phẳng dưới màng xương tạo tính ổn định và ngăn chặn thanh độn nhấp nhô, sờ chạm được qua da.
Phẫu thuật thu nhỏ nền mũi
Vấn đề cần chú ý: Vị trí, hình dáng, lượng mô cắt bỏ.
- Vị trí: Thu nhỏ cánh mũi theo 2 trục ngang dọc. Trục ngang nằm dọc theo đáy mũi và trục dọc theo hướng trụ mũi từ đáy đến đỉnh.
- Xác định lượng mô cắt bỏ: Cánh mũi loe hoặc đáy mũi rộng.
- Đánh giá hình dạng nền mũi và nhu cầu của bệnh nhân sẽ xác định được hình dạng mô cắt bỏ.
Cánh mũi loe:
- Dựa theo Rohrich R. chia cánh mũi thành 3 loại.
- Điều trị: Cắt bỏ da hình nêm thành ngoài cánh mũi, không vượt lớp niêm mạc.
- Tùy theo phân loại mà hình nêm dài hay ngắn.
- Đường rạch da phía dưới không được trùng với rãnh mũi- mặt mà cách khoảng 1mm về phía cánh mũi để tránh sẹo.
- Cắt theo hình nêm ngoài giảm độ loe cánh mũi, nó còn hạn chế độ dày và giảm chiều cao cánh mũi.
Đáy mũi rộng:
– Điều trị:
- + Hai đường rạch song song đáy mũi và sau đó cắt bỏ một phần này.
- + Đường mổ khâu bằng chỉ nylon 6/0
- + Đa số các trường hợp đường rạch không vào tiền đình mũi.
- + Đường rạch không vào phía trong đáy trụ mũi, nếu không có thể gây nhăn nhúm da.
- + Các kỹ thuật khác:
Kỹ thuật khâu cột(cinch): Dùng 1 sợi chỉ không tan khâu xuyên qua đường rạch đáy mũi để kéo 2 cánh mũi vào trong. Hạn chế chính của kỹ thuật này là dễ tái phát.
Kỹ thuật thu nhỏ đáy mũi theo Park.
Cánh mũi loe và đáy mũi rộng:
– Điều trị bằng kỹ thuật V-Y do Hamilton mô tả năm 2014
Cánh mũi dày:
– Cánh mũi dày thường kết hợp với cánh mũi loe. Can thiệp phẫu thuật để làm mỏng cánh mũi và giảm cánh mũi loe.
– Cánh mũi dày đơn thuần: Có thể làm mỏng bằng cách cắt bỏ lượng mô cánh mũi hình lưỡi liềm hoặc hình chữ L hoặc hình chữ L ngược.
– Cánh mũi dày kết hợp với lỗ mũi rộng: Làm hẹp lỗ mũi và mỏng cánh mũi thì dùng đường rạch hình chữ T.
Đáy trụ mũi rộng:
– Trụ mũi rộng gây hẹp đáy mũi
– Kỹ thuật mổ: Rạch da xuyên 1 bên trụ mũi.
– Cắt bỏ 1 phần cơ nâng vách mũi, cầm máu.
– Khâu xuyên qua da trụ mũi bằng chromic 4/0
Cánh mũi xệ:
– Số lượng mô cắt bỏ tùy thuộc vào mức độ cánh mũi xệ, khi đường cong bờ cánh mũi lý tưởng đạt được ( tư thế nghiêng).
– Đường rạch da hình elip nằm bên trong cánh mũi gần bờ ngoài cơ thể nhìn thấy được.
– vết mổ được khâu bằng chỉ nylon 6/0 liên tục.
– Kỹ thuật “ sail” trong cánh mũi xệ: Đường rạch da bên trng cánh mũi hình tam giác tựa cánh buồm và khi khâu da tạo thành đường thẳng. Có thể rạch da trực tiếp bờ ngoài cánh mũi để tạo bờ cong cánh mũi lý tưởng trong trường hợp xệ cánh mũi phức tạp. Cần cân nhắc sẹo lành sau cùng.
Tài liệu tham khảo:
- “Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ”, Đai học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bộ môn phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
- https://plasticsurgerykey.com/incisions-and-approaches/