UNG THƯ BUỒNG TRỨNG
1. ĐẠI CƯƠNG UNG THƯ BUỒNG TRỨNG:
1.1. Định nghĩa:
Ung thư buồng trứng là: ung thư xuất phát tại buồng trứng
Nguyên nhân ung thư buồng trứng chưa được biết rõ ràng, nhưng thấy thường gặp ở BN có các yếu tố nguy cơ như sau:
– Sinh ít con, kinh thưa
– Dùng thuốc kích thích buồng trứng kéo dài
– Thuốc ngừa thai
– Chế độ ăn nhiều mỡ
1.2. Phân loại :
Xếp loại mô bệnh học:
Các thể mô bệnh học thường gặp của UT buồng trứng theo xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới như sau:
a. Các ung thư biểu mô (Epithelial tumors)
– Các u thanh dịch ác tính (Malignant serous tumors)
– Các u nhày ác tính (Malignant mucinous endometrioid tumors)
– Các u dạng nội mạc tử cung (Malignant endometrioid tumors)
– Các u tế bào sáng ác tính (Malignant clear cell tumors)
– Các u tế bào chuyển tiếp (Transitional-cen tumors)
– Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma)
– Các u biểu mô hỗn hợp (Mixed epithelial tumors)
– Ung thư biểu mô không biệt hóa (Undifferentiated carcinoma)
b. Các u tế bào mầm (Germ-cell tumors)
– U nghịch mầm (Dysgerminoma)
U túi noãn hoàng (Yolk-sac tumor)
– Ung thư biểu mô phôi (Embryonal carcinoma)
– U đa phôi (Polyembryoma)
– Ung thư biểu mô màng đệm (Choriocarcinoma)
– Các u quái (Teratomas)
– U nguyên bào sinh dục (Gonadablastoma)
– Các khối u hỗn hợp (Mixed)
c. Các u đệm – dây sinh dục (Sex cord-Stromal tumors)
– Các u đệm – tế bào hạt (Granulosa-stromal cell tumors)
– Các u tế bào Sertoli (Sertoli-Leyding cell tumors)
– U dây sinh dục có các tiểu quản hình nhẫn (Sex cord tumor with annular tubules)
– U nguyên bào lưỡng tính (Gynandroblastoma)
– Các u tế bào steroid (Steroid-cell tumors)
– Các u đệm – dây sinh dục không xếp loại (Unclassified)
Ngoài ra, có thể gặp các UT tổ chức liên kết (sacôm), u lymphô ác tính (không Hodgkin và Hodgkin) và các khối u di căn đến buồng trứng (u Krukenberg, di căn từ vú, tử cung…)
2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG:
2.1. Lâm sàng:
2.1.1. Triệu chứng:
– Biểu hiện chung
+ Bệnh nhân có thể có những triệu chứng như đầy tức, bụng to lên.
+ Chảy máu âm đạo bất thường, các triệu chứng về dạ dày ruột và tiết niệu cũng có thể xuất hiện.
– Ung thư biểu mô buồng trứng thường tiến triển âm thầm và không có dấu hiệu đặc trưng chính vì vậy phần lớn (trên 70%) khi được phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn III-IV.
– Ung thư buồng trứng loại tế bào mầm thường có triệu chứng đau do căng và xoắn dây chằng rộng ngay khu u còn khu trú tại buồng trứng và 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn I của bệnh. Một số trường hợp đau dữ dội do chảy máu, vỡ u.
– Ung thư buồng trứng loại u đệm – dây sinh dục có thêm các triệu chứng của tăng tiết quá mức estrogen hoặc androgen như mất kinh hoặc kinh nguyệt thất thường ở phụ nữ còn kinh hoặc ra máu âm đạo ở phụ nữ đã mãn kinh hoặc thường biểu hiện nam hóa.
2.1.2. Khám lâm sàng:
Thăm khám (gồm âm đạo, trực tràng) có thể thấy:
– Buồng trứng to lên, sờ thấy được.
– Khối u vùng chậu: thường chắc, có thể cố định, đôi khi kèm theo nhiều khối nhỏ vùng túi cùng.
– Cổ chướng.
Cần khám toàn diện đánh giá hạch ngoại vi, tình trạng gan, thận, trực tràng, thiếu máu, suy kiệt,…
2.2. Các xét nghiệm cận lâm sàng:
2.2.1. Siêu âm:
Siêu âm với đầu dò âm đạo và siêu âm qua thành bụng, có thể phân biệt u buồng trứng với các khối u vùng chậu, hình thái khối u (nang, đặc, nhú,…) kích thước khối u, tình trạng bên đối diện và dịch cổ chướng.
Siêu âm Doppler màu đánh giá mạch máu của khối u, có thể phát hiện được những mạch máu tăng sản bất thường gợi ý u lành hay u ác.
2.2.2. Xét nghiệm chất chỉ điểm u:
– CA 125 (epitope carbohydrate antigen)
– M-CSS: là một cytokine được tiết ra bởi tế bào cacinoma buồng trứng
– OVX1: là 1 kháng nguyên glycoprotein có trong lượng phân tử cao
– a-fetoprotein (AFP), HCG tăng trong các u tế bào mầm tùy theo loại u
– Một số các dấu hiệu sinh học khác như: HE4, LASA, CA 54-61, CA-50, CA 195,… nhưng kết quả không tốt hơn.
2.2.3. Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ ổ bụng và vùng chậu
: để đánh giá mức độ xâm lấn và tình trạng di căn của u.
2.2.4. Chụp X – quangphổi: đánh giá có di căn phổi hay không.
2.2.5. Tế bào học dịch cổ chướng : chọc hút, ly tâm dịch cổ chướng để tìm tế bào UT.
2.2.6. Phẫu thuật thăm dò : giúp chẩn đoán xác định. Nếu xác định là UT buồng trứng có thể tiến hành phẫu thuật điều trị.
3. CHẨN ĐOÁN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG:
3.1. Chẩn đoán xác định: Giải phẫu bệnh lý
3.2. Chẩn đoán giai đoạn : xếp giai đoạn theo FIGO
Giai đoạn I : U còn giới hạn ở buồng trứng
Giai đoạn IA : U giới hạn ở một buồng trứng, vỏ nguyên vẹn không có u trên bề mặt buồng trứng, tế bào dịch cổ chướng, dịch rửa ở bụng âm tính.
Giai đoạn IB : U giới hạn ở hai bên buồng trứng, vỏ nguyên vẹn không có u trên bề mặt buồng trứng, tế bào dịch cổ chướng, dịch rửa ở bụng âm tính.
Giai đoạn IC : U giới hạn ở một hoặc cả hai buồng trứng, nhưng có một trong những yếu tố sau: vỏ đã vỡ, có khối u bề mặt buồng trứng, tế bào dịch cổ trướng, dịch rửa ổ bụng dương tính.
Giai đọan II : U phát triển ở một hoặc hai bên buồng trứng xâm lấn chậu hông.
Giai đoạn IIA : U xâm lấn và hoặc di căn tới tử cung và/hoặc vòi trứng nhưng tế bào dịch cổ chướng, dịch rửa ổ bụng âm tính.
Giai đoạn IIB : U xâm lấn tới tổ chức khác trong khung chậu nhưng tế bào dịch cổ chướng, dịch rửa ổ bụng âm tính.
Giai đoạn IIC : Như giai đoạn IIA, IIB nhưng tế bào dịch cổ chướng ở bụng dương tính.
Giai đoạn III : U có ở một hoặc hai bên buồng trứng nhưng UT đã gieo rắc ra ổ bụng ngoài khung chậu hoặc di căn hạch vùng. Di căn tới bề mặt gan vẫn được tính ở giai đoạn III.
Giai đoạn IIIA : Di căn vi thể trong ổ bụng ngoài tiểu khung
Giai đoạn IIIB : Di căn đại thể trong ổ bụng vượt ra ngoài tiểu khung, đường kính lớn nhất < 2 cm.
Giai đoạn IIIC : Di căn đại thể trong ổ bụng ngoài vượt ra ngoài tiểu khung, đường kính lớn nhất > 2cm, di căn hạch vùng.
Giai đoạn IV : Di căn xa
4. ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BUỒNG TRỨNG:
4.1. Ung thư biểu mô:
4.1.1. Phẫu thuật :
– Phẫu thuật giúp đánh giá giai đoạn chính xác.
– Đối với giai đoạn IA, IB mô bệnh học loại biệt hóa tốt hoặc trung bình phẫu thuật là đủ.
– Các trường hợp còn lại cần điều trị tiếp bằng hóa chất, đôi khi xạ trị.
– Phẫu thuật kiểm tra lại sau điều trị (second-look) nay ít dùng.
4.1.2. Hóa chất:
• Một số phác đồ thường dùng:
– Phác đồ PC: Cisplatin 75mg/m2 , Paclitaxel 175mg/m2 Chu kỳ 21 ngày.
– Phác đồ Gemcitabin: Gemcitabin 800mg/m2, TM, ngày 1, 15-22 Chu kỳ 28 ngày.
– Phác đồ PAC-I: Cisplatin 50mg/m2, Doxorubicin 50mg/m2 Cyclophosphamid 750mg/m2.
Chu kỳ 21 ngày
4.1.3. Xạ trị:
Khung chậu khi có di căn.
4.2. U tế bào mầm ác tính :
4.2.1. Phẫu thuật:
– Giai đoạn I: chỉ cắt bên phần phụ tổn thương bảo tồn tử cung và phần phụ bên đối diện nếu bệnh nhân có nhu cầu sinh con.
– Giai đoạn II, III, IV: cắt toàn bộ tử cung + phần phụ hai bên. Lấy bỏ tối đa các khối u, tránh cắt bỏ các phần của hệ tiết niệu, các đoạn ruột. Đối với phụ nữ có nhu cầu sinh con rất bức thiết có thể xem xét bảo tồn tử cung và phần phụ bên đối diện.
4.2.2. Hóa chất:
– Điều trị hóa chất không có chỉ định trong trường hợp u quái không trưởng thành, độ 1 giai đoạn IA đã được phẫu thuật. Các trường hợp còn lại cần được hóa trị sau phẫu thuật. Phác đồ hóa chất thường có cisplatin.
• Liều dùng cụ thể
– Phác đồ BEP: Cisplatin 20mg/m2, Etoposid 100mg/m2, Bleomycin 20 Đvị/m2 Chu kỳ 21 ngày, 3-4 chu kỳ.
– Phác đồ PVB: Bleomycin 20 Đvị/m2, Vinblastine 12mg/m2, Cisplatin 20mg/m2 Chu kỳ 21 ngày, 3-4 chu kỳ
4.3. U đệm – dây sinh dục :
Phẫu thuật:
Giai đoạn I, bệnh nhân trẻ có nhu cầu sinh con: chỉ cắt bên phần phụ tổn thương bảo tồn tử cung và phần phụ bên đối diện.
Các trường hợp còn lại: cắt tử cung toàn bộ, phần phụ hai bên và mạc nối lớn.
4.4. Điều trị bệnh tái phát
Có tới 80-90% bệnh nhân giai đoạn III-IV sẽ tái phát về sau, vì vậy có thể lựa chọn các phương pháp sau:
– Điều trị hóa chất:
+ Hóa trị đơn chất thường được sử dụng trong UT biểu mô buồng trứng tái phát. Các thuốc thường được chọn bao gồm: gemcitabin, liposomal doxorubicin, docetaxel, topotecan, etoposid dạng uống, paclitaxel.
+ Thời gian gần đây, đặc biệt là các thuốc chống tăng sinh mạch. Bevacizumab, kháng thể đơn dòng kháng VEGF
– Xem xét phẫu thuật lấy khối u và cả phần có di căn nếu có thể được
– Điều trị hóa chất trong trường hợp không phẫu thuật được, sau đó xem xét khả năng phẫu thuật.
– Các biện pháp khác, hóa chất màng bụng, hóa chất liều cao kết hợp ghép tế bào gốc tự thân
5. TIÊN LƯỢNG :
Tỷ lệ sống sau 05 năm là:
– 73% ở giai đoạn I
– 46% ở giai đoạn II
– 19% ở giai đoạn đoạn III
– 5% ở giai đoạn IV.
6. THEO DÕI TÁI KHÁM :
.1. Tiêu chuẩn nhập viện :
– Sờ thấy khối u bất thường vùng hạ vị kèm theo có giải phẫu bệnh lý
6.2. Theo dõi:
Theo dõi UT buồng trứng sau điều trị bằng khám lâm sàng, các chất chỉ điểm u kết hợp với một số xét nghiệm khác như siêu âm ổ bụng, X-quang ngực.
Lịch kiểm tra:
– 2-4 tháng/lần trong 2 năm đầu
– 6 tháng/lần trong 3 năm tiếp theo
– Sau đó 1 năm/lần.
6.3. liêu chuẩn xuất viện:
– Bệnh ổn định sau phẫu thuật
– Bụng hết báng, hết khó thở, hết đau vùng hạ vị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GS. Nguyễn Chấn Hùng – Ung thư học nội khoa – NXB Y học Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2004 – trang 18 – 19.
2. GS. Nguyễn Bá Đức – Điều trị nội khoa bệnh ung thư – NXB Y học – Năm 2010 -trang 189 – 199.
3. Bookman MA, Brady MF, McGuire WP, et al.: Evaluation of new platinum-based treatment regimens in advanced-stage ovarian cancer: a Phase III Trial of the Gynecologic Cancer Intergroup. J Clin Oncol 27 (9): 1419-25, 2009.
4. Burger RA, Brady MF, Bookman MA, et al.: Incorporation of Bevacizumab in the primary treatment of ovarian cancer. Engl J Med 365 (26): 2473-83, 2011.
5. Perren TJ, Swart AM, Pfisterer J, et al.: A phase 3 trial of Bevacizumab in ovarian cancer. N Engl J Med 365 (26): 2484-96, 2011.
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.