ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ TÁN SỎI THẬN QUA DA ĐƯỜNG HẦM NHỎ DƯỚI HƯỚNG DẪN SIÊU ÂM VỚI HỆ THỐNG HÚT LIÊN TỤC TẠI BỆNHVIỆN ĐA KHOA GIA ĐÌNH

blank
5/5 - (1 bình chọn)

TÓM TẮT

Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả phương pháp điều trị tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm với hệ thống hút áp lực âm liên tục tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình, Đà Nẵng.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả tiến cứu 42 trường hợp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ với hệ thống hút áp lực âm liên tục tại khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình từ tháng 4/2022 – 5/2024.

Kết quả: 42 bệnh nhân (gồm 23 nam và 19 nữ), với độ tuổi trung bình: 57,5 ± 10,2 tuổi (33-83). Kích thước sỏi trung bình là: 28,1 ± 10,4 mm. Sỏi san hô và sỏi đài bể thận chiếm 71,4% trường hợp. Thời gian tán sỏi trung bình: 55,8 ± 16,5 phút (35-110). Thời gian nằm viện trung bình: 7,4 ± 1,6 ngày (5-14); có 78,6% bệnh nhân hết sỏi sau 3 tuần phẫu thuật, có 3 bệnh nhân (7,1%) còn sót sỏi được tán sỏi ngoài cơ thể 2 bệnh nhân (4,8%) nội soi ngược dòng tán sỏi bổ sung sau phẫu thuật.

- Nhà tài trợ nội dung -

Kết luận: Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ với hệ thống hút liên tục mang lại nhiều ưu điểm: an toàn, ít xâm lấn, thời gian tán sỏi nhanh, hồi phục nhanh, tỷ lệ sạch sỏi cao, ít biến chứng.

Từ khóa: Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ, mini-PCNL.

————

1Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Liên hệ tác giả: Đặng Phước Đạt Email: bsdangphuocdat@gmail.com

SUMMARY

EVALUATION OF THE EFFICACY OF ULTRASOUND-GUIDED MINI PERCUTANEOUS NEPHROLITHOTOMY WITH NEGATIVE PRESSURE SUCTION AT FAMILY HOSPITAL

Objectives: To evaluation of the efficacy of ultrasound-guided mini percutaneous nephrolithotomy with negative pressure suction at Department of Surgery – Family Hospital.

Subjects and methods: Prospective study of 42 patients  have  been operated by mini percutaneous nephrolithotomy under ultrasound guidance  for treatment of kidney stones with negative pressure suction at Family Hospital from 4-2022 to 5-2024.

Results: 42 patients (23 male and 19 female) with mean age of 57.5 ± 10,2 years (33-83 years). Mean size stone: 28.1 ± 10.4mm. Staghorn stones and pelvicalyceal stones: 71.4% of the cases. The mean lithotripsy time: 55.8 ± 16.5 minutes (the shortest was 35 minutes and the longest was 110 minutes). The mean of hospital stay: 7.4 ± 1.6 day. 78.6% patients were stone free after 3 weeks surgeon, 3 patients (7.1%) who still had residual stones treated with extracorporeal shock wave lithotripsy (ESWL) after surgery.

Conclusion: Ultrasound-guided mini percutaneous nephrolithotomy with negative pressure suction is a new, safe, quick stone fragmentation time, and less invasive traetment.

Key words: mini percutaneous nephrolithotomy, mini-PCNL.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam là nước nằm trong vùng có tỷ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu hàng đầu trên thế giới, trong đó sỏi thận chiếm khoảng 40% các trường hợp [1]. Các triệu chứng lâm sàng phổ biến của sỏi thận bao gồm tiểu máu, đau vùng hông lưng, tiểu đau, buốt rát, buồn nôn và nôn mửa, trong những trường hợp nghiêm trọng, sỏi thận có thể gây nên tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu, gây nhiễm trùng đường tiết niệu và thậm chí có thể gây suy thận, tử vong [9].

Tán sỏi thận qua da (PCNL) là phương pháp điều trị ít xâm lấn được Fernstrom và Johannson lần đầu tiên báo cáo vào năm 1976 [2]. Phương pháp này ngày càng phát triển và hoàn thiện được cả thế giới áp dụng và thay thế dần mổ mở. PCNL đã liên tục được cải tiến, từ phương pháp chọc kim dưới hướng dẫn của X-quang đến sử dụng siêu âm dẫn đường, từ đường hầm tiêu chuẩn đến đường hầm nhỏ, từ tán sỏi bằng khí nén đến tán sỏi bằng laser holmium công suất lớn…

Tuy vậy, việc bơm nước liên tục gây áp lực lên bể thận trong suốt quá trình phẫu thuật có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết và sốt sau phẫu thuật… là những vấn đề đáng ngại của các phẫu thuật viên.

Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, các dụng cụ nội soi được cải tiến thường xuyên để tăng hiệu quả điều trị, trong một vài năm gần đây việc sử dụng giá đỡ có kênh hút áp lực âm liên tục trong PCNL đã được áp dụng rộng rãi, nhằm mục đích cải thiện tỷ lệ sạch sỏi, giảm thời gian phẫu thuật, giảm các biến chứng sau phẫu thuật như sốt, sốc nhiễm trùng và mất máu [8].

Tại khoa Ngoại, bệnh viện Đa khoa Gia Đình thực hiện tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ từ năm 2022 đã sử dụng PCNL kết hợp với hút áp lực âm liên tục trong phẫu thuật điều trị sỏi thận, bước đầu cho thấy những lợi ích thiết thực của hệ thống hỗ trợ này. Do vậy, việc nghiên cứu kết quả điều trị sỏi thận bằng tán sỏi qua da với hệ thống hút áp lực âm liên tục là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu: Đánh giá kết quả phẫu thuật tán sỏi thận qua da với hệ thống hút liên tục tại Bệnh viện đa khoa Gia Đình.

II. ĐỐI  TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu:

Bao gồm 42 bệnh nhân được tán sỏi thận qua da có hệ thống hút liên tục tại khoa Ngoại – Bệnh viện đa khoa Gia Đình từ 4/2022 – 5/2024.

1.1 Tiêu chuẩn lựa chọn:

Bệnh  nhân có  sỏi thận hoặc sỏi thận – niệu quản đoạn 1/3 trên cùng bên được tán sỏi qua da đường hầm nhỏ dưới hướng  dẫn  siêu  âm  tại  khoa  Ngoại – Bệnh viện Gia Đình.

1.2 Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Bệnh lý nội khoa mạn tính chưa được kiểm soát như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn đông máu, suy tim, suy gan, … hoặc có thai.

+ Nhiễm khuẩn tiết niệu chưa điều trị ổn định.

+  Bất  thường  giải  phẫu  học:  thận  móng ngựa,  thận  duy  nhất,  thận  lạc  chỗ,  thận  xoay không  hoàn  toàn, phình động mạch thận, động mạch chủ bụng, gù vẹo cột sống hoặc khối u thận.

+ Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu. Bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Bệnh nhân không đủ hồ sơ bệnh án.

2. Phương pháp nghiên cứu:

Nghiên cứu mô tả tiến cứu theo dõi dọc, không đối chứng.

3. Quy trình phẫu thuật.

Chuẩn bị trước mổ: 100% bệnh nhân sỏi thận được chụp CLVT, các xét nghiệm tiền phẫu: công thức máu, nhóm máu, đông máu, sinh hóa máu, điện tim, X-quang tim phổi, xét nghiệm nước tiểu, soi nước tiểu nhuộm gram, cấy nước tiểu làm kháng sinh đồ, bắt bộc điều trị ổn nhiễm khuẩn đường tiết niệu trước phẫu thuật. Bệnh nhân được giải thích các vấn đề liên quan đến quy trình phẫu thuật, các tai biến, biến chứng. Phương tiện phẫu thuật: Dàn máy nội soi hãng Karl-Storz, máy tán laser 80W, ống nội soi bán cứng, máy bơm và hút nước, rọ lấy sỏi Dormia, kim chọc dò, bộ nong nhựa 6-18Fr và Amplatz 18Fr có 2 kênh tán và hút liên tục, dây dẫn đường PTFE, vằn 0,035 đầu thẳng và đầu cong, catheter NQ, ống thông Double J 6 – 7Fr, dung dịch rửa NaCl 9‰.

Phương pháp vô cảm: Gây mê toàn thân.

Phẫu thuật: Tư thế sản khoa. Đặt ống soi bán cứng lên niệu quản bên có sỏi thận, đặt 2 guidewide lên. Đặt sonde JJ và catheter NQ qua guidewide, đặt sonde tiểu cố định cathter. Đặt bệnh nhân qua tư thế nằm nghiêng. Tiến hành chọc dò đài bể thận dưới hướng dẫn siêu âm, đặt guidewire, rạch da, nong đường hầm vào đài bể thận đến cỡ nòng 18Fr, đặt Amplatz 18Fr, đặt máy soi thận tìm sỏi, sử dụng hệ thống hút liên tục giúp tuần hoàn dịch rửa trong đài bể thận. Sau khi thấy sỏi, điều chỉnh đầu laser để tán sỏi vỡ nhỏ, hút và lấy các mảnh sỏi ra ngoài. Siêu âm kiểm tra lại sỏi. Rút catheter NQ, rút máy, đặt dẫn lưu thận, khâu da và kết thúc phẫu thuật.

4. Theo dõi bệnh nhân sau tán sỏi

100% bệnh nhân được chụp X-quang hệ tiết niệu sau mổ ngày thứ 2. Tư vấn tán sỏi qua da lần 2 trong trường hợp còn nhiều mảnh sỏi kích thước lớn.

100% bệnh nhân được tái khám tại thời điểm sau mổ 3 tuần: Được khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị. Nếu thời điểm khám lại 3 tuần kiểm tra hết sỏi thì được rút JJ tại thời điểm đó. Nếu còn mảnh sỏi thì tư vấn tán sỏi ngoài cơ thể bổ sung và tái khám sau 1-2 tuần rút sonde JJ.

5. Các chỉ tiêu nghiên cứu:

Đặc điểm chung: Tuổi, giới, cân nặng, chiều cao, tiền sử liên quan đến các can thiệp sỏi thận, triệu chứng lâm sàng, đặc điểm sỏi thận (vị trí sỏi trong thận, kích thước sỏi đo được trên phim CT-scan, mức độ thận ứ nước của đài bể thận).

Kết quả điều trị: Thời gian thực hiện tán sỏi, Số ngày nằm viện.

Biến chứng: Sốt, nhiễm khuẩn, chảy máu, tụ dịch quanh thận …

Tỷ lệ sạch sỏi sau mổ 3 tuần.

Đánh giá hết sỏi khi: Kiểm tra bể thận và các đài thận hết sỏi, chụp phim Xquang hệ tiết niệu hết sỏi hoặc còn mảnh sỏi nhỏ ≤ 4mm.

Không hết sỏi khi: Không tiếp cận được sỏi, không tán được sỏi; Tán được sỏi nhưng còn sót sỏi >4mm.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Qua nghiên cứu 42 bệnh nhân sỏi thận được tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ dụng hệ thống hút liên tục tại khoa Ngoại – Bệnh viện đa khoa Gia Đình từ 4/2022- 5/2024, cho kết quả:

Đặc điểm chung:

Độ tuổi trung bình là: 57,5 ± 10,2 tuổi (33-83)

Tỷ lệ nam có 23 trường hợp chiếm 54,8%, nữ có 19 trường hợp chiếm 45,2%.

34 BN (81,0%) có chỉ số BMI bình thường, 8 BN (19,0%) có  thừa cân, béo phì.

Đặc điểm lâm sàng:

 Số trường hợpTỷ lệ so với mẫu 22 TH
Tiền sử can thiệp sỏi:  
– Mổ hở lấy sỏi1638,1%
– Tán sỏi ngoài cơ thể24,8%
 – Phẫu thuật nội soi hông lưng24,8%
– Tán sỏi ngược dòng12,4%
  Triệu chứng đi khám bệnh:  
– Đau hông lưng bên có sỏi3890,5%
–  Đái máu1535,7%
– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu1023,8%

Đặc điểm của sỏi thận:

Kích thước sỏi trung bình là: 28,1 ± 10,4 mm (11-54 mm)

100% sỏi can quang trên phim chụp KUB.

Vị trí sỏi:  
– Đài thận511,9%
– Bể thận37,1%
– Đài bể thận1433,3%
– Đài bể thận và niệu quản49,5%
– Sỏi san hô1638,1%
  Độ ứ nước của đài bể thận:  
– Không ứ nước1535,7%
– Độ I1126,2%
– Độ II921,4%
– Độ III716,7%
   

Kết quả điều trị:

– 100% tạo được đường hầm vào đài bể thận, tiếp cận được sỏi và tán sỏi bằng laser. – Số đường hầm vào thận là 1. Vị trí chọc kim đa số là đài giữa chiếm 90,5% (38 trường hợp).
– Thời gian tán sỏi trung bình:55,8 ± 16,5 phút (35-110)
– Thời gian nằm viện trung bình: 7,4 ± 1,6 ngày (5-14)
– Bệnh nhân hết sỏi sau 3 tuần phẫu thuật:33 BN (78,6%)
– Tán sỏi ngoài cơ thể bổ sung sau phẫu thuật:03 BN (7,1%)
– Tán sỏi nội soi ngược dòng bổ sung sau phẫu thuật:02 BN (4,8%)

Tai biến, biến chứng sau phẫu thuật:

– Sốt, nhiễm khuẩn:03 BN (7,1%)
– Sốc nhiễm khuẩn:01 BN (2,4%)
– Tụ dịch quanh thận: 01 BN (2,4%)

IV. BÀN LUẬN

Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 57,5 ± 10,2 tuổi (33-83 tuổi), nam giới chiếm 54,8%, nữ giới chiếm 45,2%. Kết quả nghiên cứu tương đương với các tác giả trong và ngoài nước [3, 6]. Trước khi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ, 21 BN (50%) có tiền căn đã có ít nhất một lần can thiệp điều trị đối với sỏi thận, trong đó 16 BN (38,1%) có tiền căn mổ hở lấy sỏi, 02 BN (4,8%) đã tán sỏi ngoài cơ thể. Triệu chứng đau hông lưng bên có sỏi là phổ biến nhất có ở 38 BN (90,5%). Kích thước sỏi trung bình trong nghiên cứu là 28,1 ± 10,4 mm (11-54 mm). 100% sỏi cản quang trên phim chụp KUB. Sỏi san hô và sỏi đài bể thận chiếm 71,4% trường hợp. Tương đồng với nghiên cứu của Hoàng Văn Thiệp và cộng sự 2020 [7], kích thước sỏi trung bình là 28,96 ± 10,61 mm, vị trí sỏi thường gặp là sỏi đài bể thận 80,6%. Các nghiên cứu khác cũng lựa chọn nhóm bệnh nhân thực hiện tán sỏi thận qua da có kích thước sỏi trên 2,5 cm [4, 6]. Trong nghiên cứu 100% tạo được đường hầm vào đài bể thận, tiếp cận được sỏi và tán sỏi bằng laser, số đường hầm vào thận là 01, vị trí chọc kim đa số là đài giữa chiếm 90,5% (38 trường hợp). Thời gian tán sỏi trung bình của nghiên cứu là 55,8 ± 16,5 phút (35-110). Theo Nguyễn Minh An và cộng sự, thời gian tán sỏi trung bình là 57,94 ± 17,0 phút, ngắn nhất là 35 phút, dài nhất là 100 phút [6]. Thời gian nằm viện trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 7,4 ± 1,6 ngày (5-14). Tỷ lệ sạch sỏi trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu sau mổ 3 tuần chiếm 78,6%. Tỷ lệ sạch sỏi sau phẫu thuật có sự khác biệt ở các nghiên cứu, theo nghiên cứu của Hoàng Long [4] tỷ lệ sạch sỏi sau lần phẫu thuật thứ nhất và thứ 2 lần lượt là 83,3% và 89,9%, theo nghiên cứu của Hoàng Văn Thiệp [7] tỷ lệ sạch sỏi sau 1 tháng 63,3%, nghiên cứu của Lê Ngọc Huy [5] tỉ lệ sạch sỏi sau phẫu thuật là 80,42%.

Trong nhóm bệnh nhân nghiên  cứu, có 01 trường hợp (2,4%) sốc do nhiễm khuẩn huyết và tụ dịch nhiều quanh thận, nguyên nhân có thể do sỏi bệnh nhân có sỏi kích thước lớn, bệnh nhân tiền sử đã nhiều đợt viêm thận bể thận do sỏi. Phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm với hệ thống hút áp lực âm liên tục giúp cải thiện tỷ lệ sạch sỏi, rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm các biến chứng sau mổ, giảm mất máu trong quá trình phẫu thuật nhờ vào dịch rửa trong đài bể thận được thay thế liên tục, giúp phẫu trường rõ, các mảnh sỏi và máu cục được hút ra liên tục, nhanh chóng và thuận tiện, giảm thời gian phẫu thuật, giảm áp lực lên đài bể thận giúp hạn chế các biến chứng sau mổ [8].

V. KẾT LUẬN

Qua đánh giá kết quả bước đầu 42 trường hợp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm với hệ thống hút áp lực âm liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình bước đầu tán sỏi thận đạt hiệu quả sạch sỏi cao 78,6% sau 3 tuần, thời gian tán sỏi nhanh, ít biến chứng. Đây là một lựa chọn điều trị sỏi thận  an toàn và hiệu quả và có thể thực hiện thường quy tại các bệnh viện.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Văn Hinh (2013), “Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh sỏi tiết niệu”

2. I. Fernström và B. Johansson (1976), “Percutaneous pyelolithotomy. A new extraction technique”, Scand J Urol Nephrol. 10(3), tr. 257-9.

3. Trịnh Hoàng Hoan và các cộng sự. (2024), “Đánh giá kết quả điều trị sỏi thận san hô bằng phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ tại bệnh viện Bưu Điện”, Tạp chí Y học Việt Nam. 534(1B).

4. Hoàng Long và các cộng sự. (2020), “Kết quả tán sỏi qua da qua đường hầm nhỏ tư thế nằm nghiêng dưới hướng dẫn của siêu âm”, Tạp chí nghiên cứu y học. 134, tr. 10.

5. Lê Huy Ngọc, Trần Văn Hinh và Phạm Quang Vinh (2024), “Đánh giá kết quả điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ tại Bệnh viện Quân Y 103”, Tạp chí Y học Việt Nam. 534(1).

6. Minh An Nguyễn và Hải Hùng Đỗ (2021), “Đánh giá kết quả điều trị sỏi thận san hô bằng phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương năm 2020”, Tạp chí Y học Việt Nam. 503(2).

7. Hoàng Văn Thiệp và các cộng sự. (2023), “Kết quả tán sỏi qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm điều trị sỏi thận tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên”, Tạp chí Y học Việt Nam. 524(1A).

8.         Li X (2008), “Minimally invasive percutaneous nephrolithotomy”, The Chinese Journal of Urology. 29, tr. 656.

9. Liu Y Zhang Y. (2020), “Meta-analysis of the treatment effects of three different minimally invasive kidney stones.  2020;4:174-176+194.”, Systems Medicine. 4, tr. 174-176+194.