Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo

blank
5/5 - (7 bình chọn)

Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo Hẹp niệu quản và hẹp niệu đạo là những bệnh lý tương đối phổ biến và còn nhiều thách thức trong điều trị, hẹp niệu quản là tình trạng tắc nghẽn ở một hoặc cả hai ống niệu quản dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang, hẹp niệu đạo là tình trạng tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Có rất nhiều phương pháp điều trị các bệnh lý này như: Nong niệu quản – niệu đạo, xẻ rộng niệu quản – niệu đạo, phẫu thuật tạo hình … tuy nhiên các phương pháp này hiện tại tỷ lệ tái phát cao và là những phương pháp can thiệp xâm lấn.

Xu hướng điều trị can thiệp tối thiểu hiện tại trong tiết niệu ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong đó đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo ngày nay được xem là phương pháp an toàn, hiệu quả, ít xâm lấn để điều trị hẹp niệu quảnhẹp niệu đạo. Sau đây cùng BS Đặng Phước Đạt tìm hiểu về phương pháp điều trị mới này nhé!

Stent niệu đạo, niệu quản là gì?

Stent là một khung đỡ được làm bằng từ vật liệu kim loại đặt trong lòng động niệu quản hoặc niệu đạo, với mục đích giúp mở rộng lòng niệu quản – niệu đạo và giữ cho chúng không bị hẹp lại. Mỗi loại stent có cấu trúc, độ dài, đường kính khác nhau tùy theo từng nhà sản xuất.

Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Hình ảnh Stent dùng điều trị hẹp niệu quản và niệu đạo

Vai trò của stent niệu đạo, niệu quản là gì?

Stent đặt trong lòng niệu quản hoặc niệu đạo giúp nâng đỡ thành niệu quản, niệu đạo giữ cho chúng không bị hẹp, giúp nước tiểu lưu thông được qua vị trí hẹp. Sau thời gian khoảng 3 – 6 tháng khi lớp niêm mạc trong lòng niệu quản và niệu đạo đã phát triển hoàn thiện có thể nội soi ngược dòng rút stent ra và theo dõi tình trạng ứ nước ở thận và tình trạng đi tiểu của bệnh nhân.

Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo

Quy trình kỹ thuật đặt stent niệu quản, niệu đạo dưới X quang điều trị hẹp niệu đạo và hẹp niệu quản.

Chuẩn bị

Để thực hiện thủ thuật đặt stent kim loại niệu quản, niệu đạo dưới X quang tăng sáng cần chuẩn bị:

Ekip thực hiện:

  • 1 Bác sĩ chuyên khoa ngoại tiết niệu, 1 bác sĩ phụ bác sĩ chính.
  • Kỹ thuật viên điện quang vận hành máy C-arm.
  • Điều dưỡng phụ dụng cụ.
  • Bác sĩ/kỹ thuật viên gây mê toàn thân.

Phương tiện sử dụng:

  • Máy X quang tăng sáng truyền hình (Fluoroscopy).
  • Phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh.
  • Bộ áo chì, tạp dề giúp che chắn khỏi tia X.
  • Máy siêu âm đầu dò phẳng và cong.
  • Túi nilon vô khuẩn bọc đầu dò siêu âm
  • Thuốc: Gồm thuốc gây tê tại chỗ, gây mê toàn thân (nếu cần), thuốc đối quang Iod tan trong nước, dung dịch sát khuẩn da và vùng niêm mạc.
  • Vật tư y tế thông thường: Bơm tiêm 5,10ml, nước cất (nước muối sinh lý), trang phục phẫu thuật; bộ can thiệp vô trùng (dao, kéo, kẹp, khay đựng dụng cụ…), bông gạc, băng dính phẫu thuật; hộp thuốc và hộp cấp cứu tai biến.

Vật tư y tế đặc biệt:

  • Stent kim loại các kích cỡ của hãng Uventa
  • Dây dẫn đường tiêu chuẩn 0.035’’
  • Ống thông niệu quản (Double J) 6-8F chiều dài 22-28cm.
  • Dây nối bơm thuốc

Người bệnh cần chuẩn bị:

  • Được giải thích cụ thể về thủ thuật để phối hợp với bác sĩ.
  • Thực hiện khám lâm sàng trước thủ thuật.
  • Nhịn ăn, uống trước 6 giờ. Không uống quá 50ml nước.
  • Tại phòng can thiệp: bệnh nhân được ngửa kê cao 2 chân. Bác sĩ lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, điện tâm đồ, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi.
  • Khoảng 7-14 ngày trước khi đặt đặt stent kim loại niệu quản (Metallic stents) ngược dòng qua ngã niệu đạo, người bệnh cần được đặt sonde JJ để xẻ rộng vị trí hẹp và giúp đường niệu quản giãn rộng.
  • Bệnh nhân cần nhịn ăn, uống trước 6 tiếng
  • Quy trình đặt stent niệu quản (Double-J)

Các bước thực hiện đặt stent kim loại điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo

Bước 1: Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng

Đặt dây dẫn đường 0.035’’ vào niệu quản lên tới bể thận, đặt catheter theo dây dẫn đường lên tới bể thận.

Qua ống catheter đặt trong niệu quản, bơm thuốc cản quang để chụp hình ảnh niệu quản, bể thận.

Đánh giá vị trí, độ dài của đoạn niệu quản hẹp.

Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo

Bước 2: Đặt dụng cụ đẩy stent

Rút catheter niệu quản, đặt dụng cụ đẩy stent theo dây dẫn đường vào niệu quản ngược dòng lên bể thận.

Dưới hình ảnh X-quang xác định hai vị trí được đánh dấu đầu và cuối cuối, đảm bảo vị trí niệu quản hẹp nằm giữa 2 vị trí đã được đánh dấu, lựa chọn độ dài stent phù hợp tối thiểu cách mỗi đầu cách 2 cm so với vị trí hẹp.

Trường hợp đoạn hẹp dài có thể cần đặt nhiều hơn một stent kim loại niệu quản.

Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo

Bước 3: Đặt stent kim loại niệu quản

Mở khoá an toàn dụng cụ đẩy stent.

Kéo chậm vỏ ngoài của dụng cụ đẩy về phía sau.

Dưới màn huỳnh quang thấy được hình ảnh stent được mở dần dần từ trên xuống dưới.

Rút dụng cụ đẩy stent ra ngoài

Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo
Đặt stent điều trị hẹp niệu quản, niệu đạo

Bước 4: Kiểm tra lại vị trí đặt stent

Soi hoặc chụp lại film kiểm tra tình trạng lưu thông của niệu quản sau đặt stent niệu quản.

Đặt sonde tiểu lưu.

Kết thúc quá trình phẫu thuật.

Lưu ý sau đặt stent kim loại niệu đạo, niệu quản

Người bệnh vẫn có thể đi làm, tham gia các môn thể thao, đi du lịch, sinh hoạt tình dục.. bình thường sau khi đặt stent niệu quản, niệu đạo. Bệnh nhân có thể tăng số lần đi tiểu sau đặt stent kim loại niệu đạo.

Khi đang đặt stent kim loại niệu quản, niệu đạo người bệnh nên uống ít nhất 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Theo dõi và báo ngay cho bác sĩ nếu thấy các triệu chứng khó chịu như:

  • Đau vùng hông lưng hoặc vùng bụng dưới thường xuyên và không thể chịu đựng nổi do Stent.
  • Có dấu hiệu của nhiễm khuẩn đường tiết niệu (sốt, lạnh, khó chịu, đau rát khi đi tiểu).
  • Stent rơi ra ngoài.
  • Tần suất đi tiểu ra máu gia tăng một cách đáng kể.

Biến chứng sau phẫu thuật và hướng xử lý

Sau thủ thuật, có nhiều bệnh nhân có thể dung nạp Stent dễ dàng. Số khác lại gặp một số tác dụng phụ như:

  • Nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết: chỉ định dùng kháng sinh toàn thân.
  • Tiểu thường xuyên: Đặt stent niệu đạo, niệu quản có thể gây kích thích bàng quang và khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn. Các triệu chứng này hoàn toàn bình thường và sẽ được cải thiện sau khi dùng thuốc.
  • Stent lệch khỏi vị trí: Ở trường hợp này, Stent thường di chuyển dần xuống bàng quang và gây ra các biểu hiện nặng hơn như đau, khó chịu ở vùng hông lưng, bàng quang, bẹn, dương vật… đi kèm với tiểu lắt nhắt và tiểu ra máu.
  • Tiểu máu do chảy máu từ bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo.

Các tác dụng phụ này có thể chỉ tồn tại trong vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên sau khi đặt stent kim loại niệu đạo, niệu quản. Một số bệnh nhân lại nhận thấy các triệu chứng này kéo dài trong suốt thời gian Stent có trong cơ thể. Thường các tác dụng phụ này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi rút Stent.

Stent kim loại niệu quản, niệu đạo được lấy ra bằng ống nội soi bàng quang, niệu quản sau thời gian đặt khoảng 3-6 tháng. Bác sĩ sẽ nội soi qua đường niệu đạo và gắp và rút Stent ra ngoài.

Bs Đặng Phước Đạt – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng