PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO TRẺ KHÓ KHĂN VỀ ĂN NUỐT
I. ĐẠI CƯƠNG
Khó khăn về ăn và nuốt xảy ra khi:
• Các cấu trúc cơ thể phần hầu họng bị dị tật.
• Não bộ bị khiếm khuyết về thần kinh.
• Cảm nhận của các giác quan, đặc biệt là cảm giác của vùng miệng quá nhạy cảm hoặc giảm cảm nhận.
• Có những vấn đề về hành vi, tâm lý liên quan đến bữa ăn chẳng hạn như quá căng thẳng, hậu quả của việc ép ăn hoặc thờ ơ xao lãng trong khi ăn.
Những nguyên nhân này có thể gây ra những khó khăn cho trẻ như: khó mút bú vú mẹ, khó chủ động lấy thức ăn từ muỗng, ly; nhai khó, nuốt khó, ho, hít sặc; khó chấp nhận thức ăn mới và kết cấu thức ăn thay đổi; chậm hoặc không lên cân và tâm lý trong bữa ăn trở nên đau khổ, bữa ăn không còn vui vẻ. Trẻ có những khó khăn nêu trên được gọi là trẻ có khó khăn về ăn nuốt.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Hỏi bệnh
• Tiền sử: sinh non, sinh ngạt, nhẹ cân, xuất huyết não, sau sanh có điều trị Hồi Sức Sơ Sinh.
• Có dị tật ở môi, ở vòm hầu, hội chứng Pierre Robin và cách xử trí.
• Quá trình phát triển: có bất thường phát triển về ăn uống, vận động, giao tiếp và lời nói; khó tăng cân.
• Nhu cầu chăm sóc đặc biệt: có nuôi ăn qua sonde, thời gian ăn qua sonde kéo dài, có sử dụng bình bú đặc biệt.
• Chuyển đổi kết cấu thức ăn: trẻ khó chấp nhận thức ăn mới.
• Cách cho ăn: thái độ và sự hiểu biết của người cho ăn.
• Các vấn đề khác: trào ngược dạ dày thực quản, các bệnh lý khác đi kèm.
2. Khám lâm sàng
a. Lượng giá sức mạnh các cơ, độ linh hoạt và sự cân xứng của
• Môi.
• Má.
• Lưỡi.
b. Răng
• Răng tốt hay xấu, có sâu răng không.
• Đã có đủ răng chưa.
• Vị trí cấu trúc của hàm: hô, lẹm, có bị lệch khớp cắn?
c. Vòm miệng
• Quan sát lúc nghỉ: có bị chẻ vòm hầu không? vòm cứng hay vòm mềm? một phần hay toàn phần? Cử động của ngạc mềm khi nói “a”.
• Phản xạ họng: phản xạ ụa quá nhạy hoặc không có?
– Vận động miệng hầu:
+ Giai đoạn chuẩn bị ở miệng hoạt động: cách chủ động lấy thức ăn từ muỗng. Có biết uống bằng ly?
+ Giai đoạn miệng hoạt động: cách nhai; trệu trạo hay nhai tốt? Thức ăn có bị còn lại sau khi nuốt.
+ Giai đoạn hầu hoạt động: hoạt động nâng thanh quản, vấn đề sặc, ho và giọng nói đục và ẩm sau khi nuốt.
– Trương lực cơ: có bất thường vùng mặt, miệng và toàn thân.
– Cảm giác: tăng hoặc quá nhạy cảm vùng mặt, miệng.
– Thính lực: khả năng nghe của trẻ.
– Kết hợp thông tin từ các chuyên khoa:
+ Tai-Mũi-Họng.
+ Răng-Hàm-Mặt.
+ Nội Thần Kinh.
+ Tiêu Hóa.
+ Dinh Dưỡng.
Chẩn đoán xác định: khó khăn về chức năng ăn nuốt, liên quan đến hoạt động của các cơ quan vận động, cảm giác và thần kinh của các giai đoạn ăn và nuốt đó là giai đoạn chuẩn bị ở miệng, giai đoạn hầu – thực quản.
Chẩn đoán phân biệt: khó khăn về ăn do bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, bệnh chuyển hóa.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
• Đối với nguyên nhân thực thể: đảm bảo an toàn trong khi cho ăn và dinh dưỡng cho trẻ.
• Đối với khiếm khuyết thần kinh: đảm bảo an toàn trong khi cho ăn, trẻ phải được chuẩn bị tốt các vấn đề liên quan đến vận động cũng như cảm nhận của các giác quan là tư thế ngồi ăn, hỗ trợ nâng hoạt động của khớp hàm, cử động của môi, lưỡi, làm bình thường cảm nhận của các giác quan. Tổ chức “Bữa ăn vui vẻ” để cải thiện tâm lý của trẻ.
2. Điều trị ban đầu
a. Điều trị sớm: có thể can thiệp vấn đề ăn ngay khi trẻ còn đang ăn qua sonde
b. Điều trị đặc hiệu
• Nguyên nhân thực thể:
– Chẻ vòm:
+ Tư thế chức năng khi ăn: ẵm trẻ đầu cao hơi gập, hai tay ra phía trước, phần thân được ổn định.
+ Hỗ trợ trẻ mút bú bằng bình bú đặc biệt, ăn bằng muỗng.
+ Cho trẻ ợ hơi thường xuyên.
+ Đảm bảo đủ lượng sữa trong ngày cho trẻ (150 ml/1 kg cân nặng/ngày). + Theo dõi cân nặng.
– Hội chứng Pierre Robin:
+ Tư thế đúng khi ăn: đặt trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp với đầu cao.
+ Hỗ trợ trẻ mút bú bằng bình bú đặc biệt, ăn bằng muỗng.
+ Cho trẻ ợ hơi thường xuyên.
+ Đảm bảo đủ lượng sữa trong ngày cho trẻ (150 ml/1 kg cân nặng/ngày). + Theo dõi cân nặng.
• Nguy cơ do khiếm khuyết thần kinh:
– Bại não:
+ Tư thế đúng khi ăn: đầu hơi gập, hai tay trước mặt, ngồi bàn chân được nâng đỡ.
+ Hỗ trợ khớp hàm và vận động cho môi, má, lưỡi.
+ Sử dụng kỹ thuật “Điều khiển hàm” tập với mẫu ăn đúng: muỗng chạm môi trên – chờ đợi để lưỡi lấy thức ăn vào miệng – môi ngậm và hàm đóng để thực hiện họat động nhai.
+ Cùng với các dụng cụ trợ giúp: muỗng đặc biệt, ly đặc biệt, ghế ngồi có nâng đỡ.
+ Kết cấu thức ăn phù hợp: sệt, đặc, lợn cợn, cứng.
• Các vấn đề về hành vi:
– Rối loạn phổ tự kỷ và khó khăn về ăn uống do hành vi:
+ Tổ chức “bữa ăn vui vẻ”: cảm nhận dễ chịu, thoải mái với bữa ăn.
+ Làm bình thường cảm nhận của các giác quan: đặc biệt giác quan sờ chạm: xoa bóp từ xa đến mặt và trong miệng.
+ Ăn những thức ăn trẻ thích, làm quen từ từ các thức ăn mới.
3. Điều trị tiếp theo
• Chẻ vòm và Hội chứng Pierre Robin: bệnh nhân được theo dõi định kỳ tại khoa Răng Hàm Mặt để có chỉ định phẫu thuật sửa chữa và sau đó lại tiếp tục điều trị Âm ngữ trị liệu.
• Bại não: theo dõi và phối hợp điều trị với chuyên khoa Nội Thần Kinh, Âm ngữ trị liệu.
• Rối loạn phổ tự kỷ và khó khăn về ăn uống do hành vi: theo dõi và Âm ngữ trị liệu.
IV.THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Phối hợp với các chuyên khoa liên quan để bảo đảm cải thiện cả về chức năng, sức khỏe và dinh dưỡng.
LƯU ĐỒ XỬ TRÍ KHÓ KHĂN VỀ ĂN NUỐT
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.