ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG PHỎNG VÀ DI CHỨNG SẸO Ở TRẺ EM

blank
Đánh giá nội dung:

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG PHỎNG VÀ DI CHỨNG SẸO Ở TRẺ EM

I. ĐỊNH NGHĨA

Phỏng là sự tổn hại da do các tác nhân như nhiệt, hóa chất, điện hay bức xạ.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Hỏi bệnh

- Nhà tài trợ nội dung -

• Nguyên nhân gây phỏng, thời điểm bị phỏng.

• Can thiệp hoặc điều trị trước đó.

2. Lượng giá chung VLTL

• Vị trí phỏng, diện tích phỏng, độ phỏng (tham khảo bệnh án điều trị, hoặc giấy xuất viện, hỏi thời gian lành sẹo)

• Tình trạng hô hấp nếu phỏng vùng mặt – cổ, ngực.

• Tình trạng vết phỏng hiện tại.

• Tầm vận động khớp liên quan đến vùng phỏng: chủ động và thụ động.

• Co rút và biến dạng.

• Tình trạng sẹo phỏng, da ghép:

– Đánh giá màu sắc, mức độ lồi, tính di động, sẹo có bị khô tróc không.

– Vấn đề tăng cảm giác đau, ngứa ở vùng phỏng lành hoặc da ghép.

• Chức năng: chức năng di chuyển, sinh hoạt, chức năng hai tay.

III. ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

1. Giai đoạn hồi sức

Bắt đầu 48 giờ sau khi phỏng:

• Ngăn ngừa biến chứng phổi: VLTL hô hấp, chú ý dùng các kỹ thuật cần sự hợp tác của trẻ.

• Giảm phù nề: kê chi cao.

• Duy trì tính di động của khớp: vận động thụ động và chủ động có trợ giúp chậm và nhẹ nhàng.

• Duy trì tư thế chức năng: tư thế đúng ngăn ngừa co rút.

• Cho bệnh nhân ngồi sớm khi tình trạng cho phép.

2. Giai đoạn cấp

• Duy trì sự dãn dài của vùng da đang lành và tầm vận động khớp liên quan: kéo dãn các vùng phỏng.

• Duy trì và gia tăng sức mạnh cơ: vận động chủ động và vận động có đề kháng.

• Độc lập trong di chuyển và sinh hoạt: huấn luyện khả năng di chuyển, trò chơi tập luyện bàn tay.

• Ngăn ngừa co rút, biến dạng: nẹp kéo dãn, nẹp chức năng, tư thế đúng.

• Áp dụng sớm việc băng ép, cọ sâu làm mềm sẹo và thoa kem giữ ẩm sẹo trên những vùng phỏng vừa mới lành.

• Trong trường hợp ghép da:

– Vận động nhẹ nhàng bắt đầu được thực hiện sau 5 ngày hoặc khi có chỉ định của bác sĩ.

– Trong thời gian trước đó thực hiện bài tập gồng cơ ở vùng chi mới được ghép da.

3. Giai đoạn phục hồi

Điều trị tại nhà và tái khám:

• Gia tăng tầm vận động khớp.

• Ngăn ngừa co rút, biến dạng.

• Phục hồi chức năng di chuyển và sinh hoạt.

• Xử trí sẹo phỏng:

– Ngăn ngừa sẹo lồi: băng thun ép 23/24 giờ mỗi ngày hoặc mặc quần áo áp suất, mang mặt nạ áp suất.

– Ngăn ngừa co rút: kéo dãn sẹo, nẹp giữ tư thế chức năng, tập mạnh những nhóm cơ đối kháng với sẹo co rút.

– Tăng tính di động của sẹo phỏng: massage với kỹ thuật cọ sâu sẹo.

– Làm mềm sẹo: thoa loại kem dưỡng ẩm lên vùng sẹo.

– Bình thường vấn đề tăng cảm giác đau: huấn luyện thu nhận các cảm giác sờ chạm, cảm giác xúc giác với cường độ tiếp xúc bình thường.

– Giảm ngứa: chườm lạnh và thoa kem dưỡng ẩm.

– Thời gian quản lý sẹo phỏng đối với trẻ em là 2 năm kể từ khi phỏng lành.

IV. ĐỀ PHÒNG TAI BIẾN KHI TẬP LUYỆN

• Ngăn ngừa nhiễm trùng: tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc vô trùng.

• Tránh sốc do đau: tập luyện nhẹ nhàng, tăng tiến từ từ phù hợp với ngưỡng chịu đau của bệnh nhân.

• Tránh kéo dãn quá mức trong giai đoạn vết phỏng đang lành vì có thể làm rách các cấu trúc tân tạo, làm chậm tiến trình lành thương.

• Ngừa tổn thương các mạch máu tân tạo hai chi dưới khi bắt đầu tập đứng cho bệnh nhân: băng ép hai chân và cho tập đứng từ từ.

• Sự đè ép của nẹp có thể gây cản trở tuần hoàn hoặc đè cấn, nên kiểm tra nẹp thường xuyên và thay đổi nẹp theo tình trạng bệnh nhân.

V. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

• Lượng giá tình trạng sẹo, co rút biến dạng, chức năng di chuyển, sinh hoạt mỗi lần tái khám.

• Tái khám, theo dõi cho đến 2 năm sau kể từ khi vết phỏng lành.

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com