ĐIỀU TRỊ SA NIÊM MẠC NIỆU ĐẠO Ở TRẺ EM

blank
Đánh giá nội dung:

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ  SA NIÊM MẠC NIỆU ĐẠO Ở TRẺ EM

I. ĐẠI CƯƠNG

• Sa niêm mạc niệu đạo là tình trạng niêm mạc niệu đạo trồi ra ngoài quanh miệng sáo.

• ít gặp, tần suất 1/3000 trẻ gái sinh ra, thường lứa tuổi 6 – 9 tuổi.

- Nhà tài trợ nội dung -

• Nguyên nhân chưa xác định, có thể bẩm sinh hoặc mắc phải. Khiếm khuyết bẩm sinh có thể là niệu đạo bất thường, rối loạn thần kinh cơ, suy yếu các cấu trúc vùng chậu. Mắc phải như chấn thương vùng sinh dục, tăng áp lực ổ bụng, táo bón kinh niên, dị vật âm đạo, viêm âm đạo.

• Sa niêm mạc niệu đạo gây ra chảy máu chỗ niêm mạc sa do cọ xát. Ngoài ra khối niêm mạc sa có thể hoại tử gây hẹp lỗ tiểu về sau.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi bệnh: bệnh nhân đến khám vì chảy máu âm hộ hoặc phát hiện có một khối bất thường ở âm hộ.

b. Khám lâm sàng

• Trước hết đặt thông tiểu, thấy quanh lỗ tiểu là một khối niêm mạc sa ra ngoài âm hộ, phần trung tâm của chồi niêm mạc sa là lỗ tiểu; chồi niêm mạc sa ở trạng thái sung huyết hoặc xuất huyết.

• Có thể có triệu chứng tiểu đau, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt đi kèm ở những trường hợp sa niêm mạc niệu đạo bị tắc nghẽn.

c. Cận lâm sàng: siêu âm tìm dị tật kết hợp.

2. Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng.

3. Chẩn đoán phân biệt

• Tiểu máu.

• Chấn thương âm hộ, vết thương âm hộ.

• Nang cạnh lỗ tiểu.

• Nang niệu quản lòi ra ngoài âm hộ.

• Polype âm đạo.

II. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị sớm nhằm giải quyết tình trạng chảy máu do sa niêm mạc niệu đạo gây ra. Có chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi có tình trạng chảy máu nhiều.

2. Điều trị trước phẫu thuật

• Xét nghiệm: công thức máu, TS – TC, tổng phân tích nước tiểu.

• Dặn nhịn ăn uống chờ phẫu thuật cấp cứu.

• Kháng sinh phòng ngừa trước hoặc trong lúc phẫu thuật.

3. Điều trị phẫu thuật

a. Nguyên tắc phẫu thuật: cắt niêm mạc niệu đạo bị sa.

b. Kỹ thuật mổ

• Là một phẫu thuật đơn giản.

• Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê.

• Bệnh nằm ngửa, tư thế sản khoa.

• Đặt thông tiểu (Foley).

• Dùng dao hoặc dao điện cắt phần niêm mạc sa quanh ống thông tiểu.

• Cầm máu: bằng đốt điện hoặc khâu bằng chỉ tan.

4. Điều trị sau phẫu thuật

• Thuốc: kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, giảm đau.

• Chăm sóc vết mổ: thay băng mỗi ngày.

• Rút thông tiểu: 1 – 3 ngày sau mổ.

• Thời gian nằm viện: 1 – 3 ngày.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Theo dõi biến chứng

• Chảy máu tại chỗ khâu.

• Bí tiểu.

• Hẹp lỗ tiểu.

• Sa niêm mạc niệu đạo tái phát

• Tiểu không tự chủ (rất hiếm).

2. Tái khám

1 – 2 tuần.

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com