PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ THUỶ ĐẬU Ở TRẺ EM
I. ĐỊNH NGHĨA
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Herpes varicellae. Đường lây chủ yếu bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh, hiếm khi lây do tiếp xúc trực tiếp với bóng nước.
Bệnh đặc trưng bởi phát ban dạng bóng nước ở da và niêm mạc, diễn tiến lành tính nhưng có thể gây tử vong do biến chứng viêm não, hội chứng Reye.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh
• Tiếp xúc với người bị thủy đậu hoặc đang có dịch bệnh tại địa phương.
• Chủng ngừa thủy đậu, tiền căn bị thủy đậu.
• Bệnh sử: sốt, hồng ban khoảng vài mm nhanh chóng chuyển thành bóng nước sau 24 giờ.
b. Khám lâm sàng
• Bóng nước da từ 3-10 mm, lúc đầu chứa dịch trong, sau 24 giờ hóa đục, nhiều lứa tuổi (có bóng nước mới mọc xen kẽ bóng đã hóa đục và bóng đã đóng mày hay bong vảy).
• Bóng nước có thể mọc ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục hay ở mắt.
• Tìm các biến chứng thường gặp:
– Viêm mô tế bào do bội nhiễm: bóng nước hóa mủ, đỏ da hay sưng tấy xung quanh bóng nước, vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc.
– Viêm não.
– Hội chứng Reye:
+ Có dùng Aspirin trong thời gian nổi bóng nước.
+ Rối loạn tri giác, co giật.
c. Cận lâm sàng
• Công thức máu: bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ.
• Phân lập siêu vi, PCR (nếu có thể để giúp chẩn đoán xác định).
• Phương pháp miễn dịch học (phương pháp cố định bổ thể, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp hoặc ELISA) ít được sử dụng.
2. Chẩn đoán xác định
• Dịch tễ: Chưa chủng ngừa thủy đậu, chưa mắc bệnh thủy đậu, có tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu 2-3 tuần trước.
• Lâm sàng: bóng nước nhiều lứa tuổi ở da, niêm mạc.
Cận lâm sàng: phân lập siêu vi, PCR (nếu có thể).
3. Chẩn đoán có thể
Bóng nước nhiều lứa tuổi ở da.
4. Chẩn đoán phân biệt
• Impétigo (chốc lở bóng nước): do Streptococcus b hemolytic
nhóm A, xảy ra sau khi da bị trầy xướt, gỡ mày thấy có vết trợt đỏ không loét có quầng đỏ bao quanh.
• Nhiễm trùng da.
• Bóng nước do Herpes simplex: dựa vào phân lập siêu vi.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
• Điều trị đặc hiệu.
• Điều trị triệu chứng.
• Phát hiện và điều trị biến chứng.
2. Điều trị đặc hiệu: Acyclovir
• Tác dụng:
– Rút ngắn thời gian nổi bóng nước, giảm tổn thương da.
– Phòng ngừa biến chứng ở trẻ suy giảm miễn dịch.
• Hiệu quả cao nếu được sử dụng sớm trong 24 giờ sau khi khởi phát.
• Liều lượng: 80 mg/kg/ngày: 4 lần (tối đa 800mg/lần) uống.
• Thời gian điều trị: 5 ngày hoặc đến khi không xuất hiện thêm bóng nước mới.
3. Điều trị triệu chứng
• Chống ngứa.
• Giảm đau, hạ sốt: dùng Paracetamol, không dùng Aspirin vì có thể gây hội chứng Reye.
4. Điều trị biến chứng
• Bội nhiễm: Bristopen 100mg/kg uống hay tiêm mạch nếu nặng.
• Viêm não: xem phác đồ viêm não.
1. Cách ly tránh lây lan
2. Miễn dịch chủ động
• Siêu vi sống giảm độc lực.
• Bảo vệ 85 – 95%.
• Chỉ định > 1 tuổi.
3. Miễn dịch thụ động
Globuline miễn dịch chống thủy đậu (chưa có tại Việt Nam).
Vấn đề |
Mức độ chứng cớ |
Acyclorvir có hiệu quả làm giảm thời gian sốt do thủy đậu và số lượng sang thương da ở các trẻ bị thủy đậu khỏe mạnh nhưng không làm giảm bớt triệu chứng ngứa |
I Acyclovir for treating varicella in otherwise healthy children and adolescents (Review). The Cochrane Library 2011, Issue 1 |
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.