ĐIỀU TRỊ VIÊM TỦY CẤP TÍNH Ở RĂNG SỮA Ở TRẺ EM

blank
Đánh giá nội dung:

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ VIÊM TỦY CẤP TÍNH RĂNG SỮA Ở TRẺ EM

I. GIỚI THIỆU

• Viêm tủy cấp (VTC) là kết quả của sự sung huyết quá độ tại các động mạch của tủy răng.

• Nguyên nhân chủ yếu của VTC thường là do vi khuẩn, nhưng cũng có khi VTC là giai đoạn kế tiếp của sung huyết tủy do chấn thương, do tổn thương khớp cắn, hoặc do sự kích thích của vật liệu trám.

- Nhà tài trợ nội dung -

• Ở trẻ em viêm tủy cấp tính thường gặp ở răng cối sữa và thường là hậu quả của sâu răng.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán xác định

a. Hỏi bệnh

• Tính chất đau:

– Đau xuất hiện sau kích thích: thay đổi đột ngột về nhiệt độ, đặc biệt là lạnh. Đau sau khi ăn thức ăn chua, ngọt hoặc khi thức ăn lọt vào xoang sâu, giảm đau khi hết kích thích. Đây thường là dạng tủy viêm có hồi phục.

– Đau xuất hiện tự nhiên, đau tăng lên do những nguyên nhân làm cương tụ máu như: tư thế nằm, đau về đêm. Đau lan ra các răng kế cận và lan theo vùng phân bố của dây thần kinh số V, đau giật, đau nhiều và nẩy như mạch đập. Đây thường là dạng tủy viêm không hồi phục.

• Các dấu hiệu của thần kinh giao cảm: đỏ mặt, chảy nước mắt, nước mũi.

b. Khám bệnh

• Khám thấy rõ một răng có lỗ sâu ăn lan tới tủy hoặc một lỗ sâu ở dưới miếng trám cũ, tủy có thể bị lộ rõ ràng.

• Răng đau khi gõ ngang, không đau khi gõ dọc.

• Mặt có thể sưng ở vị trí tương ứng.

• Đôi khi có sốt.

Ở răng sữa do đặc điểm buồng tủy rộng nên các triệu chứng trên đôi lúc không đầy đủ.

c. Xét nghiệm: chụp phim X-quang giúp phát hiện những lỗ sâu ở mặt bên. Đồng thời khi có chỉ định lấy tủy, phim X-quang sẽ cho biết rõ hình dạng buồng tủy, ống tủy, chiều hướng và số ống tủy.

2. Chẩn đoán xác định

Các đặc điểm của đau + răng có lỗ sâu + đau khi gõ ngang.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc chính

Trong viêm tủy, vấn đề chủ yếu là chẩn đoán lâm sàng để phân biệt tủy có thể bảo tồn được hoặc tủy không bảo tồn được cần phải lấy tủy.

2. Xử trí ban đầu

Xử trí ban đầu để điều trị viêm tủy cấp là lấy tủy chân.

Lấy tủy chân được thực hiện như sau:

• Mở lối vào ống tủy:

– Gây tê tại chỗ.

– Cô lập răng.

– Mở buồng tủy.

– Lấy tủy buồng bằng cây nạo ngà bén hoặc mũi khoan tròn.

– Lấy tủy ống: chọn trâm gai sao cho thích hợp với kích thước ống tủy để lấy tủy ra được nguyên vẹn.

• Sửa soạn ống tủy.

đo chiều dài ống tủy, dùng trâm dũa sửa soạn cách chóp 2mm. Những ống tủy ở răng cối sữa phải được nong rộng đến số 30 – 35. Tránh dũa quá rộng vì vách ống tủy răng sữa mỏng hơn ở răng vĩnh viễn nên dễ gây thủng vách ống tủy.

• Rửa sạch ống tủy: phải bơm rửa ống tủy bằng dd NaCl với nồng độ 0,5 – 2% trong suốt quá trình khoan dũa ống tủy để lấy đi các mảnh vụn. Có thể dùng xen kẽ nước muối vô trùng.

• Lau khô ống tủy:dùng cône giấy có số phù hợp.

• Trám bít ống tủy.

– Có thể trám ống tủy ngay bằng hỗn hợp bột nhão Oxid kẽm và Eugenol lỏng.

– Buồng tủy được trám bằng Oxid kẽm – Eugenol.

Có thể cho bệnh nhân uống thêm thuốc giảm đau: Acetaminophen 10 -15 mg/ kg uống mỗi 6 giờ.

3. Xử trí tiếp theo

Hẹn bệnh nhân trở lại sau 4 – 5 ngày để trám kết thúc.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

Tái khám định kỳ 1 – 2 tháng/lần để theo dõi cho đến lúc thay răng

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com