Kinh nghiệm học đại học dành cho sinh viên Y khoa

blank
Đánh giá nội dung:

Đây là một số kinh nghiệm mình đúc rút sau quá trình học tập, nói chung trước đây mình cũng như chúng ta khi mới đi lâm sàng rất bỡ ngỡ, không có ai định hướng và cũng không được giúp đỡ nên chẳng biết mình cần phải học gì? Khám bệnh  nhân ra sao? Đọc tài liệu gì?…….Mình đã rất vất vả để tìm tài liệu, tìm cách học, tuy không phải làm bác sĩ hành lang nhưng hiệu quả học lâm sàng rất thấp, khi nhìn lại không phải do điều kiện quá kém mà do mình không biết cách học, một phần do mình không được hướng dẫn. Bản thân nhiều bạn học Y5, y6 Đại học Y hà nội, Học viện quân y…..mình gặp cũng nói họ đã chưa biết cách học lâm sàng tốt muốn đi lại thì đã qua mất rồi. Mình cũng giúp một số bạn bên đó về tài liệu và hướng dẫn cách học.

Do đó, từ lâu mình đã mong muốn có thể làm được điều gì đó giúp ích cho những bạn đi sau, bởi mình cũng từng ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nên nghĩ các bạn cũng như mình cần có người hướng dẫn, định hướng cho cách học. Mình tìm rất nhiều người khóa trên nhưng họ nghĩ không phải việc của họ, mình cảm thấy rất buồn vì chúng ta không có ý thức tập thể và cũng không có trách nhiệm với những người đi sau, đôi khi bản thân mình cũng thấy nhiều người khóa trên lười kinh người lên được có muốn giúp cũng chẳng có kiến thức mà giúp. Mình đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các kĩ năng học và soạn rất nhiều, chọn lọc, mong rằng những gì mình viết có thể giúp ích cho các bạn. Mình không thể chia sẻ kinh nghiệm cho từng bạn và thực sự để có kĩ năng  mềm (kĩ năng học, kĩ năng đi lâm sàng tiếp xúc bệnh nhân sao cho bệnh nhân tin tưởng,……) thì cần được đào tạo bài bản như học văn hóa vậy chứ không phải muốn là được. Những điều mình viết chỉ là những thứ sơ đẳng nhất phải có. Tất nhiên chỉ là kinh nghiệm cá nhân thôi, có nhiều điều còn thiếu sót mong các bạn góp ý mình sẽ sửa cho bài hoàn thiện hơn nếu cảm thấy góp ý của ai đó hợp lý.

1. Kĩ năng học năm nhất

Nói chung năm nhất toàn những môn khoa học cơ bản: toán, lý sinh, hóa, ………….nên cũng không có gì khó khăn cả. Chỉ có một cách là chăm học, nếu học lần thứ nhất không thuộc thì học lần hai, lần ba, lần bốn,….đến lúc thuộc thì thôi để thi qua và điểm cao. Nếu thi không được thì thi lại, thi lại không được thì học lại,………học lại lần 1, lần 2,….đến lúc qua thì thôi. Mình chưa học lại môn nào nên chẳng có kinh nghiệm gì để mà chia sẻ. Không có cách nào khác là chịu khó học, cũng không đến nỗi vất vả lắm. Nhưng có một số vấn đề chúng ta cần chú ý:

- Nhà tài trợ nội dung -


+ Học đại học không phải là “nhàn” hơn cấp 3, đại học là bước ngoặt chuyển bạn từ học sinh sang sinh viên, ngày xưa “ngây thơ bé bỏng” thầy cô chỉ bảo tận tình. Còn giờ từ cuộc sống đến học tập phải tự lo, nói chung là lớn rồi nên phải sống cho người lớn một chút, cần sống tự lập và có trách nhiệm hơn. Học đại học cũng rất vất vả, cũng cần sự kiên trì, chăm chỉ, học đều đặn hàng ngày chứ không nên chơi mãi rồi mới học để thi. Đó là tư tưởng của những “chú ong lười biếng”.

+ Học đại  học là tự học. Sinh viên khác học sinh ở chỗ sinh viên là người lớn rồi nên phải biết tự tìm sách, tự đọc sách và nghiên cứu tài liệu. Điều này vô cùng quan trọng bởi mình thấy chúng ta quen với kiểu dạy học thời cấp 3, quen đến lớp thầy cô chỉ bảo từng tí, giao bài tập, chấm điểm, sửa bài,……Đại học không như vậy. Nói chung ở Việt Nam đào tạo đại học còn nhiều vấn đề không giống nước nào, nhưng cách đây hơn 60 năm 95 % dân số mù chữ đến giờ được như vậy là quá tốt rồi, thời ông cha ta chẳng có cơm mà ăn, chẳng có sách mà học nhưng vẫn có những thầy thuốc giỏi như thầy Nguyễn Tài Thu hay thầy Tôn Thất Tùng.

Chúng ta đang chuyển sang đào tạo tín chỉ nên việc tự học càng quan trọng. Nhưng ở VN tín chỉ cũng không chuẩn, nói chung đang học của phương tây thôi, chưa gọi là chuyên nghiệp được. Đôi khi tam sao thất bản. Cụ thể quy trình học phải như sau: đọc trước bài khi đến lớp -> chăm chú nghe thầy cô giảng, ghi chép lại những điều quan trọng -> ôn lại bài ngay sau khi học -> ôn thi -> ôn luyện thời thời hạn để thành kiến thức dài hạn.  Không những thế ngoài kiến thức thầy cô dạy chúng ta phải tự tìm tài liệu đọc, có khi kiến thức trên lớp chưa đủ cần phải học thêm, đôi khi thầy cô có chỗ nhầm lẫn chúng ta còn biết, hoặc biết cách đặt câu hỏi. Mình thấy phần nhiều chúng ta học kiểu này: không đọc trước bài -> đến lớp vừa nghe giảng vừa nói chuyện -> không chịu ôn ngay lại bài học -> đến khi thi thì nhồi nhét đọc thuộc -> học xong chẳng bao giờ ôn lại để nhớ cứ tưởng thi xong rồi là thôi. Một số người thì làm thuyền cho mình hoặc  phao cứu sinh hoặc tìm người trợ giúp nhắc bài. Học thế sao mà giỏi và nắm được bản chất vấn đề, thi thì qua, điểm có thể cao nhưng quên ngay. Ở đây là những người được xếp vào một dạng dốt nát:”không hiểu những gì mình biết”, nên nhiều người biết nhiều, điểm cao được ca ngợi nhưng thật ra….dốt nát mà không biết. Người ta gọi là những chú vẹt chăm chỉ. Nói thì hay nhưng chẳng hiểu và vận dụng được gì. Mình nói vậy không phải để chê bai mà chúng ta phải thực sự kỉ luật với mình mới thành bác sĩ tốt được. Nghề y mà ngu dốt thì quá nguy hiểm.

Nếu tham gia CLB các bạn chỉ nên tham gia các môn học mình đang học thôi. Đừng cầm đèn chạy trước ô tô nhiều quá!

2. Kĩ năng học năm hai, năm ba

Năm này chúng ta bắt đầu đi viện, nói chung tùy từng trường nhưng hầu hết chúng ta đã được học những môn khoa học cơ bản và y học cơ sở (giải phẫu, sinh lý, sinh lý bệnh, hóa sinh, giải phẫu bệnh, mô phôi, điều dưỡng, tiền lâm sàng……). Theo mình đây là năm quan trọng nhất vì là năm tiền đề cho chúng ta sau này và được học nhiều nhất, nặng nhất (năm 3, 4) đây là những điều cơ bản chúng ta cần nhớ:

– Mục đích của chúng ta đi lâm sàng vòng đầu tiên là gì? Bạn phải biết mục đích thì mới biết mục tiêu mình cần đạt được -> lên kế hoạch ôn tập và học -> tập trung vào vấn đề mình cần quan tâm. Cụ thể năm thứ hai chúng ta đi vòng triệu chứng cái mà chúng ta cần đạt được đó là: làm quen với môi trường bệnh viện, biết được triệu chứng bệnh của từng chuyên khoa và của từng bệnh, biết cách làm bệnh án và làm được bệnh án. Như vậy:

+ Cách tổ chức của bệnh viện như thế nào? Phòng trực ở đâu? Phòng thủ thuật ở đâu? Bảng theo dõi bệnh nhân nội trú ở đâu?(dựa vào bảng này các bạn có thể nằm được mặt bệnh của bệnh nhân và vị trí họ nằm để tìm đến mà học)…………

+ Mục đích là học triệu chứng nên các bạn cứ nghiền nát phần triệu chứng học của các chuyên khoa, sau đến từng bệnh. Cụ thể mình nghiền nát bét cuốn sách triệu chứng học nội khoa của đại học y hà nội. Không nên nóng vội đọc phần cận lâm sàng, chẩn đoán, điều trị,..  (nếu được thì tốt nhưng đừng cầm đèn chạy trước ô tô, bạn phải nắm chắc kiến thức cơ bản cần thiết đã). Thuộc được triệu chứng học của các chuyên khoa và cơ chế của nó, thêm vào đó trên từng ca bệnh giải thích được các triệu chứng. Việc này rất khó khăn nếu chúng ta học riêng lẻ, nên xây dựng bộ câu hỏi là điều mình nghĩ quan trọng nhất. Các bạn sẽ dễ dàng tìm giải đáp cho thắc mắc của mình.

+ Phải thuộc bố cục một bệnh án, cách viết bệnh án, sau đó phải hiểu được từng phần bệnh án có ý nghĩa gì. Rất khó khăn nhưng nếu chịu khó chúng ta sẽ hiểu thôi, mình thấy nhiều bạn năm 4, năm 5 rồi bệnh án rất lơ tơ mơ. Có làm được bệnh án thì mới học tốt được, phần lớn thầy cô đánh giá học sinh bởi bệnh án, thi lâm sàng thầy cô nhìn vào bệnh án là chính. Còn kinh nghiệm thì các bạn nghiền nát “mẫu bệnh án” mình đưa lên diễn đàn hoặc đọc trong triệu chứng nội khoa tập I Đại học y hà nội, đọc vài chục lần là hiểu thôi! Còn tốt hơn hết là tìm một vài người thực sự tốt về bệnh án nhờ họ giải thích cho là hay nhất.

– Đối với việc ôn lại kiến thức cũng rất quan trọng: Theo mình môn quan  trọng nhất mà chúng ta cần chú ý đó là giải phẫu ( để có thể khám được bệnh, có khám được bệnh mới làm được bệnh án, mới học được triệu chứng bệnh và không phải đứng hành lang. Đi lâm sàng mà đứng hành lang cũng như đi cày mà ngồi trên bờ vậy). Các môn khác chúng ta có thể đọc dần dần được sau khi đã khám và làm được bệnh án, quên đâu học đó có giải phẫu thì khi đi lâm sàng đụng đâu phải nhớ đó. Bạn sờ mỏm tim phải biết vị trí bình thường nó ở đâu? Vị trí của gan bình thường ở đâu? Chiều cao là bao nhiêu? Bờ trên bờ dưới thế nào? Khám mạch máu phải biết vị trí và đường đi của nó? ……………Môn quan trọng thứ hai cần nắm vững đó là điều dưỡng, tất nhiên chúng ta là bác sĩ nhưng việc thành thạo điều dưỡng cũng quan trọng vì gây cảm tình cho các chị y tá cũng là điều quan trọng, hơn nữa mình phải thành thạo điều dưỡng: đo huyết áp, đếm nhịp tim, tiêm truyền,…..) Ngoài học trên mô hình, hiểu và nhớ quy trình làm, chúng ta dần dần làm quen và xin làm (nhưng phải nhớ là mình có kiến thức). Trường mình không có môn phẫu thuật thực hành nên cần có những buổi tổ chức các dụng cụ trong phòng mổ, các mặc áo, rửa tay, khâu vá,……………Cái này mình sẽ nhờ một số bạn Y hà nội tổ chức nhưng cần có thời gian đã.

Nhiều người đi lâm sàng chẳng chịu ôn lại giải phẫu gì cả, hỏi gì cũng không biết. Tất nhiên cần có quá trình và có thời gian để ôn và nhớ, nhưng nếu không ôn lại, đến những năm cuối cũng chẳng biết gì. Học mà không ôn thì cũng coi như không được học. Nói chung nghề y chống chỉ định lười (mình tự sáng tác câu: chỉ có sự lười biếng mới giải thích cho sự ngu dốt)

Tóm lại, năm đầu tiên đi học lâm sàng nên:

+ Trước khi đi lâm sàng dành thời gian ôn lại các môn cơ bản nhất là giải phẫu và điều dưỡng, xem các video ngoài đọc sách chay (diễn đàn mình sưu tập khá là đủ)

+ Ôn lại tiền lâm sàng và học thêm là cách khám, xem video cho biết sơ qua, nhờ người hướng dẫn hoặc xin đi lâm sàng với anh chị khóa trên nhờ họ dạy, không chỉ biết cách khám mà khám bài bản, nhiều người mình thấy khám gan mà chỉ có sờ bờ dưới gan, ngay cả cách sờ cũng chưa đúng, như vậy vẫn là chưa đủ: cần tìm bờ trên, bờ dưới, xác định chiều cao gan, sờ nông hay sâu? Các ngón tay cảm nhận thế nào? Đánh giá gan to ra sao? (nhớ là tìm người mà học, nhiều người khóa trên chưa hẳn đã hơn khóa dưới).

+ Cuối cùng là cố gắng thành thạo được cách làm bệnh án để sau này không cần để ý cách làm bệnh án nữa mà chỉ để ý đến nội dung của nó.

3. Kĩ năng  học năm 4, 5

Năm này, cũng tùy từng trường nhưng cơ bản chúng ta học chẩn đoán bệnh và điều trị. Trên nền tảng những năm đầu học triệu chứng học chúng ta đã khám tương đối tốt, làm bệnh án khá ổn, biết được triệu chứng của các chuyên khoa và một số bệnh. Chúng ta có thể đưa ra các chẩn đoán của mình trên bệnh nhân và tập cho phác đồ điều trị. Nhưng quan trọng nhất là học cận lâm sàng để chẩn đoán được bệnh.

Theo mình chúng ta bắt đầu nghiên cứu sâu về bệnh và cơ chế do đó việc tìm tài liệu và nghiên cứu tài liệu rất quan trọng, trao đổi tranh luận với bạn bè, hỏi thày cô, về cơ bản chúng ta chăm học lâm sàng, chăm làm bệnh án và nghiên cứu kĩ bệnh án của mình, mình có chia sẻ cách học lâm sàng trên bệnh nhân rồi nên không tiện nhắc lại. Nói chung vẫn là: chủ động đọc trước tài liệu khi học trên lớp và đi lâm sàng, chịu khó học lâm sàng, cái gì chưa biết phải tìm cách học, lên google là chính (chứ đừng đổ lỗi cho không được dạy -> tự học là chính mà)

Kiến thức ôn lại thì nên ôn lại môn dược lý cho tốt, tìm hiểu thêm về cận lâm sàng -> tích lũy dần để thành phản xạ có điều kiện nhìn qua là đoán được một số bệnh.


4. Kĩ năng học năm cuối

Việc học ở những năm cuối không vất vả lắm, chính vì không vất vả nên nhiều người than phiền mình nhàn rỗi,  nhưng là lúc cần ôn lại kiến thức nhiều nhất, chúng ta nên lập kế hoạch ôn lại những kiến thức chưa vững, học thêm kiến thức mới, định hướng việc học sau này của mình theo chuyên khoa nào? Có học lên hay không để có kế hoạch học tập? Ngoài ra việc học ngoại ngữ và tin học rất quan trọng. Chuẩn bị để ôn thi tốt nghiệp, tham khảo tài liệu, đề thi tốt nghiệp những năm trước.

Nói tóm lại việc học cần luôn chủ động, linh hoạt, luôn ôn luyện kiến thức cũ và chuẩn bị kế hoạch cho những côn việc trong tương lai. Đừng bao giờ chờ đợi, ỷ vào thầy cô hay người khác chờ họ giúp, cũng đừng nước đến chân mới nhảy. Phải luôn có kế hoạch trước. Mình rất không thích những người suốt ngày kêu ca phàn nàn, đổ lỗi cho hoàn cảnh vì dù hoàn cảnh gì đi nữa chúng ta là bác sĩ, phải tìm cách để học để có thể làm được việc, tài liệu có chỉ cần lên mạng lấy đầy rẫy, bệnh nhân có, chỉ có khó khăn nào đó như không được chỉ bảo tận tình -> khắc phục bằng cách tìm người có thể giúp mình hay đọc các kinh nghiệm, hay thời gian đi ngắn chúng ta phải tìm cách khắc phục như liên hệ để đi lại. Mình thấy những người thất bại làm gì cũng có rất nhiều lý do giải thích cho sự sự thất bại của mình, nhưng khi đi làm không có kiến thức thì bệnh nhân không nghe bạn trình bày lý do đâu!.

Một số kinh nghiệm chia sẻ, mình học cũng bình thường thôi nhưng có chút kinh nghiệm lẻ khi học mong có ích cho các bạn, quan trọng bản thân các bạn tự đút rút kinh nghiệm cho mình.

Chúc các bạn học tốt!