Đặt thể hang nhân tạo điều trị rối loạn cương dương, là một bệnh lý thường gặp ở nam giới lớn tuổi, tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, không chỉ riêng bệnh nhân mà còn với bạn tình. Rối loạn cương hiện nay được điều trị chủ yếu bằng thuốc theo đường toàn thân hoặc tại chỗ. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng và vấn đề điều trị còn nhiều khó khăn.
Phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo được xem là lựa chọn cuối cùng trong điều trị rối loạn cương nặng (bệnh liệt dương), không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đây là một kĩ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực Tiết niệu – Nam khoa, giúp phục hồi chức năng cương hoàn toàn cho bệnh nhân, thời gian cương kéo dài và đảm bảo tính thẩm mỹ, tự nhiên. Thiết kế của thể hang nhân tạo sau khi phẫu thuật lắp ghép có thể giúp bệnh nhân tự tạo cương theo ý muốn khi quan hệ tình dục và trở về bình thường khi sinh hoạt hàng ngày.
Chỉ định đặt thể hang nhân tạo
- Người bệnh rối loạn cương dương điều trị nội khoa không kết quả.
- Người bệnh rối loạn cương dương sau mổ cắt tuyến tiền liệt toàn bộ.
- Người bệnh rối loạn cương dương có chống chỉ định điều trị nội khoa: như có tiền sử hay bệnh mạch vành…
Chống chỉ định đặt thể hang nhân tạo
- Người bệnh đang có nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng tại chỗ ở bộ phận sinh dục ngoài.
- Người bệnh có bệnh đái tháo đường điều trị đường huyết chưa ổn định.
- Các người bệnh có chống chỉ định phẫu thuật nói chung: rối loạn đông máu, thể trạng toàn thân không đảm bảo điều kiện gây mê, gây tê…
Chẩn bị trước phẫu thuật
4.1. Người thực hiện
Phẫu thuật viên chuyên nghành Tiết niệu, Nam học (1 chính + 2 phụ mổ + 1 người đưa dụng cụ).
4.2. Người bệnh
Chuẩn bị người bệnh như một người bệnh mổ theo kế hoạch. Cạo lông sạch sẽ hoàn toàn bộ phận sinh dục ngoài.
4.3. Phương tiện
- 1 bộ dụng cụ phẫu thuật thường quy cơ bản + 1 bộ dụng cụ phẫu thuật mạch máu + bộ nong vật hang chuyên biệt (nhiều cỡ nong cùng với thước đo…).
- Các loại chỉ khâu chuyên dụng như: Monofil (4.0, 5.0), Vicryl 2.0… Safil tiêu nhanh 4.0…
- Vật hang nhân tạo loại gồm 1 van và 3 thành phần (2 vật hang nhân tạo + 1 bình chứa).
Các bước tiến hành
5.1. Tư thế
Người bệnh nằm ngửa. PTV chính và người đưa dụng cụ đứng phía bên phải của người bệnh. 2 bác sỹ phụ đứng phía đối diện.
5.2. Vô cảm
Tốt nhất gây mê hoặc gây tê ngoài màng cứng hoặc có thể gây tê tủy sống với liều cao.
5.3. Kỹ thuật
- Bước 1: Rạch da vùng bìu và phẫu tích tổ chức dưới da bìu.
- Bước 2: Phẫu tích 2 vật hang chú ý thận trọng tránh làm tổn thương niệu đạo.
- Bước 3: Cầm máu kỹ vùng bìu và các tổ chức xung quanh hạn chế tối đa việc chảy máu.
- Bước 4: Khâu đánh dấu vật hang 2 bên bằng Vicryl 3.0 mũi rời và tiến hành mở vật hang.
- Bước 5: Nong 2 vật hang bằng dụng cụ nong chuyên biệt vật hang.
- Bước 6: Đặt 2 vật hang nhân tạo vào lòng 2 vật hang và đóng kín lại vật hang bằng Vicryl 4.0 mũi rời.
- Bước 7: Tách mạc dương vật mặt lưng dương vật và tạo khoang dưới da bụng bên trái.
- Bước 8: Đặt bình chứa nước vào hố chậu trái và bơm dung dịch mặn 9/1000 vào khoang chứa khoảng 100ml- 120ml nước.
- Bước 9: Kiểm tra van nước hoạt động tốt hay không.
- Bước 10: Tách và tạo khoang ở vùng bìu đặt van giữa 2 bìu
- Bước 11: Đóng lại cân cơ vùng bìu bằng Vicryl 3.0 hoặc 4.0 mũi rời.
- Bước 12: Đóng lại da mũi rời bằng Safil quick 4.0 hoặc Ethilon 3.0 mũi rời, đặt xông tiểu và kết thúc phẫu thuật.
Theo dõi và xử trí tai biến, biến chứng
6.1. Theo dõi
- Tụ máu và chảy máu trong bìu trong 24h-48h đầu.
- Rút xông tiểu trong vòng 24-48h sau mổ.
6.2. Tai biến và xử trí
- Chảy máu sau mổ: nếu chảy máu nhiều cần mở lại để kiểm tra và khâu cầm máu.
- Phù nề tụ dịch vùng bìu: cần trích rạch để tránh nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng nặng vùng bìu cần lấy bỏ vật hang ngay lập tức vì có thể gây áp xe và nhiễm trùng vùng tầng sinh môn.
- Thải loại vật hang nhân tạo thường diễn ra muộn hơn bắt đầu sau 1 tháng sau mổ: vết mổ chảy dịch và vật hang lộ ra ở quy đầu cần rạch rộng, lấy bỏ vật hang nhân tạo và làm sạch khoang vùng bìu.