PHÒNG NGỪA VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM TRÙNG TRONG VIÊC THỰC HIỆN CÁC THỦ THUẬT RĂNG MIỆNG Ở TRẺ EM BỊ TIM BẨM SINH
I. ĐẠI CƯƠNG
Đối với những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, việc thực hiện các thủ thuật điều trị răng miệng trước khi phẫu thuật tim sẽ mang lại nhiều nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Vì thế, việc phòng ngừa viêm nội tâm bằng kháng sinh và tiến hành các qui trình thủ thuật răng miệng phù hợp là rất cần thiết.
II. TRƯỚC KHI CAN THIỆP ĐIỀU TRỊ RĂNG MIỆNG
• Cần hỏi kỹ tiền sử bệnh, xác định bệnh nhân bị tim bẩm sinh loại nào?
• Kiểm tra tổng trạng, mạch, huyết áp bệnh nhân. Nếu cần thiết gởi khám lại Bác sĩ tim mạch để xác định rõ tình trạng bệnh nhân có cho phép can thiệp thủ thuật hay không?
• Khám, lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
• Thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi thực hiện các thủ thuật điều trị răng miệng và việc cần thiết phải dùng kháng sinh phòng ngừa.
• Hướng dẫn bệnh nhân cách dùng kháng sinh đúng liều, đúng thời gian.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc sử dụng kháng sinh phòng ngừa viêm nội tâm mạc
Thời điểm cho kháng sinh: 1 giờ trước khi tiến hành thủ thuật và tiếp tục 6 giờ sau liều đầu.
• Nếu cho sớm hơn 1 – 2 giờ trước thủ thuật thì không có hiệu quả gì hơn.
• Nếu cho trước 1 ngày sẽ còn bất lợi vì làm tăng nguy cơ tạo nên những chủng vi khuẩn kháng khuẩn.
2. Các bệnh lý tim mạch cần sử dụng kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc
• Đa số các bệnh tim bẩm sinh.
• Có van tim nhân tạo.
• Có tiền căn từng bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
• Bệnh van tim hậu thấp và bệnh van tim mắc phải do nguyên nhân khác
• Bệnh cơ tim phì đại.
• Sa van hai lá gây hở van hai lá.
3. Các thủ thuật răng miệng có chỉ định phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
Nguyên tắc chung: tất cả các thủ thuật điều trị răng miệng có thể tạo vết thương hở dẫn đến chảy máu nướu, chảy máu niêm mạc miệng có chỉ định phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng Các thủ thuật cụ thể:
• Nhổ răng.
• Cạo vôi, nạo túi nha chu, phẫu thuật nha chu
• Thủ thuật điều trị nội nha
• Cắm ghép lại răng.
• Rạch abcès vùng miệng và hàm mặt
• Phẫu thuật xương hàm.
• Phẫu thuật các u nang.
• Gắn khâu trong chỉnh hình răng.
4. Kháng sinh phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
a. Phác đồ chuẩn
• Amoxicillin:
– 50 mg/kg uống 1giờ trước thủ thuật.
– 25 mg/kg uống 6 giờ sau liều đầu.
• PenicillinV:
– < 30 kg: 1 g uống 1 giờ trước thủ thuật.
0,5 g uống 6 giờ sau liều đầu.
– > 30 kg: 2 g uống 1giờ trước thủ thuật.
1 g uống 6 giờ sau liều đầu.
b. Nếu dị ứng với Penicillin/Amoxicillin
• Erythromycin:
– 20 mg/kg uống 1giờ trước thủ thuật
– 10 mg/kg uống 6 giờ sau liều đầu
Hoặc
• Clindamycin:
– 6 mg/kg uống 1giờ trước thủ thuật
– 3 mg/kg uống 6 giờ sau liều đầu
5. Nguyên tắc thực hiện các thủ thuật răng miệng ở trẻ em bị tim bẩm sinh
a. Đối với Bác sĩ
• Hạn chế những thủ thuật không cần thiết.
• Giảm thiểu tối đa những tổn thương mô mềm gây chảy máu
• Cho bệnh nhân súc miệng bằng các dung dịch kháng khuẩn ngay trước khi làm thủ thuật.
• Điều trị kháng sinh thanh toán các ổ nhiễm trùng ngay tại vị trí tiến hành thủ thuật hoặc ở những nơi khác trước khi làm các thủ thuật.
b. Trong lúc thực hiện các thủ thuật
• Cần giải thích cho bệnh nhân về công việc điều trị.
• Có khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm việc.
• Rửa tay trước khi mang găng.
• Nhân viên y tế thực hiện các thủ thuật chuyên môn đảm bảo đúng nguyên tắc vô trùng.
• Kỹ thuật gây tê phù hợp với vị trí thủ thuật.
6. Sau khi hoàn thành thủ thuật
Hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh phòng ngừa viêm nội tâm mạc.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Dặn bệnh nhân trở lại nếu có tai biến.
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.