RỐI LOẠN CƠ KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM
1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Định nghĩa
– Khớp thái dương hàm là khớp chuyển động tự do giữa lồi cầu xương hàm dưới và hố thái dương thông qua đĩa khớp (sụn chêm).
– Rối loạn cơ khớp thái dương hàm là một thuật ngữ chung để chỉ những rối loạn liên quan đến cơ nhai, đến khớp thái dương hàm hoặc cả hai.
1.2. Nguyên nhân:
– Chấn thương: một tác động trực tiếp gây chấn thương từ bên ngoài (do tai nạn, do ẩu đả…), há hàm dưới quá mức trong một thời gian dài trong các thủ thuật răng miệng hoăc gây mê nội khí quản..
– Vi chấn thương mãn tính: một nguồn gây chấn thương với mức độ thấp nhưng trong một thời gian dài và được lặp đi lặp lại (ví dụ: nghiến răng, cắn/siết chặt răng, mất nâng đỡ phía sau cung răng do mất các răng hàm.)
– Dị dạng hoặc bất thường về hình thái giải phẫu các thành phần khớp: thiểu sản hay quá sản lồi cầu, sự bất đối xứng khung xương mặt .
– Rối loạn tâm sinh lý.
– Rối loạn cắn khít.
1.3. Yếu tố nguy cơ:
– Thói quen nghiến răng, ăn nhai một bên hay nhai bằng răng cửa.
– Mất răng lâu ngày không làm phục hình.
– Bất thường về hình thái và vị trí các răng trên cung hàm.
1.4. Phân loại:
– Rối loạn nội khớp.
– Loạn năng – Viêm ở khớp TDH.
2. ĐÁNH GIÁ BỆNH NHÂN RỐI LOẠN CƠ KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM
2.1. Bệnh sử:
– Đau vùng khớp và cơ nhai tự phát hay khi vận động chức năng (ăn đồ cứng, ngáp lớn, há miệng lâu…), lập lại nhiều lần, tăng dần cường độ.
– Tiếng kêu lụp cụp, lạo xạo lúc há miệng hoặc đồng thời lúc há và ngậm miệng.
– Giới hạn vận động hàm dưới (há ngậm miệng, đưa hàm sang bên, ra trước).
– Các triệu chứng khác: đau đầu, mỏi vùng cổ, vai cánh tay; đau trong tai, ù tai, giảm thính lực, rối loạn thăng bằng.
2.2. Khám lâm sàng:
– Tiếng kêu khớp khi vận động hàm.
– Có hay không triệu chứng đau vùng trước tai một hoặc hai bên.
– Lệch hàm khi há miệng, há ngậm miệng hai thì (há miệng hình sin hay hình zig – zag).
– Khám: sờ cực ngoài khớp BN đau nhiều trong trường hợp viêm màng hoạt dịch, viêm bao khớp, viêm mô sau đĩa, viêm xương khớp thoái hóa.
3. CHẨN ĐOÁN RỐI LOẠN CƠ KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM
Chủ yếu dựa trên lâm sàng và bệnh sử. X-Quang ( phim sọ nghiêng, phim toàn cảnh), CT scanner, MRI, Schuller chỉ có giá trị trong một số trường hợp viêm nặng dẫn đến sưng phù các thành phần của khớp TDH.
4. ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN CƠ KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM
4.1. Điều trị triệu chứng:
4.1.1. Mục đích:
– Giảm triệu chứng bệnh, không tác động trên yếu tố bệnh căn, thường không điều trị kéo dài.
4.1.2. Điều trị nội khoa:
– Thuốc giảm đau: các thuốc hay sử dụng thuộc nhóm Salicyles, Acetaminophen, Propioniques.. Một số thuốc chống trầm cảm (ví dụ: Amitriptyline liều thấp 10mg) dùng trước khi ngủ có hiệu quả giảm đau sau nhiều tuần dùng thuốc, liều lượng này cũng có tác dụng giảm nghiến răng ban đêm.
– Thuốc chống âu: khi nghi ngờ Stress có thể là yếu tố bệnh căn thì việc sử dụng thuốc chống âu là cần thiết và hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng lâm sàng. Thường sử dụng Diazepam (Valium) 2,5 – 5mg trước khi ngủ, không nên chỉ định quá 2 tuần.
– Thuốc kháng viêm: thường sử dụng thuốc kháng viêm không corticoid (vd: Ibuprofen). Đôi khi có thể tiêm kháng viêm như Hydrocortisone vào trong khớp cho một số cas đau mãn tính và giới hạn vận động hàm, thường ở người lớn tuổi.
– Thuốc giãn cơ: Decontractyl 250mg, Cyclobenzaprine (Flerexil) 10 mg trước khi ngủ.
– Gây tê tại chỗ: khi đau khu trú, đặc biệt đau ở cơ. Thường sử dụng Lidocaine 2% hay Mepicavaine 3%( không có thuốc co mạch).
4.1.3. Vật lý trị liệu:
– Chườm nóng: 10-15 phút (gia tăng tuần hoàn tại chỗ giúp giảm đau).
– Chườm lạnh: ethyl chloride hay fluoromethane.
– Điều trị siêu âm.
– Liệu pháp kích thích điện gây dãn cơ và tuần hoàn máu đến cơ.
– Tập há miệng có hướng dẫn.
4.2. Điều trị bệnh căn:
4.2.1. Mục đích: Loại bỏ hay thay đổi yếu tố bệnh căn.
4.2.2. Điều trị cắn khớp: có hai loại:
– Điều trị cắn khớp có phục hồi: thay đổi tương quan cắn khớp một cách tạm thời bằng máng mặt nhai (máng giãn cơ đeo ở hàm trên, máng đặt hàm dưới ra trước đeo ở hàm dưới).
– Điều trị cắn khớp không phục hồi: thay đổi vĩnh viễn tương quan cắn khớp hoặc tư thế hàm dưới bằng cách mài chỉnh khớp cắn sơ khởi, chọn lọc; điều trị chỉnh hình, phục hình; phẫu thuật.
LƯU ĐỒ ĐIỀU TRỊ:
5. THEO DÕI – TÁI KHÁM
– Tiêu chuẩn nhập viện: có tình trạng viêm nhiễm nặng tổ chức khớp TDH, có chỉ định phẫu thuật.
– Tiêu chuẩn ra viện: giảm đau vùng khớp thái dương hàm, vận động hàm không bị giới hạn, khớp cắn đúng sinh lý.
– Tái khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 1 năm phòng ngừa tái phát.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Tử Hùng (2004). “Cắn khớp học”. Nhà xuất bản Y học.
2. Lê Văn Sơn (2013). “Bệnh lý và phẫu thuật hàm mặt”. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
3. Robert O.Uppgard (1999). “Taking control of TMJ”. New Harbinger Publications.
4. Edward F.Wright (2011). “Manual of temporomandibular disorders”. John-Wiley & Sons Publications.
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.