Đái tháo đường đang là bệnh lí chiếm tỉ lệ cao trong cộng đồng và ngày càng trẻ hóa. Lợi ích của tập luyện thể lực và những vấn đề nào đặt ra trên bệnh nhân đái tháo đường để đưa ra chỉ định bài tập phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu bài viết sau đây.
1.Tổng quan về đái tháo đường
Đái tháo đường typ 2 chiếm khoảng 90% số bệnh nhân ĐTĐ, typ 1 khoảng 5-10%. Ngoài ra, có một số thể bệnh khác: ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ thể MODY…
Mặc dù ĐTĐ typ 1 là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất được chẩn đoán ở trẻ em, nó cũng xảy ra ở người lớn, thường thấy ở người trẻ. Tương tự như vậy, mặc dù trước đây ĐTĐ typ 2 hầu như chỉ gặp ở người lớn tuổi, nhưng gần đây gặp ở người trẻ tăng lên đáng kể trong hai thập kỷ qua. Người ta ước tính rằng cứ 3 người Mỹ sinh năm 2000 trở lên thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường trong suốt cuộc đời của họ, với tỷ lệ gần 50% ở nhóm dân tộc thiểu số, có nguy cơ cao.
Các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường làm trầm trọng thêm tỷ lệ mắc bệnh và tăng khả năng bị hạn chế hoặc tàn tật về thể chất. Tăng đường huyết trong một thời gian dài có liên quan đến các biến chứng mãn tính liên quan đến bệnh tiểu đường, biến chứng mạch máu lớn, mạch máu nhỏ và biến chứng thần kinh. Do sự dao động hàng ngày của đường huyết, các can thiệp điều trị tập trung vào việc kiểm soát đường huyết, quản lý các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch và phòng ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
Quản lý hiệu quả bao gồm việc tự theo dõi lượng đường trong máu, sử dụng các loại thuốc để điều chỉnh mức đường huyết, tham gia thường xuyên vào hoạt động thể chất (PA) / tập thể dục, và quản lý trọng lượng cơ thể cũng như chế độ dinh dưỡng tốt. Các can thiệp tập thể dục cho những người mắc bệnh tiểu đường lý tưởng là nên có sự tham gia của một nhóm chuyên gia đa ngành để tạo điều kiện cho việc giáo dục cá nhân và thay đổi lối sống để quản lý căn bệnh này. Kỹ năng quản lý bản thân là điều cần thiết để thành công, là một công cụ quan trọng để cải thiện việc kiểm soát đường huyết.
2. Lợi ích của tập luyện thể lực và bệnh đái tháo đường
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh T2D. Tuy nhiên tập thể dục thường xuyên không giúp quản lý đường huyết một cách đồng nhất ở những người bị T1D trừ khi thực hiện các thay đổi thói quen thích hợp, tập thể dục vẫn được coi là một liệu pháp bổ trợ an toàn và hiệu quả để kiểm soát T1D. Tập thể dục, kết hợp với cải thiện chế độ ăn uống và giảm cân, đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện lipid và lipoprotein, do đó làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch (CVD) ở bệnh tiểu đường. Ngoài ra, việc giảm HA đã được chứng minh thông qua tập thể dục và giảm cân có thể được giải thích một phần là do cải thiện độ nhạy insulin , giảm mỡ máu. Kiểm soát glucose được cải thiện thông qua tập thể dục ở những người mắc bệnh T2D. HbA1C thấp hơn thường làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, bao gồm cả CVD. Lợi ích của tập thể dục trong bảng sau:
Tăng đường máu cấp không được kiểm soát là một chống chỉ định tương đối để tham gia tập thể dục. Việc tự theo dõi đường huyết trước và sau khi tập thể dục là điều cần thiết, đặc biệt là ở những người sử dụng insulin, để cho phép các cá nhân điều chỉnh thích hợp insulin hoặc các loại thuốc khác cũng như lượng thức ăn. Mặc dù tập thể dục cường độ nhẹ sẽ tiêu hao calo và hỗ trợ duy trì cân nặng, nhưng nó có thể sẽ làm giảm lượng đường huyết ít hơn so với tập luyện cường độ trung bình. Ngược lại, tập thể dục mạnh có thể dẫn đến tăng đường huyết thoáng qua vì sản xuất glucose có xu hướng tăng nhiều hơn sử dụng glucose. Như vậy, hai nguy cơ phổ biến liên quan đến tập thể dục ở người bệnh đái tháo đường là hạ đường huyết và tăng đường huyết; tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa thực tế có thể được thực hiện để giảm rủi ro hoặc tránh sự khởi phát của chúng.
3.Đánh giá bệnh nhân
Tiến hành kiểm tra bài tập trước khi bắt đầu tham gia hầu hết các hoạt động cường độ thấp được coi là không cần thiết. Đối với tập thể dục mạnh hơn đi bộ nhanh hoặc vượt quá nhu cầu của cuộc sống hàng ngày, những người ít vận động và người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường có thể được đánh giá kỹ lưỡng hơn về các tình trạng có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch (bao gồm tăng huyết áp không kiểm soát), chống chỉ định tập thể dục, hoặc các yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường có thể dẫn đến chấn thương (ví dụ: bệnh thần kinh tự chủ, bệnh thần kinh ngoại vi, tiền sử tổn thương bàn chân và bệnh võng mạc tăng sinh không được điều trị). Đánh giá trước tập có thể bao gồm một bài kiểm tra gắng sức (symptom-limited exercise test) tùy thuộc vào tuổi của người đó, thời gian mắc bệnh tiểu đường và sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ CVD (bệnh tim mạch).
Quy trình tốt nhất để tầm soát bệnh nhân tiểu đường không có triệu chứng đối với bệnh mạch vành vẫn chưa rõ ràng, và việc kiểm tra định kỳ không được khuyến khích. Các chỉ định cụ thể cho một bài kiểm gắng sức được nêu trong bảng bên dưới.
Chỉ định kiểm tra gắng sức trước khi tham gia tập thể dục cường độ mạnh |
Người mắc bệnh tiểu đường với ít nhất một trong các triệu chứng sau: Tuổi > 35ĐTĐ typ 1 > 10 năm hoặc ĐTĐ typ 2 > 15 năm Bất kỳ một yếu tố nguy cơ tim mạch nào (đánh giá nguy cơ tim mạch 10 năm) Bằng chứng tổn thương mạch máu nhỏ, bao gồm bệnh võng mạc ĐTĐ, bệnh thận ĐTĐ biểu hiện bởi microalbumin niệu. Rối loạn chắc năng tự chủ Bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, bất kể độ tuổi: Được chẩn đoán bệnh tim mạch, bao gồm bệnh mạch vành, bệnh xơ vữa động mạch. Các triệu chứng mới hoặc thay đổi gợi ý bệnh lý tim mạch được đánh giá bằng PARQ+ Giai đoạn cuối bệnh thận Bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý về phổi đã được chẩn đoán |
4.Những lưu ý đặc biệt khi kiểm tra tập thể dục ở những người bệnh ĐTĐ:
- Khi bắt đầu một chương trình tập thể dục với cường độ từ nhẹ đến trung bình, kiểm tra tập thể dục thường không cần thiết đối với những người bị ĐTĐ hoặc ĐTĐ không có triệu chứng, và nguy cơ thấp CVD (<10% nguy cơ biến cố tim trong khoảng thời gian 10 năm bằng cách sử dụng công cụ tính rủi ro Framingham)
- Thử nghiệm điện tâm đồ (ECG) gắng sức có thể được chỉ định cho những người bị ĐTĐ, đặc biệt ở những người ít vận động và muốn tham gia vào các hoạt động cường độ mạnh.
- Nếu ghi nhận dương tính hoặc những thay đổi không đặc hiệu trên điện tâm đồ khi đáp ứng với tập thể dục hoặc quan sát thấy những thay đổi sóng ST và sóng T không đặc hiệu khi nghỉ ngơi, xét nghiệm chẩn đoán tiếp theo có thể được thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả chi phí và giá trị chẩn đoán của thử nghiệm chuyên sâu hơn vẫn còn là một câu hỏi
Thiếu máu cục bộ thầm lặng ở bệnh nhân ĐTĐ thường không bị phát hiện; do đó, đánh giá yếu tố nguy cơ CVD hàng năm nên được tiến hành
5. Chỉ định bài tập
Nhìn chung, chương trình tập thể dục nhịp điệu cho cá nhân không có biến chứng tuân theo các hướng dẫn của FITT (tần suất, cường độ, thời gian, loại hình). Chỉ định tập thể dục thích hợp là rất quan trọng để ngăn ngừa các vấn đề tuân thủ, liên quan đến sự phát triển của chấn thương và các yếu tố động lực, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường.
1 | ĐTĐ typ 1 | ĐTĐ typ 2 |
Tần suất | 3 ngày cường độ mạnh hoặc 5 ngày cường độ trung bình Thường xuyên hơn có thể có lợi | 7 ngày/ tuần (không nghỉ trên 2 ngày liên tục) |
Cường độ | Trung bình (40-59% VO2R hoặc 11-12 RPE) đến mạnh (60-89% VO2R hoặc 14-17 RPE) | Trung bình (40-59% VO2R hoặc 11-12 RPE) đến mạnh (60-89% VO2R hoặc 14-17 RPE). Những người yếu hơn có thể bắt đầu thấp hơn (30% – 59% O2R) |
Thời gian | Ít nhất 150 phút/tuần cường độ trung bình hoặc 60 phút/ tuần cường độ mạnh hoặc kết hợp. | Ít nhất 150 phút cường độ trung bình đến mạnh ( > 3 METs) |
Loại hình | Đi bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, chèo thuyền, bơi, hoạt động dưới nước, tập khi ngồi, thể thao đội nhóm… | Đi bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, chèo thuyền, bơi, hoạt động dưới nước, tập khi ngồi, thể thao đội nhóm… |
Tập kháng lực | 2-3 ngày/ tuần với 60-80% 1RM (bắt đầu thấp), RPE 11-15. 8-12 lần lặp/hiệp x 1-3 hiệp/mỗi nhóm cơ Phần trên cơ thể: 4-5 nhóm cơ Phần dưới/trục: 4-5 nhóm cơ | 2-3 ngày/ tuần với 60-80% 1RM (bắt đầu thấp), RPE 11-15. 8-12 lần lặp/hiệp x 1-3 hiệp/mỗi nhóm cơ Phần trên cơ thể: 4-5 nhóm cơ Phần dưới/trục: 4-5 nhóm cơ |
Tính linh hoạt | Kéo dãn tĩnh, động, PNF Kéo dãn tới lúc căng hoặc khó chịu nhẹ Giữ 10-30s, 2-4 lần lặp cho mỗi động tác | Kéo dãn tĩnh, động, PNF Kéo dãn tới lúc căng hoặc khó chịu nhẹ Giữ 10-30s, 2-4 lần lặp cho mỗi động tác |
Cân nhắc đặc biệt | Theo dõi đường huyết trước và sau khi tập thể dục. Chỉnh liều lượng insulin và / hoặc lượng carbohydrate bằng cách theo dõi lượng đường liên tục. | Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh ĐTĐ typ 2. Theo dõi đường huyết trước và sau khi tập thể dục. |
Cả luyện tập cường độ cao ngắt quãng và luyện tập sức đề kháng liên tục đều là những hình thức tập thể dục cường độ cao được khuyến nghị cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Mặc dù khi phù hợp với tiêu hao năng lượng, tập luyện aerobic cường độ thấp đến trung bình liên tục kéo dài có hiệu quả tương đương với tập luyện liên tục cường độ trung bình đến cao trong việc giảm HbA1C mức độ và tăng khả năng hiếu khí ở người lớn béo phì với ĐTĐ typ 2.
6. Các lưu ý về tập luyện trên bệnh nhân
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt làm tăng khả năng mất nước. Đảm bảo cung cấp nước thích hợp trong bất kỳ điều kiện môi trường nào là rất quan trọng. Tập thể dục trong môi trường khó khăn về nhiệt (ví dụ: nóng và / hoặc ẩm ướt) có thể gây khó khăn cho những người mắc bệnh tiểu đường vì các vấn đề về nước và chuyển hóa glucose tăng cao. Các chuyên gia tập thể dục nên đưa ra các biện pháp phòng ngừa và các chiến lược phòng ngừa để tránh tình trạng mất nước và / hoặc hạ đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Trong một số trường hợp, nên hoãn tập thể dục ngoài trời để đảm bảo một môi trường an toàn.
Biến chứng | Phòng ngừa |
Thần kinh tự động | Khả năng bị hạ đường huyết, HA bất thường (↑ / ↓) và suy giảm điều tiết nhiệt; nhịp tim khi nghỉ bất thường (↑) và nhịp tim tối đa (↓); các dây thần kinh SNS hoặc PNS bị suy yếu dẫn đến các bài tập bất thường về HR, HA và cung lượng tim; nên sử dụng thang RPE; dễ bị mất nước và tăng / hạ thân nhiệt. |
Thân kinh ngoại biên | Kiểm tra bàn chân hàng ngày và giảm thiểu tham gia vào các bài tập thể dục có thể gây chấn thương cho bàn chân (ví dụ: đi bộ đường dài, chạy bộ hoặc đi bộ trên bề mặt không bằng phẳng). Các bài tập không chịu trọng lượng (ví dụ, đạp xe, bài tập trên ghế, bơi lội) có thể thích hợp hơn Các bài tập dưới nước không được khuyến khích nếu có vết loét đang hoạt động. Nên đánh giá bàn chân thường xuyên. Giữ chân sạch sẽ và khô ráo. Chọn giày cẩn thận cho vừa vặn. Tránh các hoạt động đòi hỏi sự cân bằng lớn |
Thận | Tránh tập thể dục làm tăng HA quá mức (ví dụ, cử tạ, tập thể dục nhịp điệu cường độ cao) và không nín thở. Nên tập thể dục cường độ thấp hơn. |
Mắt | Với các giai đoạn tăng sinh của bệnh võng mạc, tránh các hoạt động mạnh, cường độ cao liên quan đến việc nín thở (ví dụ: cử tạ và co cơ đẳng trường) hoặc nâng cao quá đầu. Tránh các hoạt động làm thấp đầu (ví dụ: yoga, thể dục dụng cụ) hoặc có nguy cơ làm chói đầu. Tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa để biết những hạn chế và hạn chế cụ thể. Trong trường hợp không có nhịp tim đỉnh được xác định bằng một bài kiểm tra cực đại, nên sử dụng RPE (10–12). |
Tăng huyết áp | Tránh tập tạ nặng hoặc nín thở. Thực hiện các bài tập năng động sử dụng các nhóm cơ lớn, chẳng hạn như đi bộ và đạp xe ở cường độ thấp đến trung bình. Tuân theo hướng dẫn quản lý tăng huyết áp. Trong trường hợp không có nhịp tim đỉnh được xác định bằng một bài kiểm tra cực đại, nên sử dụng RPE (10–12). |
Tất cả cá nhân | Mang theo giấy tờ tùy thân với thông tin về bệnh tiểu đường. Duy trì cơ thể (uống nước trước, trong và sau khi tập thể dục). Tránh tập thể dục trong ngày nắng nóng và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (đội mũ và mặc áo chống nắng khi ra nắng). Mang theo các nguồn carbohydrate nhanh chóng bên mình trong tất cả các bài tập thể dục. |
Ở những người dùng insulin hoặc thuốc uống làm tăng bài tiết insulin của cơ thể, hoạt động thể chất có thể gây hạ đường huyết nếu liều lượng thuốc hoặc mức tiêu thụ carbohydrate không được thay đổi. Những người sử dụng các liệu pháp này có thể cần ăn một số carbohydrate bổ sung nếu mức đường trước khi tập là <100 mg / dL (5,6 mmol / L), tùy thuộc vào việc họ có thể làm giảm mức insulin trong quá trình tập luyện hay không (ví dụ: bằng bơm insulin hoặc giảm insulin trước khi tập luyện liều lượng), thời gian thực hiện bài tập trong ngày, cường độ và thời gian của hoạt động.
Hạ đường huyết ít phổ biến hơn ở những bệnh nhân tiểu đường không được điều trị bằng insulin hoặc thuốc gây giải phóng insulin và biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết thường được khuyến cáo trong những trường hợp này. Hạ đường huyết về đêm sẽ tăng lên nếu tập luyện muộn trong ngày, đặc biệt sử dụng insulin. Nó dường như là kết quả của việc gan và cơ bắp bổ sung lượng đường dự trữ sau khi tập thể dục. Cần thiết phải theo dõi lượng đường trong máu trong thời gian sau tập và ăn thêm một bữa ăn nhẹ nếu cần thiết. Nếu bạn cần một bữa ăn nhẹ, khoảng 15 gam CHO là cần thiết.
Kiểm tra trước và sau mỗi buổi tập thể dục. Cho phép cá nhân hiểu phản ứng của glucose với hoạt động thể lực. Điều quan trọng là đảm bảo rằng lượng glucose được kiểm soát tương đối tốt trước khi bắt đầu tập thể dục. Nếu đường huyết> 250–300 mg/dL cộng với ceton, nên hoãn tập thể dục; nếu> 250–300 mg/dL không có xeton, tập thể dục được nhưng hãy thận trọng; nếu <100 mg/ dL, một số người sử dụng insulin có thể cần ăn một bữa ăn nhẹ có carbohydrate dựa trên chế độ insulin và mức insulin lưu hành trong thời gian hoạt động thể lực và nếu 100–250 mg/dL, thì có thể tập bình thường.
Tài liệu tham khảo
- ACSM’s Exercise testing and Prescription.
- ACSM’s Guidelines for Exercise testing and Prescription.
- ACSM’s Complete Guide to Fitness & Health
- Physical Activity/Exercise and
- Diabetes: A Position Statement of the American Diabetes Association Diabetes Care 2016;39:2065–2079. DOI: 10.2337/dc16-1728