TẬT KHÚC XẠ: KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ TẠI ĐÀ NẴNG 2023

blank
Close up portrait of Girl reviewing eye sight closing eye with hand.Test chart in background.
Đánh giá nội dung:

Tật khúc xạ học đường đang gia tăng ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hiện nay tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 333 triệu người trên thế giới bị mù hoặc khuyết tật về thị giác.

Châu Á đang là nơi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường cao nhất thế giới, đặc biệt là ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore, nơi mà tật khúc xạ chiếm khoảng từ 80% đến 90% ở học sinh phổ thông.

Tật khúc xạ đặc biệt là cận thị đang là mối quan tâm đặc biệt vì những tác động của nó tới sức khoẻ cộng đồng. Tật khúc xạ không chỉ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh mà khi mắc tật khúc xạ nặng sẽ có nguy cơ mắc nhiều biến chứng như vẩn đục dịch kính, đục thủy tinh thể, glôcôm, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc và nhược thị có thể gây mù lòa cho học sinh.

Ngoài ra, chi phí liên quan đến điều trị tật khúc xạ cũng là một gánh nặng cho gia đình và xã hội.

- Nhà tài trợ nội dung -

Tật khúc xạ là gì?

Mắt chính thị là mắt bình thường ở trạng thái nghỉ ngơi và không có điều tiết thì các tia sáng phản chiếu từ các vật ở xa sẽ được hội tụ trên võng mạc.

blank
Hình: Mắt bình thường và mắt cận thị.

Khi mắt bị tật khúc xạ thì một vật ở vô cực sẽ tạo thành hình ảnh trong mắt ở trước hoặc sau võng mạc. Tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị và loạn thị.

Cận thị là gì?

Là mắt có công suất quang học quá cao so với độ dài trục nhãn cầu. Ở mắt cận thị không điều tiết, các tia sáng song song đi từ một vật ở xa được hội tụ ở phía trước võng mạc (xem hình phí trên).

Viễn thị là gì?

Mắt viễn thị ngược lại với mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường và khi đó hình ảnh của vật nằm ở phía sau của võng mạc.

blank
Hình: Mắt viễn thị

Loạn thị

Mắt loạn thị là mắt có các kinh tuyến khúc xạ không đều nhau, do đó ảnh của một điểm qua hệ quang học này không phải là một điểm mà là một đường thẳng.

blank
Hình. Mắt loạn thị

Chẩn đoán tật khúc xạ

Trên thực tế lâm sàng, người ta thường chẩn đoán tật khúc xạ dựa vào độ cầu tương đương SE (Spherical Equivalent). Công thức tính cầu tương đương SE như sau:

Độ cầu tương đương (SE) = Độ khúc xạ cầu + ½ độ trụ

Theo lý thuyết, nếu phương pháp đo khúc xạ là tuyệt đối chính xác và mắt hoàn toàn không điều tiết, mắt chính thị là mắt có độ khúc xạ cầu tương đương bằng 0. Thực tế người ta không lấy tiêu chuẩn SE bằng 0 làm tiêu chuẩn chẩn đoán tật khúc xạ bởi vì các phương pháp đo khúc xạ thường có sai số trong giới hạn cho phép.

Do đó các nghiên cứu về tật khúc xạ thường lấy các tiêu chuẩn chẩn đoán như sau: mắt chính thị là mắt có SE nằm trong khoảng từ -0,50D đến +0,50D; cận thị là mắt có SE từ -0,50D trở lên; viễn thị là mắt có SE từ +0,50D trở lên và mắt loạn thị là mắt có độ trụ từ 0,75D trở lên.

Phân loại tật khúc xạ

Phân loại cận thị

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về cách phân loại cận thị, tuy nhiên về phương diện lâm sàng thường được phân loại cận thị thành các mức độ sau: cận thị nhẹ < -3,00D, cận thị trung bình từ -3,00D đến -6,00D, cận thị nặng > -6,00D.

Phân loại viễn thị

Dựa vào mức độ điều tiết viễn thị được phân loại như sau:  viễn thị  nhẹ ≤ +2,00D, viễn thị trung bình từ +2,25D đến + 5,00D, viễn thị nặng > +5,00D.

Phân loại loạn thị

Loạn thị được phân loại theo các mức độ như sau: loạn thị nhẹ < 1,00D, loạn thị trung bình từ 1,00D đến 2,00D, loạn thị nặng từ 2,25D đến 3,00D, loạn thị rất nặng > 3,00D.

Nguyên nhân tật khúc xạ

Nguyên nhân cận thị

  • Nguyên nhân bẩm sinh: nguyên nhân của cận thị thông thường là do sự sai lạc phát triển xảy ra ở thời kỳ phôi thai và thời kỳ phát triển tích cực.

Những rối loạn dẫn đến những bất thường của những thành phần cấu tạo khúc xạ nhãn cầu như: độ cong giác mạc, độ sâu tiền phòng…Di truyền đóng một vai trò cao và khá rõ nét trong cận thị bẩm sinh và cận thị nặng.

  • Nguyên nhân môi trường: môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng khúc xạ của mắt học sinh, sự gắng sức trong làm việc ở thị giác gần kéo dài. Đối với lứa tuổi học sinh, yếu tố trường học là một trong những nguyên nhân chính có nguy cơ dẫn đến tật khúc xạ. Các yếu tố trường học có thể kể đến là:

+ Ánh sáng: Thị lực phụ thuộc vào độ chiếu sáng, nếu tăng độ chiếu sáng thì khả năng phân biệt những vật nhỏ sẽ tăng. Do vậy, thiếu ánh sáng và chiếu sáng không hợp lý trong khi học sẽ gây mỏi điều tiết là một trong những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho tật khúc xạ phát sinh và phát triển.

+ Kích thước bàn ghế: Bàn ghế thiếu, kích thước không phù hợp với lứa tuổi học sinh, sắp xếp sai quy cách, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh học đường: bàn cao ghế thấp hoặc bàn thấp ghế cao (hiệu số bàn ghế sử dụng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh học đường).

  • Một số yếu tố bất lợi khác: một số yếu tố bất lợi khác như sách vở, chữ viết… chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nhìn gần liên tục, đọc sách truyện quá nhiều, nhất là sách truyện có cỡ chữ nhỏ, giấy đen… Do chế độ học tập quá căng thẳng. Gần đây nguyên nhân do một số trò chơi giải trí như điện tử, băng hoạt hình ngày càng nhiều và chiếm nhiều thời gian học tập, nghỉ ngơi của học sinh, mắt phải điều tiết nhiều, là điều kiện có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tật khúc xạ.

Xem thêm: TOP 5 ĐỊA CHỈ MỔ CẬN THỊ TỐT NHẤT ĐÀ NẴNG

Nguyên nhân viễn thị

  • Viễn thị sinh lý: viễn thị gây ra bởi sự mất cân bằng hài hòa giữa trục trước sau của nhãn cầu và lực quang học của mắt khiến cho ảnh hội tụ sau võng mạc. Viễn thị được cho là sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và các biến đổi sinh lý khác của mắt. Yếu tố môi trường ít gây tác động lên viễn thị hơn so với cận thị.
  • Viễn thị bệnh lý: viễn thị bệnh lý gây ra bởi sự phát triển bất thường diễn ra trong quá trình bào thai hoặc sơ sinh, do các biến đổi ở giác mạc và thủy tinh thể, do viêm hoặc u tăng sinh ở hắc võng mạc hoặc hốc mắt, hoặc do nguyên nhân thần kinh hoặc hóa học. Viễn thị bệnh lý có thể liên quan đến các bệnh lý nặng ở mắt hoặc toàn thân.

Nguyên nhân loạn thị

  • Do mặt trước giác mạc: đây là nguyên nhân thông thường nhất gây ra loạn thị. Do sự khác biệt về chiết suất giữa các môi trường nên một sự thay đổi bán kính độ cong không lớn trên giác mạc cũng có thể gây ra sự khác biệt lớn về mặt công suất giữa các kinh tuyến và từ đó tạo ra loạn thị.
  • Do mặt sau giác mạc: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặt sau của giác mạc cũng đóng góp vào việc tạo nên loạn thị. Tuy nhiên việc đo xác định loạn thị mặt sau giác mạc khó thực hiện với các phương tiện đo thông thường như máy đo độ cong giác mạc.
  • Do thủy tinh thể: thủy tinh thể cũng có thể gây ra loạn thị. Loạn thị của thủy tinh thể thường là loạn thị nghịch và loạn thị này sẽ phối hợp với loạn thị thuận của giác mạc, điều này khiến mắt thành không loạn thị và đây là trường hợp của đa số các mắt thông thường.Việc thủy tinh thể bị lệch hoặc nghiêng cũng tạo ra loạn thị.

Điều trị tật khúc xạ

Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các nhà khoa  học đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị tật khúc xạ khác nhau. Tùy thuộc vào độ tuổi, điều kiện kinh tế và đặc thù công việc, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị tật khúc xạ bằng đeo kính gọng

Điều chỉnh quang học thông dụng nhất hiện nay là kính gọng, tùy thuộc vào các loại tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) để điều chỉnh kính cho

phù hợp với từng bệnh nhân. Dùng kính gọng là phương pháp thông dụng, rẻ tiền, có thể áp dụng được cho nhiều đối tượng và có thể thay đổi gọng kính theo thời trang. Kính gọng sẽ an toàn cho mắt nhất là khi tròng kính làm bằng chất liệu nhựa hoặc polycarbonate do tính chống va đập tốt của chất liệu.

Tuy nhiên, đeo kính gọng bệnh nhân chỉ nhìn thấy rõ khi đeo kính, khi không có sự hỗ trợ của kính thì lại thấy mờ như cũ, người bị tật khúc xạ luôn luôn phải phụ thuộc vào cặp kính mọi lúc, mọi nơi, gây nhiều bất tiện trong các hoạt động thể thao, giải trí… Ngoài ra khi đeo kính gọng, góc nhìn bị thu hẹp, hình ảnh bị thu nhỏ, nhất là với những người bị cận thị nặng.

Điều trị tật khúc xạ bằng đeo kính tiếp xúc (kính áp tròng)

Kính tiếp xúc là một hình chỏm cầu bằng nhựa tổng hợp, trong suốt, được áp trực tiếp lên giác mạc. Kính tiếp xúc cho hình ảnh võng mạc có kích thước lớn hơn kính gọng, nhất là trong các trường hợp cận thị nặng. Kính tiếp xúc làm giảm đáng kể các khó chịu do sức nặng của gọng kính, thị trường thu hẹp và tác dụng lăng kính mà bệnh nhân gặp phải khi đeo kính gọng.

Kính tiếp xúc giải quyết được những yếu điểm của kính gọng, có tính thẩm mỹ cao, thích hợp để điều chỉnh bất đồng khúc xạ, thuận tiện khi chơi thể thao, không bị bám hơi nước và có thể thay đổi màu mắt. Tuy nhiên những người sử dụng kính cần phải giữ gìn vệ sinh tốt khi đeo kính tiếp xúc, đặc biệt trong môi trường nóng, ẩm, nhiều bụi như ở Việt Nam.

Chỉnh giác mạc bằng kính tiếp xúc cứng thấm khí Orthokeratology

Đây là phương pháp sử dụng các kính tiếp xúc cứng thấm khí đeo trong một thời gian nhất định. Việc đeo loại kính này giúp làm dẹt vùng trung tâm giác mạc trong một thời gian. Điều này giúp điều chỉnh được tật khúc xạ.

Ngoài thiết kế đặc biệt loại kính tiếp xúc này do phải đeo về đêm khi đi ngủ nên phải làm bằng chất liệu có tính thấm khí cao. Phương pháp này có thể điều chỉnh cận thị đến -6,00D và loạn thị tới +/- 0,75D.

Huấn luyện thị giác

Đối với cận thị huấn luyện thị giác có tác dụng làm giảm điều tiết trong trường hợp cận thị giả, nhưng trên các bệnh nhân cận thị thông thường việc huấn luyện chưa chứng minh được khả năng làm chậm sự phát triển của cận thị hoặc làm giảm độ cận thị.

Đối với viễn thị huấn luyện thị giác là một điều trị hữu hiệu cho các rối loạn về điều tiết hoặc những rối loạn về thị giác 2 mắt gây ra do viễn thị. Huấn luyện thị giác giúp cải thiện tình trạng điều tiết của bệnh nhân vốn không cải thiện hoàn toàn bằng việc đeo kính gọng. Việc kết hợp giữa điều chỉnh quang học và huấn luyện thị giác làm cải thiện đáng kể tình trạng thị giác 2 mắt của bệnh nhân trong trường hợp lác trong do viễn thị [20].

Vệ sinh thị giác

  • Khi đọc sách hoặc làm các công việc đòi hỏi nỗ lực thị giác cao ở thị giác gần, cần nghỉ ngơi mắt mỗi 45 phút. Khi nghỉ cần đứng lên đi lại và nhìn xa.
  • Khoảng cách đọc sách cần phù hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách là từ 35-40cm.
  • Khi đọc sách cần có đủ ánh sáng. Ngoài ánh sáng của phòng cần có 1 ngọn đèn để bàn và cách chiếu sáng tốt nhất là từ sau chiếu qua vai hơn là chiếu trực tiếp từ phía trước để tránh phản xạ vào mắt.
  • Khi đọc sách hoặc làm việc với máy vi tính ta cần ngồi ngay ngắn giữ cho lưng thẳng và thư giãn.
  • Đối với trẻ em cần hạn chế thời gian xem truyền hình và chơi game.
  • Khi xem ti vi ngồi cách màn hình bằng 7 lần chiều rộng của màn hình (khoảng 2,5m đến 3m).
  • Tham gia các hoạt động ngoài trời, điều này giúp cho mắt nhìn xa và thị giác được thư giãn.

Điều trị tật khúc xạ bằng phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ ngày càng phổ biến và được áp dụng rộng rãi. Phẫu thuật tật khúc xạ được phân loại dựa vào các thành phần nhãn cầu bị tác động nhằm thay đổi tình trạng khúc xạ: giác mạc, thủy tinh thể và trục nhãn cầu. Phẫu thuật tật khúc xạ còn có thể được phân loại theo cơ chế tác động của phẫu thuật như tăng cường (ghép bồi giác mạc, cấy nhu mô giác mạc), cắt bớt, nới dãn (rạch giác mạc hình nan hoa, rạch giác mạc điều trị  loạn thị), co rút (nhiệt đông giác mạc bằng đầu nhiệt, laser, sóng radio cao tần).

TẬT KHÚC XẠ