Cholestyramine là thuốc gì? Công dụng; liều dùng; chỉ định; chống chỉ định bacsidanang.com
Tác dụng
Tác dụng của cholestyramine là gì?
Cholestyramine được dùng chung với một chế độ dinh dưỡng hợp lý để làm giảm lượng cholesterol trong máu. Việc làm giảm cholesterol có tác dụng giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý (như chế độ dinh dưỡng ít chất béo/ít cholesterol), việc thay đổi lối sống bao gồm tập luyện thể dục, giảm cân nếu bị thừa cân, và ngưng hút thuốc có thể giúp cho cholestyramine hoạt động hiệu quả hơn. Tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để biết thêm thông tin chi tết.
Cholestyramine cũng có thể được dùng để điều trị tình trạng ngứa ở những người có quá nhiều axit mật do tắc mật một phần (một loại về bệnh gan/ống mật).
Cholestyramine là một loại nhựa gắn axit mật. Cholestyramine hoạt động bằng cách loại bỏ axit mật ra khỏi cơ thể. Ở những người bị tăng cholesterol, điều này làm cho gan tạo ra nhiều axit mật hơn bằng cách sử dụng cholesterol có trong máu. Điều này có tác dụng giúp làm giảm lượng cholesterol.
Bạn nên dùng cholestyramine như thế nào?
Dùng thuốc này bằng đường uống theo như sự chỉ dẫn của bác sĩ, thường từ 1 đến 2 lần mỗi ngày. Thuốc này có sẵn ở dạng bột kèm theo muỗng đo liều lượng (sử dụng loại muỗng được nhà sản xuất cung cấp) hoặc dạng bột có trong gói thuốc cá nhân. Không được dùng thuốc ở dạng bột khô. Hòa trộn thuốc vào tối thiểu 60 đến 180 mililit chất lỏng (như nước, sữa, nước ép trái cây), khuấy đều hỗn hợp thuốc, và uống ngay. Súc ly thuốc bằng nhiều chất lỏng hơn và uống phần chất lỏng này để bảo đảm bạn đã dùng hết toàn bộ liều thuốc. Bạn cũng có thể trộn thuốc này với món súp nhiều nước, nước xốt táo, hoặc trái cây dạng mềm nhão chứa nhiều nước (như dứa, đào được ép nhuyễn).
Không ngậm hỗn hợp thuốc trong miệng quá lâu vì có thể gây hại đến răng. Thực hiện thói quen bảo vệ răng miệng tốt (như đánh răng và làm sạch kẽ răng thường xuyên).
Liều lượng thuốc được dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với điều trị của bạn. Để làm giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn bắt đầu dùng thuốc này ở liều lượng thấp và tăng dần liều lượng lên. Hãy thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ cẩn thận. Có thể phải mất đến vài tuần để bạn có được đầy đủ lợi ích từ thuốc.
Cholestyramine có thể làm giảm sự hấp thụ của các loại thuốc khác. Hãy dùng các loại thuốc khác theo như chỉ dẫn của bác sĩ, thường ít nhất 1 giờ trước hoặc từ 4 đến 6 giờ sau khi dùng cholestyramine. Tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm thông tin hoặc nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào.
Dùng thuốc này thường xuyên để có được lợi ích tốt nhất từ thuốc. Để ghi nhớ, hãy dùng thuốc vào cùng các khoảng thời gian vào mỗi ngày. Điều quan trọng là vẫn phải tiếp tục dùng thuốc này cho dù bạn cảm thấy khỏe hơn. Hầu hết những người bị tăng cholesterol đều không cảm thấy bị bệnh.
Bạn nên bảo quản cholestyramine như thế nào?
Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng cholestyramine cho người lớn như thế nào?
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tăng lipoprotein máu
Liều khởi đầu: uống 4g, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày.
Liều duy trì: uống 4g, 3 lần mỗi ngày trước khi ăn. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và nên được dựa trên khả năng đáp ứng điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc. Liều lượng thuốc nên ở mức từ 8 đến 36 g mỗi ngày, chia thành 2 đến 4 liều.
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tăng lipoprotein máu tuýp IIa (tăng lipoprotein tỷ trọng thấp LDL)
Liều khởi đầu: uống 4g, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày.
Liều duy trì: uống 4g, 3 lần mỗi ngày trước khi ăn. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và nên được dựa trên khả năng đáp ứng điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc. Liều lượng thuốc nên ở mức từ 8 đến 36 g mỗi ngày, chia thành 2 đến 4 liều.
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tăng lipoprotein máu tuýp IIb (tăng lipoprotein tỷ trọng thấp LDL + lipoprotein tỷ trọng rất thấp VLDL)
Liều khởi đầu: uống 4g, 1 lần một ngày.
Liều dùng duy trì: uống 4g, 3 lần một ngày trước khi ăn. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và nên được dựa trên khả năng đáp ứng điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc. Liều lượng thuốc nên ở mức từ 8 đến 36 g mỗi ngày, chia thành 2 đến 4 liều.
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh ngứa do tắc mật một phần
Liều khởi đầu: uống 4g, 1 hoặc 2 lần một ngày.
Liều dùng duy trì: uống 4g, 3 lần một ngày trước khi ăn. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và nên được dựa trên khả năng đáp ứng điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc. Liều lượng thuốc nên ở mức từ 8 đến 36 g mỗi ngày, chia thành 2 đến 4 liều
Liều dùng cholestyramine cho trẻ em như thế nào?
Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh tăng lipoprotein máu
Liều khởi đầu:
Trẻ em <10 tuổi: uống 2 g mỗi ngày, chia thành các liều bằng nhau dùng từ 2 đến 4 lần một ngày. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và được dựa trên đáp ứng với điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc.
Trẻ em từ 10 đến 18 tuổi: uống 2 g mỗi ngày, chia thành các liều bằng nhau từ 2 đến 4 lần một ngày. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và được dựa trên đáp ứng với điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc.
Liều duy trì:
Trẻ em <10 tuổi: uống từ 1 đến 4 g mỗi ngày, chia thành các liều bằng nhau dùng từ 2 đến 4 lần một ngày. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và được dựa trên đáp ứng với điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc.
Trẻ em từ 10 đến 18 tuổi: uống từ 1 đến 8 g mỗi ngày, chia thành các liều bằng nhau dùng từ 2 đến 4 lần một ngày. Liều lượng thuốc nên được chỉ định rõ cho từng bệnh nhân và được dựa trên đáp ứng với điều trị và dung nạp với các tác dụng phụ của thuốc.
Cholestyramine có những dạng và hàm lượng nào?
Cholestyramine có những dạng và hàm lượng sau:
- Thuốc bột dùng để pha hỗn dịch, đường uống: 4g/9g, 4g/5g.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng cholestyramine?
Hãy nhờ đến sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn mắc bất kỳ các dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng sau đây: phát ban; khó thở; sưng tấy ở mặt, môi, lưỡi, họng.
Hãy gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn mắc bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:
- Có máu trong nước tiểu;
- Đau bụng dữ dội;
- Đang bị táo bón;
- Cảm giác thở ngắn;
- Phân có màu đen, có máu, hoặc như hắc ín;
- Dễ thâm tím hoặc chảy máu;
Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:
- Táo bón nhẹ, tiêu chảy;
- Đau bụng, buồn nôn, chán ăn, thay đổi cân nặng;
- Sưng phù hoặc đầy hơi;
- Nấc cục hoặc miệng có vị chua;
- Phát ban ở da hoặc ngứa;
- Tấy rát ở lưỡi;
- Ngứa hoặc tấy rát ở xung quanh vùng trực tràng ;
- Đau cơ hoặc khớp xương;
- Choáng váng, cảm giác quay cuồng; ù tai.
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng cholestyramine bạn nên biết những gì?
Trước khi dùng cholestyramine, bạn nên:
- Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với cholestyramine hoặc với bất kỳ các loại thuốc khác;
- Báo với bác sĩ và dược sĩ về bất kỳ loại thuốc kê toa hoặc kê toa nào mà bạn đang dùng, đặc biệt là amiodarone (Cordarone), kháng sinh, thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin), digitoxin, digoxin (Lanoxin), thuốc lợi tiểu, sắt, loperamide (Imodium), mycophenolate (Cellcept), thuốc trị đái tháo đường dùng đường uống, phenobarbital, phenylbutazone, propranolol (Inderal), thuốc trị bệnh tuyến giáp, và các vitamin;
- Báo với bác sĩ nếu bạn đang hoặc đã từng bị bệnh tim, đặc biệt là đau thắt ngực; bệnh dạ dày, ruột, túi mật; hoặc bệnh phenylceton niệu;
- Báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú. Nếu bạn có thai trong khi đang dùng cholestyramine, hãy liên hệ với bác sĩ;
- Nếu bạn đang trong quá trình phẫu thuật, bao gồm phẫu thuật nha khoa, hãy thông báo với bác sĩ hoặc nha sĩ rằng bạn đang dùng cholestyramine.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:
- A= Không có nguy cơ;
- B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
- C = Có thể có nguy cơ;
- D = Có bằng chứng về nguy cơ;
- X = Chống chỉ định;
- N = Vẫn chưa biết.
Việc dùng cholestyramine có thể làm cho cơ thể bạn khó hấp thu một số loại vitamin cần thiết trong quá trình cho con bú. Không được dùng cholestyramine mà không thông báo với bác sĩ nếu bạn đang cho con bú.
Tương tác thuốc
Cholestyramine có thể tương tác với thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Cholestyramine có thể làm cho cơ thể bạn khó hấp thu các loại thuốc khác như:
- Thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin, Jantoven);
- Digoxin (digitalis, Lanoxin);
- Propranolol (Inderal);
- Thuốc lợi tiểu;
- Các hormone tuyến giáp như levothyroxine (Synthroid, Levoxyl, Levothroid);
- Thuốc tránh thai hoặc thay thế hormon;
- Thuốc trị co giật như phenytoin (Dilantin) and phenobarbital (Luminal, Solfoton);
- Kháng sinh như amoxicillin (Amoxil, Trimox, others), doxycycline (Adoxa, Doryx, Oracea, Vibramycin), minocycline (Dynacin, Minocin, Solodyn, Vectrin), penicillin (BeePen-VK, Pen-Vee K, Veetids, others), tetracycline (Brodspec, Panmycin, Sumycin, Tetracap).
Thức ăn và rượu bia có tương tác tới cholestyramine không?
Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến cholestyramine?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Các vấn đề về chảy máu;
- Táo bón;
- Sỏi mật;
- Bệnh tim hoặc mạch máu;
- Bệnh trĩ;
- Viêm loét dạ dày hoặc các vấn đề về dạ dày khác;
- Giảm hoạt năng tuyến giáp – Cholestyramine có thể làm tình trạng này tồi tệ hơn;
- Bệnsh thận – Làm tăng nguy cơ tiến triển các vấn đề về điện giải (vấn đề trong máu);
- Bệnh phenylceton niệu – Phenylalanine trong aspartame là một thành phần không đường trong viên thuốc cholestyramine và nên tránh dùng. Aspartame có thể gây ra các vấn đề ở người mắc bệnh phenylceton niệu.
Khẩn cấp/Quá liều
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Các triệu chứng quá liều bao gồm đau bụng dữ dội hoặc táo bón.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Các bài viết của Bacsidanang.com Group chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
“Bacsidanang.com – Trang web cung cấp những thông tin chính thống về sức khỏe và địa chỉ khám bệnh tin cậy ở Đà Nẵng. Email:bacsidanang@gmail.com.”