VẬT LÝ TRỊ LIỆU – VẸO CỔ DO TẬT CƠ ỨC ĐÒN CHŨM Ở TRẺ EM

blank
Đánh giá nội dung:

VẬT LÝ TRỊ LIỆU – VẸO CỔ DO TẬT CƠ ỨC ĐÒN CHŨM Ở TRẺ EM

I. ĐỊNH NGHĨA

Vẹo cổ do tật cơ là tình trạng cơ ức đòn chũm (UĐC) bị xơ hoá, co rút dẫn đến tư thế đầu nghiêng về phía bên có khối u cơ và mặt xoay về phía đối diện, ít có khả năng đưa đầu về đường giữa thân người.

Một khối u nằm trên cơ UĐC được phát hiện rõ nhất trong khoảng từ 1 – 2 tuần tuổi sau sanh. Thời gian đầu khối u có thể mềm không gây trở ngại nhiều cho tầm vận động (TVĐ) cột sống cổ. Sau đó khối u dần dần hoá thành mô sợi làm hiện tượng vẹo cổ tăng dần vì cơ UĐC bị co rút lại, làm giới hạn TVĐ cột sống cổ. Thời gian sau thường có biến dạng thứ cấp như sọ mặt bị lép, má xệ, mắt nhỏ, vẹo cột sống, xương đòn và vai bên có tật cao hơn bên bình thường.

- Nhà tài trợ nội dung -

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi bệnh sử

• Tiền căn sản khoa: sanh ngôi mông, sanh khó, sanh hút, cân nặng lúc sanh, sanh đủ tháng hay thiếu tháng, sanh con thứ mấy.

• Thời gian phát hiện khối u.

b. Khám lâm sàng

• Tổng trạng.

• Phát triển vận động: có phù hợp với tuổi?

• Tư thế của đầu: khi nằm ngửa hoặc khi ngồi.

• Tầm vận động cột sống cổ: có giới hạn không, nếu có phải xác định tầm độ giới hạn.

• Trạng thái cơ UĐC và cơ thang trên: mềm hay co thắt.

• Khối u trên cơ UĐC: mềm hay cứng, xác định diện tích, khối u có nóng và đau.

• Hình thể sọ mặt: bị lép hoặc biến dạng.

• Mắt và chức năng thị giác.

• Cột sống.

• Các bệnh và tật khác.

c. Cận lâm sàng: siêu âm cơ UĐC.

2. Chẩn đoán xác định

• Có khối u nằm dọc thân cơ UĐC.

• Khối u có mật độ chắc không di động.

• Siêu âm xác định có khối u cơ UĐC.

3. Chẩn đoán phân biệt

• Hạch lao hay hạch nhiễm trùng vùng cổ gây đau

• Bất thường các đốt sống cổ: tật nửa đốt sống bẩm sinh, hội chứng Klippel Fiel.

• Tật vẹo cổ do thị giác.

• Hình dáng sọ không đều.

• Tổn thương não hoặc bất thường về phát triển vận động: thường thấy ở trẻ có phản xạ trương lực cổ bất đối xứng, trẻ giảm trương lực cơ hoặc chậm phát triển vận động.

• Vẹo cổ không rõ nguyên nhân.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Mục tiêu điều trị

• Ngừa co rút cơ UĐC.

• Lấy lại tầm hoạt động cột sống cổ.

• Tăng sức mạnh của cơ UĐC đối bên.

• Ngừa biến dạng sọ – mặt, cột sống.

2. Vật lý trị liệu

Tùy theo lứa tuổi của bệnh nhi đến bệnh viện cũng như tùy tình trạng và mức độ tiến triển của bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

2.1. VLTL bảo tồn: VLTL bằng tay được thực hiện sớm ngay từ khi phát hiện u cơ.

• Kéo dãn cơ UĐC bằng tay: vận động thụ động nghiêng đầu ngược bên và xoay đầu cùng bên với bên có khối u cơ UĐC.

• Kéo dãn cơ UĐC bằng tư thế: bồng trên cẳng tay mẹ, nằm sấp.

• Vận động chủ động áp dụng ngay khi trẻ có thể thực hiện cử động xoay đầu chủ động qua đường giữa thân người: kích thích trẻ nghiêng và xoay đầu chủ động bằng bài tập chỉnh thế đầu và mạnh nhóm cơ UĐC đối bên.

• Mang nẹp cổ nếu cần.

2.2. VLTL sau phẫu thuật: chỉ định phẫu thuật được áp dụng khi trẻ đến bệnh viện quá muộn hoặc việc điều trị bảo tồn không có kết quả,biến dạng đã quá rõ rệt, thường là khoảng 5 – 6 tháng tuổi. Phẫu thuật nhằm cắt bỏ một phần bám của cơ UĐC trên xương ức.

VLTL sau phẫu thuật được thực hiện khi có y lệnh BS

• Chủ động tập nghiêng đầu ngược bên và xoay đầu cùng bên với bên có khối u cơ UĐC nhẹ nhàng bằng bài tập chỉnh thế đầu và mạnh nhóm cơ UĐC đối bên.

• Kéo dãn thụ động nhẹ nhàng cơ UĐC vào những ngày sau đó.

• Kéo tạ cột sống cổ với trọng lượng bằng 1/12 trọng lượng cơ thể, được áp dụng cho trẻ trên 3 tuổi hoặc trẻ lớn có sự hợp tác.

• Thâu nhận cảm giác bản thể về vị trí thẳng của đầu trong không gian.

• Chú ý giữ tư thế thẳng đầu trong sinh hoạt hằng ngày.

• Nẹp cổ (mềm hoặc cứng) được mang thường xuyên ngoài thời gian thực hiện VLTL.

IV. đề phòng tai biến khi tập luyện

• Không được massage trên khối u cơ UĐC vì làm khối u sưng thêm.

• Tránh kéo dãn cột sống cổ thái quá có nguy cơ gây liệt đám rối thần kinh cánh tay.

• Đối với những khối u quá to, nên tập luyện từ từ để tránh trẻ bị ho, sặc, tím tái.

V. theo dõi và tái khám

• Tập tích cực trong 3 tháng đầu và hướng dẫn bài tập về nhà. Sau đó hẹn tái khám mỗi tháng 1 lần cho đến khi trẻ được 3 tuổi.

• Tiêu chuẩn đánh giá kết quả tốt: đầu ở vị thế thẳng, tầm vận động cột sống cổ chủ động không bị giới hạn, không thấy khối u cơ UĐC.

VI. TIÊN LƯỢNG

Hầu hết phần lớn trẻ bị vẹo cổ do u cơ UĐC đều có kết quả tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm ngay sau khi sanh vài tuần tuổi.

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com