PHÌNH XOANG VALSALVA

blank
Đánh giá nội dung:

PHÌNH XOANG VALSALVA

1. ĐỊNH NGHĨA PHÌNH XOANG VALSALVA

Phình xoang Valsalva được xác định là sự phình và dãn lớn phần gốc động mạch chủ được bao bọc bởi lá van động mạch chủ, vòng van động mạch chủ và giới hạn giữa phần ống và phần xoang của động mạch chủ.

Phình xoang Valsalva có thể xẩy ra một hoặc nhiều xoang Valsalva. Nếu do nguyên nhân bẩm sinh thường chỉ xẩy ra một xoang Valsalva. Nếu do nguyên nhân mắc phải như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, giang mai, xơ cứng động mạch,chấn thương hoặc các bệnh lý mô liên kết (Marfan) thì phình có thể xẩy ra nhiều xoang.

- Nhà tài trợ nội dung -

2. PHÂN LOẠI PHÌNH XOANG VALSALVA:

2.1 Theo giải phẫu:

– Phình xoang Valsalva phải: thường gặp chiếm 65-70% các trường hợp phình.

✓ Thường vỡ vào thất phải: chiếm 70-90%, vỡ vào nhĩ phải: chiếm 5-20% và vỡ vào các cấu trúc khác: Vách liên thất, động mạch phổi, màng ngoài tim: chiếm 1-2%. Không bao giờ vỡ vào nhĩ trái

– Phình xoang Valsalva không vành: chiếm khoảng 20-35% các trường hợp phình

✓ Vỡ vào nhĩ phải: chiếm 70-85%, vỡ vào thất phải: chiếm 10-25% , vỡ vào các cấu trúc khác như nhĩ trái, thất trái, màng ngoài tim (< 1%). Không bao giờ v.v ở động mạch phổi.

– Phình xoang Valsalva trái: Hiếm gặp (<5%) và có thể vỡ vào bất cứ vị trí nào

2.2 Phân loại theo Sakakibara và Konno:

– Phình xoang vành phải phần sau: Type I

– Phình xoang vành phải phần giữa: Type II

– Phình xoang vành phải phần trước: Type III :

IIIa : vỡ vào nhĩ phải

IIIb : vỡ vào thất phải

– Phình xoang không vành: Type IV

3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:

Phình xoang Valsalva nếu chưa vỡ thường không có triệu chứng lâm sàng gợi ý và bệnh được phát hiện tình cờ khi khám bệnh.

Nếu phình lớn có thể có triệu chứng do chèn ép các c ấu trúc lân cận, có thể là triệu chứng hở van động mạch chủ do dãn vòng van và sa lá van, chèn ép động mạch vành gây thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, hoặc đôi khi biểu hiện bệnh gây ra phình như: viêm nội tâm mạc nhiễm trùng …

Nếu phình vỡ vào các buồng tim có áp lực thấp kế cận: Nhĩ phải, thất phải, ngoài triệu chứng cơ năng như khó thở, mệt, hồi hộp, đau ngực ta có thể khám nghe được âm thổi liên tục.

Trong trường hợp này cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như còn ống động mạch, cửa sổ phế chủ, dò động tĩnh mạch hoặc bệnh thông liên thất kèm hở van động mạch chủ.

Nếu phình vỡ vào thất trái hoặc vào động mạch phổi mà có tăng áp động mạch phổi nặng thường không nghe được âm thổi trên lâm sàng

4. CẬN LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN:

– X-quang: Bóng tim lớn, có tăng tuần hoàn hai phế trường.

– Điện tâm đồ: Thường có bất thường nhựng không đặc hiệu.

Các dấu hiệu gợi ý như sau: phì đại thất , rối loạn dẫn truyền hoặc thiếu máu cơ tim.

– Chẩn đoán hình ảnh siêu âm: thường là yếu tố quyết định để chẩn đoán và đánh giá:

✓ Vị trí phình

✓ Vị trí dò của phình

✓ Các bệnh tim khác kèm theo như thông liên thất, hở van động mạch chủ…

– Chụp mạch máu: cho hình ảnh giải phẫu phình rõ ràng, có thể phát hiện bệnh lý mạch vành và hở van động mạch chủ nhưng đôi khi bỏ sót lỗ thông liên thất kèm theo do túi phình che l ấp (15% các trường hợp).

– Cộng hưởng từ không có vai trò rõ ràng.

5. CHỈ ĐỊNH PHẪU THUẬT : nên phẫu thuật khi phát hiện được bệnh để tranh các biến chứng về sau.

– Khi bệnh nhân có triệu chứng do khối phình chèn ép các cơ quan lân cận gây ra : hở van động mạch chủ, chèn ép động mạch vành.

– Khối phình to dễ vỡ

– Khối phình dò vào buồng tim.

6. PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRỊ:

6 .1 Điều trị nội khoa thường không có kết quả tốt, chỉ làm hạn chế triệu chứng do khối phình gây nên.

6.2 Phẫu thuật : kết quả phẫu thuật phình xoang valsalva rất tốt, tỷ lệ tai biến và tử vong rất thấp

– Phẫu thuật tim hở, có sự hỗ trợ hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, có liệt tim.

– Nên có siêu âm thực quản trong lúc mổ để đánh giá trước và kiểm tra lại kết quả ngay sau phẫu thuật.

– Có thể tiếp cận vị trí phình và lỗ dò qua đường mở động mạch chủ, nhĩ phải, động mạch phổi.

– Cắt toàn bộ túi phình và tái tạo xoang Valsalva bằng miếng vá , đóng lỗ thông liên thất nếu có.

– Sửa hoặc thay van động mạch chủ nếu có hở van đi kèm .

– Đôi khi thay cả gốc động mạch chủ (PT Bentall) trong trường hợp phình do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (marfan).

– Đánh giá và sửa chữa các c ấu trúc khác nếu có tổn thương .

– Phình lớn có thể gây chèn ép, rối loạn dẫn truyền gây loạn nhịp, thiếu máu hoặc nhồi máu cơ tim nếu phình chèn ép mạch vành.

7. BIẾN CHỨNG:

7.1 Truớc phẫu thuật:

– Vỡ phình Valsalva: có thể gây tử vong nếu vỡ ra màng ngoài tim.

7.2 Sau phẫu thuật:

– Phình tái phát : hiếm gặp, do không cắt hết mô bệnh.

– Hở van động mạch chủ tồn lưu hoặc tiến triển: là biến chứng thuờng gặp nhất

– Rối loạn nhịp tim, block nhĩ thất.

Hình 1: phình xoang Valsalva phải vỡ vào thất phải

Hình 2: căt túi phình và tái tạo xoang Valsalva

Tài liệu tham khảo:

– Guideline của Hội Tim mạch quốc gia Việt Nam.

– Guideline của STS/ACC/AHA/ACCF/ESC/EACTS.

– Textbook : C. Marvroudis and C. Baker:Pediatric Cardiac Surgery 2003, Mosby Inc.

R.A Jonas :Comprehensive Surgical Management of Congenital Heart Disease 2004, Hodder Arnold

 

Bacsidanang.comThông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .

Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.

Group: bacsidanang.com