CHỌC DÒ VÀ SINH THIẾT MÀNG PHỔI MỤC ĐÍCH:
1. Chọc dò màng phổi: dùng kim nhỏ chọc qua thành ngực vào khoang màng phổi để rút dịch màng phổi.
2. Sinh thiết màng phổi: dùng kim sinh thiết chọc qua thành ngực vào khoang màng phổi để lấy tổ chức của lá thành màng phổi chẩn đoán giải phẫu bệnh.
CHỈ ĐỊNH:
Chọc dò:
Để chẩn đoán tất cả các trường hợp tràn dịch màng phổi. Để chọc tháo bớt dịch khi lượng dịch nhiều làm bệnh nhân khó thở.
Sinh thiết:
Tất cả các tràn dịch màng phổi dịch tiết, chưa rõ nguyên nhân.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
Chọc dò:
– Để chẩn đoán: không có chống chỉ định.
– Để chọc tháo: chống chỉ định tương đối khi có nghi ngờ nguyên nhân của tràn dịch màng phổi là do suy tim.
Sinh thiết:
– Chọc thăm dò màng phổi mà không rút được dịch hoặc lượng dịch quá ít rút khó khăn.
– Bệnh nhân suy hố hấp, suy kiệt nặng.
– B ệnh nhân không hợp tác.
CHUẨN BỊ:
Cán bộ chuyên khoa:
Bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Phương tiện:
– Kim 23-25G + bơm tiêm 10 ml, kim 18G
– Bông gòn, gạc, cồn.
– Các ống nghiệm vô trùng.
– Máy hút.
– Lidocain 2%, Atropin.
– Kim Abrams (hoặc kim Castelain).
– Dao mổ đầu nhọn.
– Lọ Formol.
Bệnh nhân:
– Được giải thích để yên tâm.
– Làm xét nghiệm máu chảy, máu đông nếu làm sinh thiết.
– Tiêm dưới da 0,25 mg Atropin trước khi tiến hành phẫu thuật.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:
Chọc dò:
– Định vị nơi chọc dò: dựa trên X-quang, trường hợp khó có thể nhờ siêu âm đánh dấu.
– Sát khuẩn ngoài da.
– Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2%, dùng kim nhỏ (25G) gây tê nốt dưới da rồi gây tê dần dần đến màng phổi thành. Kim luồn đi sát bờ trên xương sườn dưới.
– Khi kim vừa qua khỏi màng phổi thành, ngừng lại và rút dịch. Nếu dịch rút nặng tay, thay kim gây tê bằng kim 18G rồi rút lại. Nếu rút ra được #40 cc mà vẫn còn rút ra được nhẹ tay thì có thể tiến hành sinh thiết màng phổi.
Sinh thiết:
– Dùng dao mổ rạch da #0,5 cm và sâu #0,5 cm.
– Kim Abrams ở vị trí khoá, đẩy kim qua vết rạch da, dựa sát bờ trên xương sườn, khi qua khỏi màng phổi thành sẽ có cảm giác vượt qua khỏi một kháng lực – Rút nòng thông ra, lắp ống tiêm vào, xoay nòng trong qua trái để mở cửa sổ rồi hút thử, nếu có dịch tức đầu kim đã nằm trong khoang màng phổi.
– Gỡ ống tiêm ra, đút nòng thông vào trở lại – Cửa sổ mở và hướng xuống dưới – Vừa kéo kim ra vừa đè nhẹ kim xuống – khi lá thành màng phổi dính vào cửa sổ, sẽ có cảm giác kéo ra bị vướng. Xoay nòng trong qua phải để cắt phần màng phổi bị vướng trong cửa sổ – Rút kim ra và lấy mẫu bệnh phẩm.
– Có thể đưa kim vào trở lại để sinh thiết lần 2 và rút dịch giải toả nếu cần.
– Dùng gạc day lên vết thương để xoá bỏ đường hầm. Băng ép đơn giản.
THEO DÕI VÀ XỬ LÝ TAI BIẾN:
1. Sốc thần kinh phế vị: điều trị tuỳ theo mức độ.
2. Tràn khí màng phổi do chọc kim vào phổi hay do khí lọt qua kim:
– Ít (khối lượng phổi xẹp < 20%) không cần xử lý.
– Nhiều thì chọc hút khí, dẫn lưu bằng ống thông.
3. Xuất huyết do chạm mạch: chỉ cần băng ép lại.
4. Bội nhiễm màng phổi: bệnh nhân sốt, dịch màng phổi đục hoặc hoá mủ. Điều trị như tràn mủ màng phổi.
5. Sốc do tháo dịch nhanh: thường xảy ra khi chọc tháo lượng nhiều và tốc độ nhanh: bệnh nhân ho, tức ngực, khó thở và nặng nhất là phù phổi: ngưng ngay động tác hút dịch – Nếu bệnh nhân khó thở nhiều: để không khí lọt tự do qua lỗ kim tràn vào khoang màng phổi (chỉ cần vài nhịp thở bệnh nhân là đủ). Phòng tránh bằng cách:
– Không chọc tháo với lực hút âm quá 40 cmH2O.
– Không chọc tháo quá 1-1,5 lít một lần, hoặc ngưng hút ngay khi b ệnh nhân bắt đầu ho.
Bacsidanang.com – Thông tin khám bệnh ở Đà Nẵng, Thiết bị y tế Gia đình Đà Nẵng .
Danh bạ bác sĩ, phòng khám ở Đà Nẵng, dịch vụ y tế, khám tiết niệu nam khoa ở Đà Nẵng, phẫu thuật thẩm mỹ ở Đà Nẵng, thiết bị y tế gia đình Đà Nẵng, thực phẩm chức năng Đà Nẵng.